Giải mã vụ khủng bố tại Thiên An Môn

16:41 | 04/11/2013

38,356 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời báo Los Angeles (Mỹ) nhìn nhận, một vụ tấn công ngay sát trung tâm quyền lực của Chính phủ Trung Quốc đã dấy lên những quan ngại về các biện pháp bảo đảm an ninh.

Các phần tử khủng bố thuộc tộc người Duy Ngô Nhĩ sống ở miền Tây Trung Quốc, từ lâu đã bị xếp vào danh sách nghi can tiến hành nhiều cuộc tấn công tại Trung Quốc. Đây chính là cơ sở để nghi ngờ rằng các phần tử ly khai này có liên quan đến vụ chiếc xe SUV cháy nổ tại Quảng trường Thiên An Môn hôm 28/10, làm 5 người chết, 38 người bị thương.

Hai ngày sau khi xảy ra vụ cháy nổ, giới lãnh đạo, cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một lời bình luận nào về bản chất vụ việc - rằng đây là một vụ tai nạn hay là hành động tấn công khủng bố. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao nước này đề nghị giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, việc điều tra đang được tiến hành theo hướng đây là một một vụ tấn công liều chết. Người quản lý khách sạn ở Bắc Kinh chia sẻ với truyền thông nước ngoài rằng cảnh sát Bắc Kinh đã yêu cầu khách sạn cung cấp thông tin về hai khách trọ là người Duy Ngô Nhĩ nghỉ ở đây.

Trung Quốc là nước có nhiều dân tộc. Hiện người Hán chiếm khoảng 90% dân số nhưng trong số 10% lại có tới 40 dân tộc thiểu số, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ - một tộc người vẫn sử dụng ngôn ngữ riêng, tôn giáo riêng, có văn hóa riêng hoàn toàn khác biệt với người Hán. Mâu thuẫn sắc tộc khiến Chính phủ Trung Quốc nhiều lần cáo buộc các phần tử thuộc nhóm sắc tộc thiểu số này - vốn chủ yếu sinh sống tại tỉnh Tân Cương miền Tây, sử dụng khủng bố để khuếch trương phong trào ly khai ở miền Tây nước này.

Hiện trường vụ cháy nổ tại Quảng trường Thiên An Môn hôm 28/10.

Hồi tháng 4 và tháng 6 vừa qua tại Tân Cương đã xảy ra 2 vụ bạo động làm chết 40 người và nhiều người khác bị thương. Chính phủ Trung Quốc cáo buộc “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan” đứng đằng sau các vụ bạo động đẫm máu này.

Tư liệu về Trung Quốc từng ghi nhận, đầu năm 1960 đã có mấy vạn người Tân Cương bỏ chạy sang nước ngoài, nhất là các nước Hồi giáo thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Turgikistan. Họ rất muốn khôi phục nhà nước Hồi giáo Đông Đột (Đông Turgikistan) ở Tân Cương, đã được lập ra vào khoảng 1945-1946, trước khi bị sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc khi cuộc cách mạng ở nước này thành công vào tháng 10/1949.

Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng việc CHND Trung Hoa tích cực thành lập Nhóm Sáng kiến Thượng Hải bao gồm Nga với mấy nước Cộng hòa Hồi giáo Trung Á thuộc Liên xô cũ, và đầu tư rất nhiều vào nhóm này, cũng nhằm lập một vành đai an toàn để ngăn chặn xu hướng “phục quốc” này.

Nghiên cứu sự phát triển ảnh hưởng và lãnh thổ của người Hán hàng ngàn năm qua, các chuyên gia nhận thấy có 3 khu vực mà họ không thể đồng hoá được đó là Việt Nam, Tây Tạng và Tân Cương. Đây cũng chính là nguyên nhân gây xung đột sắc tộc. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp là vụ xung đột giữa mấy trăm công nhân Hồi Tân Cương làm việc ở nhà máy sản xuất đồ chơi ở Thiều Quan, Quảng Đông, với công nhân người Hán tại đó, cách đấy khoảng mươi hôm, do bất đồng ngôn ngữ, hay phong tục tập quán gì đó. Ẩu đả khiến hai công nhân người Hồi thiệt mạng.

Còn nguyên nhân sâu xa là chính sách dân tộc của Trung Quốc không thu phục được người Hồi. Văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ của họ không được tôn trọng. Đất đai của tổ tiên họ để lại phần lớn nằm trong tay người Hán, mọi hoạt động kinh tế thương mại chính đều nằm trong tay người Hán. Ông Vương Chấn, người sau này trở thành Phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa, đã từng đưa quân đội lên Tân Cương khai khẩn, lập nông trường, để bây giờ người Hán chiếm tới 75% dân số ở Tân Cương.

Sự bất mãn âm ỉ từ lâu bị thổi bùng lên do sự kiện ở Thiều Quan. Chính nhà đương cục Trung Quốc cũng cảm thấy bất ngờ trước các vụ bạo động này.

Như vậy, ngoài lý do là một số người Hồi Tân Cương muốn thành lập một khu tự trị riêng, liệu xu hướng muốn ly khai của họ còn có nguyên nhân từ việc phát triển nóng tập trung vào miền duyên hải phía Đông của nền kinh tế Trung Quốc khiến người dân những vùng sâu vùng xa như Tân Cương cảm thấy họ bị thiệt thòi, bị tụt hậu so với phần phía Đông.

Do quá tập trung để phát triển miền Đông, Trung Quốc đã tạo ra khoảng cách về trình độ phát triển và giàu nghèo quá lớn giữa miền Đông và miền Tây. Để có thể phát triển nhanh, Trung Quốc đã khai thác quá mức sức lao động và tài nguyên, khiến đời sống người lao động không mấy được cải thiện, tài nguyên thì cạn kiệt và môi trường thì ô nhiễm.

Chính điều này là một trong những nguyên nhân mang lại hậu quả là có rất nhiều cuộc bạo loạn nổ ra ở Trung Quốc trong mấy năm trở lại đây.

Vụ cháy nổ xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn, đúng thời điểm các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, tham dự một cuộc họp tại Đại Lễ đường Nhân dân, cách Thiên An Môn khoảng 200m.

Thời báo Los Angeles (Mỹ) nhìn nhận, một vụ tấn công ngay sát trung tâm quyền lực của Chính phủ Trung Quốc đã dấy lên những quan ngại về các biện pháp bảo đảm an ninh. Còn tờ Nhật báo phố Wall cho rằng: “Nếu vụ việc được xác nhận là một cuộc tấn công do các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ tiến hành, thì đó sẽ là đòn đánh bạo gan nhất từ trước đến nay - nhằm thẳng vào trái tim chính trị tại Thủ đô của Trung Quốc. Vụ tấn công cũng sẽ thúc đẩy các chiến dịch an ninh nhằm vào Tân Cương, cùng với đó là các biện pháp thắt chặt an ninh tại các mục tiêu tiềm ẩn trên khắp cả nước”.

Căng thẳng giữa chính quyền Trung ương với người Ngô Duy Nhĩ là điều không mới, nhưng vụ tấn công liều chết để nhằm vào một mục tiêu chính trị nhạy cảm như Thiên An Môn, nó sẽ cho thấy một diễn biến mới. Vì như chuyên gia chính trị Barry Sautman tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong nhìn nhận: “Rõ là có nhiều vụ đánh bom xe do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện, nhưng chưa bao giờ có vụ tấn công bằng đánh bom liều chết”.

Trong chiến lược đầy tham vọng có tên gọi “Đại khai phát miền Tây”, Chính phủ Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này, trong đó có Tân Cương - được xem là vùng kém phát triển nhất nước. Tuy nhiên, sự thay đổi này cùng với việc tái phân bổ dân cư đã đưa đến một thực tế nhạy cảm khác: vấn đề bản sắc dân tộc. Dường như 8 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo cảm nhận rằng bản sắc của họ đang bị văn hóa và ngôn ngữ của người Hán “lấn lướt” - trong khi chính họ lại có sự tương đồng với các dân tộc ở nhiều nước Trung Á khác.

Vụ khủng bố này có thể có thông tin chính thức nhưng để giải mã toàn diện vẫn còn phải chờ thêm. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, mầm mống bạo loạn từ những mâu thuẫn sắc tộc ở cường quốc dân số này vẫn ẩn chứa nhiều bất ngờ khó đoán định.

V.N.A (tổng hợp)