Giữ khỏe “trái tim” của nguồn điện Tây Bắc

07:00 | 06/01/2016

719 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong hệ thống truyền tải điện vùng Tây Bắc, trạm 500kV Sơn La được ví là “trái tim” của nguồn điện Tây Bắc khi tiếp nhận hầu hết lượng điện phát ra từ các nhà máy thủy điện vùng Tây Bắc. Việc vận hành an toàn, ổn định trạm 500kV Sơn La vì thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo cung ứng điện tại nhiều vùng miền trong cả nước. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Thư - Trạm trưởng trạm 500kV Sơn La về quá trình quản lý, vận hành trạm 500kV Sơn La.  

PV: Trước hết xin ông cho biết, trạm 500kV Sơn La có vai trò như thế nào trong hệ thống điện quốc gia?

Trạm trưởng Nguyễn Anh Thư: Trạm 500kV Sơn La chính thức đi vào vận hành từ ngày 27/9/2010 và vận hành an toàn, ổn định suốt từ đó đến nay. Nhiệm vụ chính của trạm 500kV Sơn La là tiếp nhận lượng điện phát ra từ Nhà máy Thủy điện Sơn La và sắp tới là Thủy điện Lai Châu cũng như toàn bộ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ vùng Tây Bắc để truyền tải lên lưới điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trạm 500kV Sơn La vì thế giữ vai trò rất lớn trong hệ thống điện quốc gia, là “trái tim” của nguồn điện Tây Bắc. Nếu trạm 500kV Sơn La gặp sự cố thì hoạt động của các nhà máy thủy điện sẽ bị tê liệt.

giu khoe trai tim cua nguon dien tay bac
Ông Nguyễn Anh Thư

Tổng thiết kế của trạm có 16 ngăn lộ đường dây và thiết bị 500kV. Trong giai đoạn đầu chỉ có 5 lộ đường dây và 2 lộ máy biến áp. Đến năm 2015, trạm được mở rộng thêm 2 lộ là đường dây 500kV đi Thủy điện Lai Châu và 12 ngăn lộ 220kV, trong đó có 6 ngăn lộ đường dây, 4 ngăn lộ nội bộ và 2 ngăn lộ dự phòng. Trong 6 ngăn lộ đường dây thì có 2 ngăn lộ đi Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, đây là một trong những đường dây chiến lược giải phóng công suất cho các thủy điện khu vực Tây Bắc. 2 đường dây tiếp theo được nối với Thủy điện Nậm Chiến. Tiếp đến là 2 đường dây liên kết với trạm 220kV Sơn La, lúc thấp điểm thì nhận từ các thủy điện nhỏ, còn cao điểm thì truyền tải công suất về trạm 220kV Sơn La để trạm chuyển xuống lưới phân phối để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.

PV: Được biết, 5 năm qua, trạm 500kV Sơn La luôn được vận hành an toàn, ổn định, không để xảy ra bất kỳ sự cố cháy nào. Vì đâu lại có được kết quả này, thưa ông?

Trạm trưởng Nguyễn Anh Thư: Trước tiên phải khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của trạm 500kV. Và để có được kết quả trên, trạm luôn nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cũng như Công ty Truyền tải điện 1, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bởi hầu hết cán bộ, công nhân viên đều từ tỉnh xa đến. Nhân sự của trạm thường xuyên biến động, anh em thường chỉ làm việc 1 đến 2 năm rồi đi nên việc đào tạo đội ngũ kế cận liên tục được thực hiện. Đây là khó khăn nhưng đồng thời cũng là động lực thúc đẩy khi luôn luôn có một lực lượng trẻ, giàu nhiệt huyết đến làm việc. Vì vậy, suốt những năm qua, với khát vọng của tuổi trẻ, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên và có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp trên, trạm 500kV đã đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc trong quá trình vận hành cũng như xử lý các khiếm khuyết, tồn tại để đảm bảo dòng điện của các thủy điện được truyền tải hết lên lưới quốc gia.

Ngoài ra, trạm cũng đã chủ động xây dựng được đội ngũ có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực trong việc vận hành trạm điện, những lĩnh vực có nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời, trạm còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương.

Chính nhờ sự phối hợp này cùng với sự chủ động các giải pháp trong quản lý, vận hành nên suốt 5 năm qua, trạm 500kV Sơn La không xảy ra bất kỳ sự cố cháy, chập nào.

PV: Với thiết kế hiện tại, trạm có bị quá tải không khi phải tiếp nhận toàn bộ sản lượng điện sản xuất tại các nhà máy thủy điện vùng Tây Bắc?

Trạm trưởng Nguyễn Anh Thư: Hiện nay, với thiết kế của trạm là 900MVA thì tổng công suất của các thủy điện mới đạt khoảng 50%. Và khi Thủy điện Huội Quảng vào toàn bộ và các thủy điện nhỏ thì mới có nguy cơ quá tải khoảng 20MVA. Để đón trước điều này, EVNNPT đã có kế hoạch nâng công suất các máy và dự kiến năm 2016 sẽ hoàn thành.

Còn với các thanh cái cũng như các lộ đường dây thì ngay từ khâu thiết kế đã được thiết kế với công suất rất lớn. Mỗi đường dây có thể gánh được 2/3 công suất phát của Thủy điện Sơn La. Trong khi đó Thủy điện Sơn La có 2 đường dây, 1 đường đi về trạm 500kV Nho Quan (Ninh Bình) và 1 về trạm 500kV Sơn La. Vậy nên, mối lo ngại về sự cố quá tải chỉ có thể xảy ra trong trường hợp 1 đến 2 đường dây liên kết với 1 nhà máy bị sự cố. Còn bình thường thì các lộ đường dây chỉ hoạt động khoảng 50% công suất.

giu khoe trai tim cua nguon dien tay bac
Trạm 500kV Sơn La

PV: Để quản lý, vận hành trạm 500kV Sơn La an toàn, ổn định thì ngoài việc nâng công suất máy biến áp, nhiệm vụ chính của trạm là gì, thưa ông?

Trạm trưởng Nguyễn Anh Thư: Như tôi đã đề cập ở trên, để đáp ứng nhu cầu truyền tải điện lên lưới quốc gia thời gian tới, trong năm 2016, EVNNPT đã có kế hoạch nâng công suất máy biến áp của trạm. Đây là một nhiệm vụ hết sức phức tạp, phức tạp hơn cả việc thêm 1 lộ đường dây, bởi riêng máy biến áp nó liên quan đến rất nhiều bảo vệ. Điều này đòi hỏi lực lượng vận hành của trạm và các cấp quản lý phải sát sao trong quá trình giám sát thi công, lắp đặt để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó thời gian đăng ký cắt điện rất ngắn. Đây không những là yêu cầu của ngành mà cả của dư luận xã hội nên đòi hỏi làm đến đâu phải xong đến đó, không để tổn tại. Đó là mục tiêu và cũng là thách thức, khó khăn đối với trạm 500kV Sơn La trong năm 2016.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên thì trạm sẽ cử đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu của công ty cũng như lực lượng vận hành của trạm bám thực tế, giám sát quá trình lắp đặt để cùng với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa tổ chức lễ gắn biển công trình đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu và mở rộng trạm 500kV Sơn La chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Công trình có quy mô bao gồm phần đường dây 500kV 2 mạch dài 158,5km từ Trạm biến áp (TBA) 500kV Sơn La đến sân phân phối 500kV NMTĐ Lai Châu và mở rộng, lắp đặt thiết bị cho 2 ngăn lộ 500kV tại TBA 500kV Sơn La. Tổng mức đầu tư của công trình hơn 4.000 tỉ đồng do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban QLDA các công trình điện miền Bắc đại diện chủ đầu tư điều hành quản lý dự án.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 488