Không ai tự nhiên đi nhập khẩu than

07:00 | 03/10/2016

1,992 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Thời gian gần đây, ngành than Việt Nam liên tục phải đứng trước những áp lực chồng chất: Khai thác khó khăn, tiêu thụ chậm, giá bán giảm, thuế phí tăng từ sau 1-7-2016. Rồi mới đây, ngành than tiếp tục chịu sức ép từ dư luận khi tồn kho than chưa xử lý hết mà vẫn nhập khẩu than.  

Tại sao than Trung Quốc giá lại cao?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan 8 tháng đầu năm 2016 cho thấy, Việt Nam đã nhập từ thị trường Trung Quốc 1,4 triệu tấn than với giá 71USD/tấn. Trong đó, giá nhập từ các thị trường khác chỉ khoảng 63USD/tấn. Phải nói thêm rằng, việc nhập khẩu than như ở thời điểm hiện tại là câu chuyện mới. Bởi chỉ vài năm trước, chúng ta vẫn còn dôi dư than để xuất. Bởi vậy, dư luận đang đặt ra một số câu hỏi, trước đây Trung Quốc nhập khẩu than của ta, giờ ta lại đi nhập khẩu than từ Trung Quốc, than này là loại than như thế nào giá lại cao đến vậy? Trong khi ngành than đang tồn kho khoảng 12 triệu tấn, cả nước lại nhập khẩu đến hơn 9 triệu tấn than từ đầu năm 2016 đến nay. Nhập giá than quốc tế 50-54USD/tấn, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 71USD/tấn.

khong ai tu nhien di nhap khau than
Sàng tuyển than tại Quảng Ninh

Để trả lời câu hỏi này, một chuyên gia từng nhiều năm công tác trong ngành than lý giải, sở dĩ than Trung Quốc bán cho Việt Nam có giá cao vì đây là than mỡ dùng trong công nghiệp luyện kim. Than mỡ là loại có tuổi thành tạo thấp hơn than antraxit (than gầy, loại thường khai thác ở Quảng Ninh) và giá cũng thường đắt hơn 4 lần. Trong khi đó, nếu nhập than từ Indonesia thì giá rất rẻ do là loại bitum, còn được gọi là “than mềm”, loại than này nhược điểm là gây ảnh hưởng không khí. Chuyên gia này cũng cho rằng, giá than từ nước bạn giá cả hoàn toàn phù hợp với chất lượng. Thậm chí mức giá này đã rẻ hơn rất nhiều so với trước đây, đợt cao điểm loại than này từng được bán 200USD/tấn. Cho nên việc so sánh giá than trên thị trường quốc tế được coi là khá khập khiễng, ví dụ thị trường than Indonesia bán 44USD/tấn, nhưng Nam Phi chỉ bán với giá 23-25USD/tấn... Ta nhập từ Nam Phi phải vận chuyển xa nhưng tính ra cũng rẻ nên vẫn nhập

Đồng quan điểm trên, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Đoàn Văn Kiển nói rằng, cùng là than dù khai thác trong nước hay nhập từ nước ngoài, nếu nhiệt lượng khác nhau, độ tro khác nhau, chất bốc khác nhau, hàm lượng lưu huỳnh khác nhau... thì giá khác nhau, việc chênh lệch giá giữa các loại than lên đến vài chục đôla là chuyện bình thường.

Không phải là “vác củi về rừng”

Thoạt nghe đây là việc “khó nghe” mà hiện nay ngành than đang phải làm. Theo số liệu báo cáo trong kỳ họp Chính phủ cuối tháng 8 vừa qua là tồn kho than hiện đã đến khoảng 12 triệu tấn. Trong khi đó, tổng lượng than nhập khẩu từ đầu năm đến nay đã hơn 9 triệu tấn. Về việc tồn kho trong nước cao mà vẫn nhập khẩu than, ông Kiển giải thích, do một số nhà máy điện, nhà máy xi măng ngay từ đầu đã thiết kế sử dụng than nhập khẩu theo quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, một số nhà máy dùng than nhập khẩu dễ đốt thay cho than antraxit trong nước khó đốt. Do vậy, nhu cầu sử dụng than nhập khẩu tăng. TKV nhập khẩu than để pha trộn với than vùng Vàng Danh, Nam Mẫu (Uông Bí) có chất bốc thấp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời buổi cạnh tranh” - ông Kiển cho biết. Theo các chuyên gia, trong những năm 2008-2011, nhu cầu than thế giới khá cao nên thị trường thuộc về người bán. TKV thời điểm đó có lãi nhiều nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2012, thị trường than thế giới chững lại, rồi giá giảm đến một nửa. Trong khi đó, chi phí sản xuất than trong nước liên tục tăng dẫn đến giá than trong nước cao hơn nhập khẩu.

Bởi vậy, việc nhập khẩu than không đơn giản là chuyện “vác củi về rừng”, Trao đổi thêm về vấn đề này Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho rằng, có nhiều loại than, mỗi chủng loại một đặc tính khác nhau, từ đó phải phân loại mới sử dụng được. Trong cơ cấu chủng loại than do TKV sản xuất có nhiều loại than khác nhau từ cám 1 đến cám 6a, b, cám 7a, b, c và các loại than cục. Hiện nay, tại thị trường trong nước, loại than cám 6a1 Hòn Gai, Cẩm Phả đang được nhiều nhà sử dụng lựa chọn và tiêu thụ nhiều. Trong khi đó, theo cân đối cơ cấu các chủng loại than sản xuất trong nước thì loại than này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước (ước tính năm 2016 thiếu khoảng 3 triệu tấn).

Và nữa, loại than tương đương của vùng miền Tây Quảng Ninh (than Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh) hiện tại thị trường ít có nhu cầu do đặc tính lưu huỳnh cao hơn, chất bốc thấp hơn cho nên tồn kho còn cao cho nên TKV đã phải nhập khẩu một phần than Anthraxit chất bốc cao (10-15%) để: Một là, chế biến, pha trộn với một số loại than trong nước để cung cấp cho các hộ có nhu cầu, nhằm mục đích giảm tồn kho than khu vực miền Tây có chất bốc thấp, để ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội trên địa bàn. Hai là, hiện nay trên thế giới, nguồn than cung đang vượt cầu, có giá tốt, là thời điểm thuận lợi để từng bước thiết lập, đàm phán, đặt quan hệ lâu dài với các đối tác cung cấp than để khi thị trường phục hồi (thực tế là bắt đầu từ quý II/2016, giá than có chiều hướng tăng, cao hơn khoảng 5-10USD/tấn so với quý I) sẽ thuận lợi hơn việc duy trì hợp tác lâu dài cung cấp than cho nhu cầu trong nước sẽ tăng cao trong các năm tới. Về giá thành, việc phối trộn than nhập với than trong nước giá thành cũng rẻ hơn. Do vậy, việc TKV từng bước triển khai nhập khẩu than là tất yếu khách quan.

Minh Châu

Năng lượng Mới 562