Các quan chức dùng xe gì?

06:57 | 21/08/2014

3,609 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quan chức đi xe riêng, xe càng sang càng “oách”, hơn hẳn đi xe ôm!

Năng lượng Mới số 349

Ông Nguyễn Văn Mùi là người vinh dự được phục vụ Bác Hồ nhiều năm. Ông kể: Có lần đang đi trên đường, dù đường thoáng nhưng tôi vẫn cho xe chạy chậm để bảo đảm an toàn cho Bác. Bỗng lúc ấy có chiếc xe ôtô khác vượt lên trước, Bác hỏi: “Xe mình và xe họ, xe nào tốt hơn?”.

Lúc ấy tôi lúng túng không biết trả lời sao thì đồng chí Kháng đỡ lời: “Xe mình cũng tốt như xe họ, nhưng để đảm bảo an toàn cho Bác nên đồng chí Mùi giữ tốc độ như thế này là tốt nhất”. Lúc ấy Bác cười, nói: “Hóa ra xe chạy nhanh hay chậm là có chú Kháng cầm trịch chứ gì, vậy thì lần sau không cho chú Kháng đi nữa”. Câu nói hài hước khiến đồng chí Kháng bẽn lẽn đỏ mặt, còn mọi người thì cười vui vẻ.

Sau khi Bác Hồ mất, theo yêu cầu của tổ chức, ông Mùi lại tiếp tục lái xe phục vụ Bác Tôn. Thời gian lái xe cho Bác Tôn, ông Mùi quản lý hai chiếc xe, một chiếc Von-ga và một Commăngca. Thế nhưng, cũng như Bác Hồ, chỉ khi nào tiếp khách quan trọng Bác Tôn mới sử dụng xe Von-ga, còn bình thường Bác chỉ dùng xe Commăngca cho dân dã.

Ông kể: Bác Tôn thường hay tập thể dục buổi sáng và môn thể dục Bác ưa chuộng nhất là đạp xe. Thế nhưng, để giữ an toàn cho Bác nên sáng nào cũng vậy, mỗi khi Bác đạp xe là lại có hai, ba cảnh vệ đạp xe cùng để bảo vệ. Vì là người giản dị, không thích làm phiền người khác nên có lần Bác Tôn đã bảo với anh em: Bác già rồi, các chú cứ mặc kệ Bác. Bác không làm sao đâu, các chú cứ ngủ nghỉ cho khỏe, dậy sớm làm gì (Bác Tôn thường dậy và đạp xe tập thể dục vào lúc 5 giờ sáng). Và nhiều lúc, để đỡ phiền phức cho anh em nên có hôm Bác Tôn đã một mình đạp xe ra cổng làm anh em cảnh vệ “trở tay” không kịp…

Các quan chức dùng xe gì?

Chuyện gần hơn là chuyện Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh dùng xe gì?

Cựu Tổng biên tập Báo Nhân dân, nhà báo Hữu Thọ nhớ lại: Tối và đêm ngày 24-5-1987 là phiên tôi trực ban biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30, khi mọi người đã rời cơ quan về nhà, tòa soạn chỉ còn tôi và các đồng chí trong Ban Thư ký trực buổi đó thì đồng chí Viên, thường trực cơ quan ở cổng 71 phố Hàng Trống, đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi, đi ôtô Lada màu sữa đến đưa một phong bì gửi Ban Biên tập. Phong bì của Văn phòng Trung ương Ðảng, dù không đóng dấu hỏa tốc nhưng tôi vẫn mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ “gửi một bài báo, nếu Ban Biên tập thấy được thì đăng”.

Tôi vội chạy ra chỗ thường trực được anh em mô tả một người cao cao, xương xương, nói giọng miền Bắc, đi theo có một đồng chí nói giọng Nam Bộ, đi xe Lada màu sữa. Tôi biết trong Bộ Chính trị lúc đó chỉ có đồng chí Nguyễn Văn Linh không đi xe Von-ga theo tiêu chuẩn, mà đi xe Lada theo tiêu chuẩn Phó ban của Ðảng. Và chúng tôi quyết định đăng ngay số báo ngày hôm sau (25-5-1987), trên trang nhất, đóng khung, cũng là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân…

Chuyện kể tiếp: Do miền Bắc rất nóng, anh em đã lắp thêm vào chiếc xe Lada ấy một bộ điều hòa nhiệt độ, nhưng vì quá tải nên không an toàn.

Việc sử dụng xe công thường do Bộ Tài chính quy định nhưng cũng có trường hợp đích thân Thủ tướng Chính phủ quyết định, chẳng hạn cho phép thứ trưởng, cán bộ có cấp hàm thượng tướng và có hệ số lương khởi điểm 9,8 trở lên mới được sử dụng thường xuyên một xe ôtô có giá mua tối đa 1,1 tỉ đồng. Người mang hàm trung tướng và các chức danh hệ số lương khởi điểm từ 9,2 trở lên; cán bộ công an là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và TP HCM; chức danh lãnh đạo, chỉ huy có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 1,2 đến 1,3 được dùng xe có giá mua không quá 920 triệu…

Còn nhớ chuyện ở Văn phòng Quốc hội cách nay 8-9 năm từng có một Phó chủ nhiệm Văn phòng - xung phong nhận làm “thí điểm” nhận khoán tiền tự lo đi lại, không dùng xe cơ quan đưa đón hằng ngày mặc dù có đủ tiêu chuẩn đi xe có giá 1,1 tỉ đồng.

Ông chấp nhận mức phụ cấp là 4,5 triệu đồng/tháng, tính ra chỉ bằng khoảng 40% kinh phí mà Văn phòng Quốc hội phải chi để đưa ông, chưa tính tiền mua sắm xe và sửa chữa xe công. Tiếc rằng, chính sách này cũng chỉ có mỗi một mình ông đăng ký thực hiện và không một ai tham gia. Phải chăng với cấp hàm thứ trưởng lại đi “xe ôm” thì xem ra có vẻ thấy “mất thế”. Ðến nay, sau 8 năm, tôi cũng không thấy ai đăng ký thực hiện theo hướng đề xuất này và được báo chí cổ súy, cho dù cái khoản mà Nhà nước thanh toán cho ông mỗi tháng cũng non nửa mức lương của một thứ trưởng hồi đó. Liệu có phải cái mức phụ cấp khoán xe công kia, dù gần bằng nửa lương của một lãnh đạo cao cấp vẫn chưa đủ “hấp dẫn” các quan chức?

Thực ra, khi ông phó chủ nhiệm duy nhất đăng ký thực hiện, chính sách mới là thí điểm. Ðến tháng 5-2007, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định cho phép các chức danh tương đương thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HÐND và UBND trở xuống) được khoán xe công. Ðến tháng 9-2007, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định cơ chế và cách tính chi phí khi thực hiện khoán xe công. Như vậy, việc khoán xe công đã trở thành chính sách. Tuy nhiên, dù có lợi về kinh tế như vị phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đi xe ôm và taxi đi làm, mỗi tháng ông chi cũng chỉ hết non nửa số tiền Nhà nước khoán cho ông đi làm hằng ngày.

Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó cho biết, nếu thực hiện khoán xe công thì sẽ tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Quy ra thóc từ đó đến nay chúng ta có thể tiết kiệm được 7.000 tỉ đồng và không tốn tiền mua xe công. Chẳng hạn ở Hà Nội, năm 2013, do tạm ngừng sắm xe mới đã tiết kiệm 56 tỉ đồng. Nếu tính cả 63 tỉnh thành cũng làm như Hà Nội thì không biết sẽ giảm chính sách bao nhiêu tiền để chi cho đầu tư phát triển?

Hồi mới tách Quảng Nam - Ðà Nẵng, hai địa phương này đã tính chuyện lập đoàn xe buýt chở cán bộ Quảng Nam đi về Ðà Nẵng hằng tuần nhưng bất thành. Ði xe con tiện lợi hơn nhiều dù có chạy rỗng cả lượt về và lượt đi.

Có một phép tính, nếu 50% quan chức thực hiện khoán xe là 13.000 xe công thì trong thời gian tới, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm chi được 1.500 tỉ đồng.

Theo Cục Quản lý công sản, hiện nay cả nước có khoảng 37.000 xe ôtô công, được coi là khá cao. Câu hỏi đặt ra là, vì sao chính sách này không được hưởng ứng của các bộ, ngành và cá nhân cán bộ, lãnh đạo nào khác? Nghe nói, ở Bộ Tài chính cũng không có thứ trưởng nào đăng ký nhận khoán chi phí đi làm. 

Quan chức đi xe riêng, xe càng sang càng “oách”, hơn hẳn đi xe ôm!

Thọ Vinh


 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc