Gần 1.500 vụ tham nhũng được khởi tố

19:22 | 07/03/2012

415 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng đã được tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì hội nghị.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đảng viên được nâng lên; đa số đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân hoan nghênh, đồng tình với việc ban hành Nghị quyết và những chủ trương, giải pháp được nêu trong Nghị quyết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã xác định việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đây là giải pháp mang tính trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất; đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu bước đầu, hội nghị sẽ phân tích, làm rõ những mặt hạn chế, tồn tại và yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Luật Phòng chống tham nhũng.

Trên cơ sở đó, thảo luận, đề ra các biện pháp khắc phục nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tiếp theo.

Các cấp ủy Đảng đã kiểm tra gần 1,9 triệu đảng viên, phát hiện hơn 11.590 đảng viên vi phạm; thi hành kỷ luật hơn 2.950 trường hợp.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, hoặc kiến nghị xử lý 4 Ủy viên Trung ương Đảng (trong nhiệm kỳ X), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự Đảng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành; 2 Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Trong 5 năm, toàn ngành thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai hơn 62.990 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kết thúc hơn 52.670 cuộc.

Qua thanh tra, đã phát hiện, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với gần 1.620 tập thể, hơn 11.970 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hơn 460 vụ việc; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 20.740 tỉ đồng và gần 993.980 USD.

Gần 1.460 vụ án tham nhũng với hơn 3.150 bị can được khởi tố; truy tố hơn 1.600 vụ, gần 3.890 bị can. Xét xử 1.455 vụ, gần 3.390 bị cáo. Nổi cộm nhất là vụ Mai Văn Dâu, Huỳnh Ngọc Sỹ…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm: “Đối với 8 vụ án trọng điểm xảy ra từ năm 2006 trở về trước mà Ban chỉ đạo Trung ương lựa chọn để chỉ đạo ngay khi thành lập đều đã được đưa ra xét xử dứt điểm. Đối với 21 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp khác đã xét xử 5 vụ, tòa đang thụ lý 2 vụ, Viện kiểm sát thụ lý 3 vụ, đình chỉ tạm 4 vụ, đang điều tra 7 vụ”.

Về số vụ tham nhũng tuy có giảm nhưng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Các vụ tham nhũng chủ yếu được phát hiện, xử lý ở cấp cơ sở. Vụ tham nhũng quy mô hơn được phát hiện và xử lý còn ít. Việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỉ lệ còn cao.

Chính Ngọc