Dự án Bauxite Tân Rai sẽ có lãi

07:00 | 22/03/2017

2,970 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Trước thông tin Dự án Bauxite Tân Rai lỗ gần 7.000 tỉ đồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Văn Biên cho rằng, đây là dự án lớn của ngành công nghiệp, có nhiều yếu tố khách quan làm tiến độ dự án kéo dài, làm tăng chi phí so với dự kiến ban đầu. Theo tính toán, dự án sẽ có lãi trong năm 2017 và các năm tiếp theo…

Do nhiều yếu tố khách quan

Cơ quan thanh tra vừa có kết luận thanh tra về hoạt động kinh doanh, đầu tư tại TKV. Đáng chú ý là kết quả thanh tra tại Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng (Dự án Tân Rai) và Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ (Dự án Nhân Cơ). Thời gian đầu, các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng cao so với dự kiến ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư khi đưa vào sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Dự án Tân Rai đã lỗ 3.696 tỉ đồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10-2013 đến hết tháng 9-2016. Lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, còn lại là lỗ do chênh lệch tỉ giá.

Một số thông tin báo chí đã đưa, dự án đội vốn là do điều chỉnh tăng công suất sản xuất alumin thêm 50.000 tấn/năm (thành 650.000 tấn/năm), thay đổi công nghệ sản xuất, thay đổi chính sách thuế, tiền lương, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, trượt giá, kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu còn hạn chế. Trong kết luận thanh tra, đoàn thanh tra cũng đánh giá dây chuyền sản xuất của Dự án Tân Rai đã hoạt động ổn định hơn, xấp xỉ đạt công suất thiết kế, giá thành sản xuất đã giảm; dự kiến năm 2017 dự án sẽ hết lỗ theo như tính toán (thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm).

du an bauxite tan rai se co lai
Nhà máy Alumin Tân Rai

Trả lời về nguyên nhân lỗ vượt dự kiến trên một tờ báo mới đây, Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho rằng, đây là dự án lớn của ngành công nghiệp, với công nghệ mới rất phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, một số chi phí trong vận hành chưa chủ động được. Do đó có nhiều yếu tố khách quan làm tiến độ dự án kéo dài, làm tăng chi phí so với dự kiến ban đầu.

Cụ thể, dự án được đưa vào vận hành từ tháng 10-2013 và theo kế hoạch dự án sẽ lỗ trong 4 năm đầu hoạt động. Tuy nhiên, hiện mức lỗ của Dự án Tân Rai có tăng hơn so với dự kiến ban đầu, nay đã lên tới 3.696 tỉ đồng, lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, vượt so với lỗ lũy kế dự kiến là 1.660 tỉ đồng. Còn lại là lỗ do chênh lệch tỷ giá là 1.176 tỉ đồng. “Cần phải lưu ý rằng, sẽ có rất nhiều phương án tính toán cho các khoản lỗ kế hoạch. Con số lỗ kế hoạch đưa ra tại thời điểm năm 2014 chỉ là một phương án và mang tính tham khảo. Mỗi kế hoạch tính toán về phương án lỗ, lãi sẽ dựa trên một mặt bằng giá cả đầu vào khác nhau”, ông Biên lý giải.

Theo ông Biên, yếu tố tác động lớn nhất là giá thị trường và cơ chế chính sách. Trước đây theo tính toán dự án, mức giá bán cho mỗi tấn alumin là 326USD/tấn tính cho năm 2014, sau đó dự kiến tăng dần 1,21%/năm, trung bình 30 năm là 350USD/tấn. Tuy nhiên, giá thị trường thế giới có thời điểm xuống tới 200USD. Cơ chế chính sách cũng làm cho dự án bị thay đổi hiệu quả. Đơn cử, trước đây Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án thí điểm nên Chính phủ có chỉ đạo chưa thu thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây mức thuế này đã được điều chỉnh tăng thêm 2%. Bên cạnh đó, đơn giá tính thuế tài nguyên cũng tăng lên từ 140.000 đồng/tấn lên 170.000 đồng/tấn quặng nguyên khai; các khoản như tiền cấp quyền khai thác, phí sử dụng tài liệu địa chất... cũng đều tăng.

Vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế

Đánh giá tổng quan về hiệu quả dự án, đại diện TKV lạc quan cho rằng, thực tế là sau 3 năm vận hành, đến nay dự án đã làm chủ được công nghệ và các chỉ tiêu cũng tốt hơn rất nhiều, chất lượng sản phẩm tăng lên. Các chỉ tiêu tiêu hao về vật tư cũng giảm đáng kể do làm chủ được công nghệ và có cải tiến. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm alumin đã giảm xuống, năm 2014 ở mức 5,1 triệu đồng/tấn, năm 2015 còn 4,6 triệu đồng/tấn; năm 2016 giảm còn 4,1 triệu đồng/tấn (giá thành phân xưởng).

Giá xuất khẩu alumin hiện nay là trên 350USD/tấn (gần 8 triệu đồng). Trên thực tế từ cuối năm 2016 dự án đã bắt đầu tự cân bằng thu chi. Dự kiến mức lãi năm 2017 sẽ khoảng 100 tỉ đồng. Các năm sau mức lãi sẽ tăng. Thời gian thu hồi vốn dự tính 10-12 năm (tính từ khi dự án đi vào sản xuất năm 2013). Ông Biên cũng tái khẳng định, mức lỗ trên đã được tính toán khi triển khai dự án. Với vòng đời 30 năm, sau khi lỗ trong vài năm đầu, tính tổng thể, việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Ở phương diện khác, theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá bán alumin là một trong các yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của dự án. Tính đến 31-12-2013, Dự án Tân Rai đã xuất khẩu được 160.340 tấn alumin cho các công ty của Thụy Sĩ, Hongkong, Hàn Quốc, Singapore... Tuy nhiên, giá bán mặt hàng này chỉ đạt gần 300USD mỗi tấn, thấp hơn 79USD so với dự báo. Ngoài ra, chất lượng cỡ hạt chưa phù hợp với nhu cầu thế giới và nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử chưa ổn định cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận không được như kỳ vọng. TKV cho rằng, khi cỡ hạt alumin được cải thiện, tương đương với cỡ hạt alumin giao dịch trên thị trường thế giới, giá bán sẽ được tăng lên. Thừa nhận rủi ro lớn và tác động đến hiệu quả của các dự án chính là giá bán thấp song Bộ Công Thương cho rằng, với vòng đời 30 năm, hai dự án bauxite Tây Nguyên đã tính đến yếu tố này.

Viện dẫn số liệu từ TKV, Bộ Công Thương cho hay, thị trường tiêu thụ sản phẩm alumin cũng không đáng lo ngại, bởi năm 2014, TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni (Nhật Bản); Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) và tiếp tục bán cho các đối tác khác. Ngoài ra, Tập đoàn đã đàm phán với một số đối tác chấp nhận mua alumin ở mức khoảng 18% giá nhôm, tương đương khoảng 320-330USD mỗi tấn.

Về tính khả thi của Dự án Alumin Nhân Cơ, ông Nguyễn Văn Biên cho biết, đây là dự án quan trọng nên các cơ quan Nhà nước có cơ chế giám sát chặt chẽ. Dựa trên kinh nghiệm thực tế sản xuất của Nhà máy Alumin Tân Rai, TKV đã điều chỉnh, cải tiến một số tồn tại về công nghệ. Về công nghệ, hiện nay đã vận hành ổn định. Dự án Nhân Cơ khi quyết định đầu tư tập đoàn đã điều chỉnh sang công nghệ có hiệu suất cao hơn, các chỉ tiêu tiêu hao và chất lượng sản phẩm được nâng lên tốt hơn. “Quan trọng nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng đã được xây dựng đồng bộ, đủ khả năng đáp ứng khi công suất mỗi dự án được tăng lên gấp đôi là 1,3 triệu tấn. Nếu trong tương lai Chính phủ tiếp tục cho mở rộng, triển khai thì hiệu quả dự án còn cao hơn”, ông Biên nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, dự án là bước đi ban đầu trong việc thực hiện quy hoạch phát triển đồng bộ một ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm và sau nhôm cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả nói chung và hiệu quả kinh tế nói riêng của dự án phải được xem xét tổng thể, toàn diện, đầy đủ trong bối cảnh đó chứ không được cắt khúc, chia đoạn ra để đánh giá.

Minh Châu