Xử phạt ôtô dừng quá 5 phút tại trạm BOT

Đủ căn cứ pháp lý

07:40 | 03/02/2018

443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây khẳng định, có đủ căn cứ để xử phạt các trường hợp vi phạm dừng đỗ quá 5 phút tại các trạm BOT. Hơn nữa, lực lượng chức năng có thể sử dụng dữ liệu từ camera tại các trạm thu phí BOT làm căn cứ “phạt nguội”.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gửi văn bản tới các nhà đầu tư BOT, Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố yêu cầu chủ đầu tư lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm BOT.

du can cu phap ly
Việc thu phí tại các trạm BOT trên cả nước thời gian vừa qua vấp phải nhiều sự phản đối của người dân (ảnh minh họa)

Việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút tại các trạm thu phí ngay sau đó đã vấp phải sự phản đối từ dư luận. Có ý kiến cho rằng, đây chỉ là biện pháp nhất thời, không phải biện pháp lâu dài. Từng nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Việc lắp đặt biển báo giao thông là phù hợp với thẩm quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tuy nhiên để có tính khả thi và có gây khó khăn cho người tham gia giao thông hay không thì còn phải phụ thuộc vào lợi ích công cộng của người tham gia giao thông cũng như không vi phạm vào quyền công dân.

Còn việc cấm dừng đỗ quá 5 phút như hiện nay là bài toán để giải quyết các hiện tượng đang xảy ra tại các trạm BOT, nhưng đây không phải là cách giải quyết triệt để, dứt điểm vấn đề. Một chính sách, chủ trương muốn đi vào đời sống cần phải được sự đồng thuận cao của người dân, việc cắm biển này được coi là một chính sách, quy định. Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng, cơ quan chức năng cần khảo sát lấy ý kiến của người dân trước khi đưa vào thực hiện.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) khẳng định, việc xử phạt là có căn cứ. Theo ông Huyện, tại Thông tư số 06/2017 của Bộ GTVT (hướng dẫn Điều 79, Nghị định 46) quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lực lượng chức năng có đủ cơ sở để sử dụng dữ liệu từ camera tại các trạm BOT làm căn cứ để xử “phạt nguội” vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, việc xử phạt phải đảm bảo đúng quy trình, nghĩa là dữ liệu này phải được đơn vị quản lý chuyển cho lực lượng chức năng xử phạt. Còn việc thu thập dữ liệu thế nào để hoàn thiện hồ sơ là việc của lực lượng chức năng nhằm đảm bảo yêu cầu của việc xử phạt.

Điều 79, Nghị định 46 về sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 71, Điều 72 và Điều 73 của nghị định này được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Các trạm thu phí đều đã có hệ thống camera khá đồng bộ. Khi thực hiện giao dịch quá 5 phút, cơ quan chức năng có thể đề nghị rời phương tiện ra khỏi khu vực giao dịch thu phí. Nếu cố tình vi phạm, chủ phương tiện sẽ bị xử lý theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Phương tiện, thiết bị quy định tại Khoản 1 điều này trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa 2 kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

Việc sử dụng phương tiện, thiết bị quy định tại Khoản 1 điều này phải đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Khoản 2, Điều 64, Luật Xử lý vi phạm hành chính.Yêu cầu đối với người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Là nhân viên của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; Nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan; Thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Thiên Minh - Xuân Hinh