Emmanuel Macron - ứng viên sáng giá cho chức tổng thống Pháp

09:59 | 27/03/2017

971 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chưa đầy một tháng nữa, người dân Pháp sẽ bầu tổng thống mới. Trong số 5 ứng viên tham gia cuộc đua năm nay, ông Emmanuel Macron của đảng En Marche! vừa vượt lên dẫn trước sau vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình.
emmanuel macron ung vien sang gia cho chuc tong thong phap
Ứng viên Emmanuel Macron

Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 20/3 do đài truyền hình TF1 tổ chức với sự tham gia của 5 ứng viên gồm François Fillon của đảng Cộng hòa, Benoît Hamon (đảng Xã hội), Marine Le Pen (Mặt trận dân tộc), Emmanuel Macron (đảng En Marche!) và Jean-Luc Mélenchon (đảng Unsubmissive France).

Cuộc tranh luận bắt đầu với câu hỏi giới thiệu "Bạn muốn trở thành tổng thống như thế nào?". Tiếp theo là phân đoạn về ba chủ đề kéo dài khoảng 50 phút mỗi đề tài: Pháp nên có xã hội loại nào, Pháp nên theo mô hình kinh tế nào, và vị trí của Pháp trên thế giới. 5 ứng viên được cho 2 phút để trả lời mỗi câu hỏi, các đối thủ có 90 giây để nhận xét.

Theo cuộc thăm dò của Elabe, ông Macron được xem là người chiến thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên, với 29% người xem phỏng vấn cho ông là người thuyết phục nhất, tiếp theo là Mélenchon ở mức 20%, Le Pen và Fillon ở mức 19%, và Hamon ở mức 11%.

Jean Petaux, tiến sĩ khoa học chính trị, nhà nghiên cứu và giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị thuộc Đại học Bordeaux (Pháp) đã có buổi trả lời phỏng vấn đài RT của Nga về chủ đề này.

RT: Hiện có nhiều suy đoán về danh tính người chiến thắng trong cuộc tranh luận hôm 20/3. Theo ông, ai sẽ là người giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới?

Jean Petaux (JP): Đối với hình thức tranh luận trên truyền hình, gần như không thể dự đoán chính xác người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cho dù họ có giành ưu thế trong các cuộc tranh luận hay không. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng trước vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 23/4 vẫn còn 2 cuộc tranh luận nữa.

Thật khó để tìm ra người chiến thắng và kẻ chiến bại. Theo cách truyền thống, ta có thể dự đoán dựa trên phân tích những cái được và cái mất mà một ứng cử viên thể hiện trong cuộc tranh luận. Và rõ ràng, Emmanuel Macron được xem là người nổi trội nhất trong cuộc tranh luận vừa qua.

RT: Tại sao?

JP: Bởi vì trước hết, trong số các ứng cử viên, ông Macron là người ít có kinh nghiệm nhất, ít được người dân Pháp biết đến, và hơn nữa, ông không được nằm trong danh sách ứng cử viên tiềm năng như Benoît Hamon hay François Fillon.

Có thể nói, nếu xét về độ tuổi chính trị thì ông Macron không thể so sánh được với François Fillon và Benoît Hamon nhưng số lượng người dân Pháp theo dõi ông Macron trong tất cả vòng bỏ phiếu sơ bộ và vòng tranh luận thì lại đáng ngạc nhiên. Người Pháp đã rất quen thuộc với những cái tên như Benoît Hamon, Jean-Luc Mélenchon và cả Marine Le Pen bởi vì đây là lần tranh cử thứ 2 của bà, cộng thêm việc bà đã tham gia chính trường Pháp từ rất lâu. Về phần Jean-Luc Mélenchon, người xem cũng biết đến ông nhiều như Marine Le Pen vì ông đã hoạt động chính trị trong ít nhất 30 năm hoặc biết đến ông bằng cách này hay cách khác.

Còn Emmanuel Macron lại phần lớn tập trung nêu ra những thứ mà ông có thể làm tốt. Từ đó, tôi cho rằng ông Macron có hướng đi khá đúng đắn. Mặc dù, cái mất của ông là nguồn lực không đủ mạnh, yếu thế hơn những người khác và ông chỉ thuộc dạng tương đối tốt. Nhưng nếu bắt tôi phải đoán ai sẽ thắng thì người đó là Macron.

RT: Theo một bài báo đăng trên tờ Financial Times, Emmanuel Macron đã "bỏ lỡ khoảnh khắc của mình" trong cuộc tranh luận cho chiếc ghế tổng thống do ông ấy không dám khiêu khích ứng cử viên Marine Le Pen và François Fillon. Ông nghĩ gì về bài báo này?

JP: Tôi nghĩ nhận định của Financial Times tương đối chính xác. Chúng ta ấn tượng với Emmanuel Macron ở điểm có lúc ông ấy đã biết tạo ra khác biệt. Nhưng ngay sau đó ông ta trở lại với quan điểm cũ, và đồng ý với mọi thứ mà những ứng viên khác nói. Chỉ có một lần ông ấy đứng ra tranh cãi và bày tỏ quan điểm, thái độ của ông dành cho Marine Le Pen và François Fillon là như nhau, ít gay gắt hơn đối với Benoît Hamon.

Financial Times nói không sai nhưng đó chỉ là một phần của sự thật. Đây không phải là cơ hội duy nhất của Emmanuel Macron vì ông vẫn còn 2 cuộc tranh luận nữa để làm lại.

RT: Theo ông, cuộc tranh luận có gây ảnh hưởng đến dư luận hay không?

JP: Chúng ta sẽ biết qua các cuộc thăm dò. Có một điều đáng ngạc nhiên là gần như trong 60 ngày qua François Fillon và Marine Le Pen vẫn liên tục gặp phải những rắc rối, nhưng tôi thấy rằng chuyện này lại rất ít được đề cập đến trong cuộc tranh luận. Thực tế thì chúng chỉ được nhắc đến trong khoảng 5 phút. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên vì tôi đã nghĩ rằng các đối thủ của ông François Fillon sẽ ít kiềm chế, ít dè dặt khi đề cập đến những rắc rối của ông ta.

Th.Long