Giá dầu hạ nhiệt

09:33 | 17/05/2011

396 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại thị trường Mỹ, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 6 giảm hơn 5% xuống còn 98 USD/thùng, dù có lúc đã chạm ngưỡng 97,5 USD/thùng.

Giá xăng phiên này cũng sụt giảm tới 25,69 cent, tương đương -7,6% xuống còn 3,1228 USD/gallon, đánh dấu phiên giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 9/2008.

CME Group Inc, chủ sở hữu sàn Nymex, đã phải ngừng giao dịch xăng, dầu thô và dầu đốt trên sàn Nymex trong vòng 5 phút vì theo quy định giao dịch xăng phải dừng lại khi giá giảm hơn 25 cent.

Theo Gene McGillian, chuyên gia phân tích của Tradition Energy, thị trường xăng tiếp tục diễn biến điên rồ. Các yếu tố cơ bản không xấu tới mức khiến giá xăng giảm mạnh đến thế. Thị trường đang hoảng loạn.

Thị trường năng lượng cũng đã có phiên chao đảo với mức giảm hơn 9% của giá dầu thô, đưa mặt bằng giá từ 109,2 USD/thùng về 99,8 USD/thùng.

Như vậy, so với mức 104,8 USD/thùng vào ngày 29/3, thì giá dầu WTI thô ngọt, nhẹ hiện đã giảm 6,6 USD/thùng, tương đương mức giảm 6,3%.

Ngày 16/5 trên thị trường châu Á, giá dầu đi xuống, do đồng USD lên giá so với đồng euro, trước mối lo ngại về tình trạng nợ nần của Hy Lạp .

Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 6/2011 giảm 1,26 USD xuống 98,39 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 97 xu xuống 112,86 USD/thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo về tốc độ tăng của nhu cầu dầu thế giới trong năm 2011 (giảm 190.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó), do giá dầu cao và sức phục hồi yếu ở của các nước giàu. Vì thế, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2011 ước dừng ở mức 89,2 triệu thùng/ngày.

Theo Emma Pinnock, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty tư vấn năng lượng Inenco, giá dầu giảm sau khi thị trường "bị giáng 3 cú đánh liên tiếp” từ những thống kê kinh tế buồn của Trung Quốc, chứng khoán toàn cầu sa sút và IEA hạ dự báo về nhu cầu dầu thế giới.

Giá dầu tại các hợp đồng kỳ hạn còn phải chịu sức ép bán tháo sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho hay kho dự trữ dầu thô và xăng của nước này ngày một đầy lên. Đây là những dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng đang yếu đi tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà đầu tư cũng lo ngại về nhu cầu dầu ở Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực kiềm chế lạm phát leo thang.

Đồng euro giảm giá so đồng USD là do thị trường lo sợ các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp có thể bị xáo trộn sau vụ Tổng giám đốc IMF bị bắt.

Mối lo ngại về vấn đề nợ tại khu vực đồng euro càng đào sâu thêm khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble, cho biết Hy Lạp có thể được gia hạn thời gian trả nợ.

Hy Lạp đã nhận gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (156 tỷ USD), nhưng nước này vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, vì nền kinh tế suy thoái quá sâu.

Kể từ ngày 19/4/2011 đến nay, tỷ giá USD/VN tại ngân hàng hình thành xu hướng giảm, sau khi đạt đỉnh 20.940 đồng/USD. Sau thời điểm 19/4, tỷ giá tại ngân hàng giảm mạnh và xuống mức thấp nhất 20.590 đồng/USD vào ngày 28/4.

Với mức tỷ giá bán ra tại Vietcombank ở mức 20.650 đồng/USD, tỷ giá VND đã giảm 245 đồng/USD, tương đương -1,86% so với thời điểm ngày 29/3 (ngày tăng giá xăng dầu gần nhất).

Không chỉ tỷ giá giảm, mà nguồn cung cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng tăng lên và số liệu cho thấy có doanh nghiệp đã mua được hơn 1 tỷ USD.

Theo báo cáo về hoạt động ngân hàng tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã mua được khoảng 898 triệu USD để thanh toán nhập khẩu xăng dầu. Tổng giám đốc Petrolimex, cho biết, riêng trong tháng 4, Petrolimex đã mua được trên 1 tỷ USD để đảm bảo trả nợ và nhập khẩu.

Như vậy, không chỉ tỷ giá có xu hướng giảm nhiệt mà doanh nghiệp cũng đã mua được USD với khối lượng lớn.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 5616/BTC-QLG bác đề nghị điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Theo TN