Lạc quan với phong điện

14:15 | 15/09/2017

745 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã từng có ý kiến nhận xét rằng, Việt Nam “lạnh lùng” với điện gió, mặc dù gió là nguồn tài nguyên mà không phải quốc gia nào cũng được thiên nhiên ưu đãi.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió (phong điện) lớn nhất trong khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020.

“Lạnh lùng” là bởi lẽ chi phí sản xuất điện gió thì cao, hiện cỡ khoảng trên dưới 10 cent/kWh, mà giá mua điện gió thì lại thấp. Với mức giá bình quân khoảng 7,8 cent/kWh thì không khác mấy so với giá điện than. Đây được xem là những mức giá mua điện gió thấp nhất thế giới. Như Thái Lan giá bán 20 cent/kWh; Philippines 29 cent/kWh hay Nhật Bản 30 cent/kWh...

lac quan voi phong dien

Chính vì thế, cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có 4 dự án với tổng công suất 159,2MW đã đi vào vận hành thương mại. Một con số nhỏ bé đến đáng thương so với tiềm năng.

Một tin vui đã đến. Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ điều chỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, trong đó đề xuất tăng giá mua điện gió đất liền lên 8,77 US cent/kWh, trên biển là 9,97 US cent/kWh.

Để có con số “chốt cứng” như vậy, Bộ đã nghiên cứu báo cáo khả thi của 23 dự án điện gió, xem xét chi phí và số liệu đo gió, vận hành thực tế của 2 dự án đã phát điện, sử dụng công nghệ hiện tại ở Việt Nam đến nay là Dự án Điện gió Phú Lạc 1 (24MW) và Dự án Điện gió Bạc Liêu (99,2MW).

Không biết con số giá mua điện gió được điều chỉnh lần này có bù đắp được những ngày tháng lạnh lùng trước đây chưa nhưng có thể cho thấy, đây là một bước nhận thức mới, thái độ mới, hành động mới của Việt Nam đối với điện gió.

Mặt khác, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140MW hiện nay lên khoảng 800MW vào năm 2020, khoảng 2.000MW vào năm 2025 và khoảng 6.000MW vào năm 2030. Tỷ trọng điện gió trong tổng lượng điện quốc gia là 0,7% năm 2020 và đến 2030 là 2,4%. Trong đó, 80% là điện gió trong đất liền và trên biển là 20%.

Tuy nhiên, theo ông Jérôme Pécresse - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GE Renewable Energy - mục tiêu phát triển điện gió trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Ông cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển điện gió, như đường bờ biển dài hơn 3.200km, tốc độ gió trung bình khoảng 6-7m/s, chất lượng gió khá ổn định. Chính vì vậy, không có lý do gì để Việt Nam không nghiên cứu và đầu tư phát triển mạnh nguồn năng lượng này.

Sau khi tạm ngừng phát triển năng lượng hạt nhân, với nhu cầu điện năng ngày càng tăng, Việt Nam đã và đang từng bước coi trọng việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cách đây ít lâu, Chính phủ đã có quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh). Động thái này đã khiến hàng loạt các dự án về điện mặt trời khởi sắc.

Nay điện gió đang có hy vọng thoát ra khỏi cảnh “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Và việc mua điện gió với giá cao như vậy, liệu có ảnh hưởng nhiều đến giá điện bán ra của EVN?

Theo Bộ Công Thương, chi phí sản xuất điện của hệ thống năm 2015 là 7,28 cent/kWh và giả định năm 2020 tăng lên 9,94 US cent/kWh. Do đó, mức giá điện gió đề xuất được đánh giá là không tăng thêm đáng kể chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: tăng 0,08 đồng/kWh năm 2017 và 0,23 đồng/kWh vào năm 2019.

Ông Tobias Cossen, Trưởng Dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam thuộc Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), ngay cả khi đề xuất ở mức giá cao hơn, đã phân tích: “Chúng tôi tính toán rằng, để đạt được công suất lắp đặt điện gió ở mức 800MW với giá 10,4 cent/kWh, khi đó, giá mỗi kWh sẽ chỉ tăng thêm 3,5 đồng. Mỗi hộ gia đình phải trả thêm một khoản tiền không đáng kể mỗi tháng. Ví dụ, một hộ gia đình 4 người dùng một tháng khoảng 400 số điện chỉ phải trả thêm 1.200 đồng. Điều này rõ ràng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu mà mình đề ra trong khi người dân không phải gánh giá thành điện gió quá cao”.

Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về sự phát triển của công nghiệp phong điện Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu ý tưởng: Chính phủ cần sớm tổ chức lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo. Trong việc lập quy hoạch này, cần phải quy tụ được các nhà tư vấn có trình độ, kinh nghiệm về năng lượng tái tạo. Đồng thời, trong quy hoạch cho từng tỉnh, vùng, miền, cần xác định giá trị đầu tư hợp lý cho các dự án. Chính phủ cũng cần có chủ trương xây dựng 1-2 khu công nghệ cao đối với việc sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo để giảm nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài.

Nguyễn Long Vân