Cần nhanh chóng xây dựng chiến lược về điện gió ngoài khơi

18:55 | 14/04/2020

2,467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng 475.000 MW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại vùng biển có độ sâu nhỏ hơn 200m.

Hiện nay tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam vào khoảng 40.000 MW với các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than. Đáng nói là cả hai nguồn điện này đang gặp rất nhiều vấn đề về môi trường hoặc cạn kiệt khả năng phát triển. Vì vậy ĐGNK với tiềm năng gấp nhiều lần công suất hiện hữu chính là hướng đi tốt nhất đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai.

can nhanh chong xay dung chien luoc ve dien gio ngoai khoi
Phát triển ĐGNK sẽ giúp Việt Nam đủ điện cho sản xuất và kinh doanh.

Vùng ven biển nước ta, đặc biệt vùng phía Nam có diện tích rộng khoảng 142.000 km2, độ sâu từ 0m đến 60m, diện tích khoảng không lớn nên tiềm năng phát triển điện gió rất tốt. Theo số liệu tốc độ gió thì vùng này đạt tốc độ gió trung bình ở độ cao 100m đạt hơn 7-10m/s.

Đặc biệt với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã ban hành như Nghị quyết Trung ương 55, Nghị quyết Trung ương 36 về phát triển năng lượng tái tạo biển, ĐGNK, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu, và Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ năm 2019 thì các nguồn vốn lớn và công nghệ ĐGNK từ EU đang dễ dàng tham gia phát triển ĐGNK tại Việt Nam.

Những đóng góp của dự án điện gió ngoài khơi công suất lớn nếu được triển khai nhanh chóng và thuận lợi không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn đem lại nhiều đột phá lớn về kinh tế. Đơn cử như dự án ĐGNK Thăng Long có công suất 3.400 MW, nếu thành công sẽ tối ưu hóa nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6-8,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo; tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.

Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao/bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển.

Tại hội thảo về dự án ĐGNK Thăng Long, liên danh nhà thầu Vietsovpetro & PVC-MS - hai đơn vị đảm nhiệm toàn bộ phần công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các chân đế ngoài khơi của dự án - cho rằng ĐGNK Thăng Long sẽ có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50%, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn trong công nghiệp điện gió. Dự án này sẽ tận dụng được năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong thi công các kết cấu thép và xây dựng ngoài khơi đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á về phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo TS Dư Văn Toán, để có sự đột phá trong phát triển điện gió ngoài khơi cần phải có các chính sách quốc gia. Cụ thể như sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ĐGNK; Phải sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển ĐGNK Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án ĐGNK và các năng lượng biển khác; xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chính sách giá mua điện, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế carbon của quốc gia.

Đặc biệt cần có chương trình nghiên cứu khoa học về ĐGNK, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ về điện gió. Trong đó phải có đề án tích hợp phát triển kinh tế biển dựa vào ĐGNK, đề án chuỗi cung ứng dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và nhân lực phục vụ năng lượng gió biển; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án điện gió có công suất lớn (3,4 GW) như Thanglong wind ngoài khơi biển tỉnh Bình Thuận.

Có thể thấy rằng, thời cơ để đột phát tiềm năng ĐGNK của Việt Nam đã tới, để nắm bắt được cần Chính phủ và các bộ ngành nhanh chóng và quyết liệt vào cuộc, xây dựng một chiến lược quốc gia có tính đột phá về ĐGNK. Đây chính là nền tảng quan trọng phát triển kinh tế biển Việt Nam trong tương lai.

Tùng Dương

can nhanh chong xay dung chien luoc ve dien gio ngoai khoi

Điện gió ngoài khơi: Bài toán kinh tế biển hiệu quả
can nhanh chong xay dung chien luoc ve dien gio ngoai khoi

[Infographic] Điện gió ngoài khơi – tài nguyên năng lượng tái tạo vô tận
can nhanh chong xay dung chien luoc ve dien gio ngoai khoi

Lĩnh vực điện gió ngoài khơi năm 2019 tăng trưởng mạnh
can nhanh chong xay dung chien luoc ve dien gio ngoai khoi

PVC-MS là nhà thầu dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất Việt Nam