Hướng tới ký hợp đồng hành chính trong các dịch vụ công

17:56 | 13/07/2017

1,003 lượt xem
|
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Hành chính công.  

Tham dự hội thảo có Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng ban soạn thảo Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh; các thành viên Ban soạn thảo Luật Hành chính công, các chuyên gia, tổ chức xã hội và cơ quan báo chí.

huong toi ky hop dong hanh chinh trong cac dich vu cong
Toàn cảnh hội thảo

Thông tin về tình hình hoạt động của Ban soạn thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, Ban soạn thảo đã tiến hành 4 phiên họp nhằm xây dựng, cho ý kiến và tiếp thu vào dự thảo Luật. Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã luôn chủ động bám sát Kế hoạch số 03/KH-BSTDALHCC ngày 20/4/2017 xây dựng dự án Luật Hành chính công để xây dựng lịch trình công tác hằng tuần, hằng tháng; thường xuyên duy trì quan hệ công tác thông qua thư điện tử để các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cập nhật kịp thời các thông tin cần thiết.

huong toi ky hop dong hanh chinh trong cac dich vu cong
Trưởng ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh trình bày tổng quan dự thảo Luật Hành chính công

Trưởng ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ: “Qua đợt khảo sát đánh giá ở các địa phương, dự án Luật Hành chính công nhận được sự ủng hộ rất lớn vì họ nhận thấy đây là một hành lang pháp lý, là cơ sở để các cấp các ngành quản lý đỡ lúng túng bởi nhiều quy định chồng chéo. Hành chính công là sử dụng quyền lực công để quản lý nhà nước và dịch vụ công, vì thế phạm vi vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã cố gắng để luật này không trùng lặp với các luật đã ban hành. Dự thảo Luật Hành chính công chọn lọc những vấn đề vẫn đang nằm ở nghị định, nghị quyết của Chính phủ, từ thực tiễn cuộc sống để nâng lên thành luật”.

Tính đến 12/7, dự thảo Luật Hành chính công được xây dựng gồm 7 chương và 58 điều, quy định về các quy định chung (phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các hành vi bị nghiêm cấm…); thủ tục hành chính công; quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công; cải cách hành chính và chính phủ điện tử; kiểm soát hành chính công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành chính công…

Các thành viên Ban soạn thảo nhấn mạnh, mục đích xây dựng dự án Luật Hành chính công nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc Hiến định về tăng cường quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và tham gia quản lý nhà nước; góp phần tạo hành lang pháp lý để khắc phục những bất cập của nền hành chính trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

huong toi ky hop dong hanh chinh trong cac dich vu cong
Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi về nội dung “Hợp đồng hành chính công” như: Hợp đồng hành chính công để thực hiện công vụ; để thuê, mua, cho hoặc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; để cung ứng dịch vụ công ích; trách nhiệm của người có thẩm quyền ký kết hợp đồng hành chính công... Đây là mảng nội dung quan trọng có nhiều tác động đến giao dịch giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, doanh nghiệp và hoạt động báo chí. Một số ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong pháp luật liên quan tới hành chính công; làm rõ vai trò của cộng đồng, đặc biệt là báo chí, trong kiểm soát hành chính công.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi một số nội dung trong dự thảo luật để có cách hiểu hoàn thiện, đầy đủ nhất về hành chính công ở Việt Nam qua đó hình dung đầy đủ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc