Doanh nghiệp mong 'giải mật' về TPP
PV: Thưa ông, phản ứng của các doanh nghiệp như thế nào sau thông tin hoàn tất đàm phán về TPP?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Đây thật sự là một tin vui đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi doanh nghiệp đang mong chờ đàm phán kết thúc và sớm được ký kết, để có điều kiện thuận lợi phát triển mạnh hơn.
Vào TPP chúng ta sẽ có một thị trường rất lớn với nhiều ưu đãi và Việt Nam được đánh giá một trong những nước nhận được ưu đãi rất lớn cho những ngành xuất khẩu chủ lực như: giày da, may mặc, thuỷ hải sản, gỗ… Nhưng mặt khác lớn hơn nữa là theo tôi được biết thì TPP còn tác động vào thể chế của nền kinh tế, làm cho môi trường kinh doanh trong nước minh bạch, bình đẳng hơn.
![]() |
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM |
PV: Bên cạnh những cơ hội, thì ông những thách thức đặt ra là gì?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Việc chúng ta có tận dụng được những ưu đãi trong TPP hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như vấn đề chứng minh xuất xứ hàng hoá còn yếu hay việc nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu của những nước ngoài TPP. Cụ thể, với ngành thuỷ hải sản chúng ta vẫn còn nhập tôm của nước khác về chế biến hay ngành dệt may thì nhập nhiều sợi, vải từ Trung Quốc.
Cho nên chưa hẳn chúng ta đã được hưởng lợi. Do đó, cần phải nhanh chóng thay đổi về cơ cấu kinh tế của đất nước, giảm việc gia công. Nếu không thay đổi thì với TPP chúng ta sẽ hưởng lợi thì ít mà gặp thử thách thì nhiều.
Thử thách thấy rõ nhất là với các doanh nghiệp nhỏ, vì các doanh nghiệp này thường không có định hướng cạnh tranh như thế nào trong môi trường hội nhập lớn.
Bên cạnh đó, thách thức đối với nông sản cũng rất lớn. Chưa vào TPP mà các sản phẩm chăn nuôi của ta như thịt bò, thịt gà cũng không cạnh tranh nổi với sản phẩm nhập từ Úc, Mỹ, Canađa thì vào TPP giảm thuế suất xuống nữa, sản phẩm nông nghiệp sẽ khó cạnh tranh được.
PV: Ông đánh giá về sự chuẩn bị của doanh nghiệp để “đón” TPP đến thời điểm này như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Trước đây các doanh nghiệp cũng đã phong thanh về TPP nhưng không có gì cụ thể vì khi đàm phán tất cả đều trong vòng bí mật. Do đó, doanh nghiệp không thể hiểu biết hết toàn bộ để có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, với những thông tin trước đó, một số doanh nghiệp lớn trong những ngành được dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều từ TPP cũng bắt đầu chuyển hướng nhưng chưa hình thành một sự chuyển hướng chung trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như chưa chuẩn bị gì nhiều. Nhìn chung, tôi đánh giá sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt Nam là chưa nhiều.
PV: Theo ông, điều doanh nghiệp cần hỗ trợ hiện nay đối với việc chuẩn bị hội nhập TPP là gì?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Theo tôi, hiện nay cần nhanh chóng có một chương trình phổ biến các nội dung trong đàm phán TPP cho doanh nghiệp biết và phải phổ biến sâu rộng. Đặc biệt là cần có cẩm nang cho từng ngành nghề, một cách chi tiết, cụ thể để doanh nghiệp biết sẽ được hưởng lợi những gì và cần chuẩn bị như thế nào để được hưởng những ưu đãi đó.
Trong việc này, tôi nghĩ Nhà nước phải là người đầu tàu dẫn dắt doanh nghiệp. Khi ta ký WTO thì ta cũng đã hy vọng nhiều nhưng kết quả đạt được không bao nhiêu.
Tuy nhiên, tôi tin tưởng với hiệp định TPP này sẽ khác bởi trong TPP không đơn thuần về thương mại mà là hiệp định đổi mới, trong đó có những vấn cải cách liên quan đến việc quản lý, hành chính, doanh nghiệp Nhà nước… nên sẽ hiệu quả hơn.
PV: Nhìn chung với TPP chúng ta kỳ vọng về cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Kỳ vọng mở ra cơ hội rất lớn nhưng để nắm bắt được cơ hội đó đặt ra yêu cầu doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải đổi mới mạnh mẽ. Bởi nếu cơ hội tới nhưng mà chúng ta mãi ốm yếu, bệnh tật thì làm sao tận dụng được. Ví TPP như một chiếc bánh ngon nhưng nếu là một người bệnh thì làm sao có thể ăn được chiếc bánh ngon đó.
![]() |
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM |
PV: Theo ông, vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp như thế nào trong hội nhập TPP?
Ông Phạm Ngọc Hưng: Theo tôi, Nhà nước cần phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, như Canađa đã dành hơn 4,5 tỷ USD để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ khi gia nhập vào TPP. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần có một khoản kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên hội nhập TPP.
Song song đó, các doanh nghiệp cũng phải xem xét lại mình, phải xây dựng lại chiến lược kinh doanh, chuẩn bị những khoản tài chính, nâng cao chất lượng sản phẩm để đi được vào những thị trường mà yêu cầu chất lượng cao hơn.
Bước đầu hiện nay, tôi nghĩ Nhà nước phải có vai trò chính để dẫn dắt doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thấy được đường đi. Chứ nếu doanh nghiệp không có thông tin, cũng không nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ thì sẽ đi không đúng hướng, tốn rất nhiều nguồn lực vào những chi phí vô bổ.
Khi Nhà nước giúp cho doanh nghiệp biết rõ ràng đường đi, cùng với những hỗ trợ xúc tiến thương mại cho từng lĩnh vực vào từng nước TPP thì tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ chọn được hướng đi tốt cho mình.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngành dệt may cần có công nghiệp hỗ trợ để tận dụng cơ hội từ TPP Ngỏ lời với báo chí, Chủ tịch Hộ Dệt may TP HCM nhận xét: TPP mang đến nhiều lợi thế cho xuất khẩu, trong đó dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu khá lớn nên được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tuy nhiên, để khai thác lợi thế đó, còn nhiều vấn đề, đặc biệt là các quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu mà ngành dệt may nước ta hiện vẫn chưa thể đáp ứng. Để được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải sử dụng nguyên phụ liệu trong nước hoặc các nước trong TPP nhưng tỷ lệ đó theo tôi ước tính ngành dệt may hiện nay chỉ đảm bảo được khoảng 20%, còn 80% vẫn phải nhập ở những nước ngoài TPP. Hiện nay, chủ trương của UBND TP HCM là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành dệt may. Nhưng do phải có thời gian và vốn thực hiện nên tôi nghĩ tiến độ sẽ không nhanh được. Ngoài ra, đón đầu TPP nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào ngành dệt may ở nước ta, trong đó có đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Điều này, cũng tác động tích cực đến ngành dệt may trong nước, giúp có thêm nguồn nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp sản xuất. Với yêu cầu về xuất xứ nguyên phụ liệu luôn được đặt ra trong các FTA, tôi nghĩ Nhà nước cần nghiên cứu, tiếp tục hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư về nguyên phụ liệu, nhanh chóng thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may phát triển. Nhiều nhận định cho rằng, ngành dệt may sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP. Nhưng theo tôi thuận lợi nhiều hay ít, khai thác được bao nhiêu là do sự nỗ lực của cả toàn ngành và sự hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp dệt may trước đây cũng đã có sự chuẩn bị để đón TPP như hoàn thiện cơ chế quản lý, cải thiện vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm; kết nối doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước với doanh nghiệp xuất khẩu... Đến nay, khi TPP đã hoàn tất quá trình đàm phán sẽ là động lực mạnh cho doanh nhanh chóng hoàn thiện quá trình đổi mới của mình. |
Mai Phương
Năng lượng Mới số 465
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ
-
Thái Lan gia nhập nhóm các nước muốn tăng nhập khẩu LNG của Mỹ để tránh thuế quan
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 17/4: Ai Cập và Azerbaijan xem xét hợp tác dầu khí
-
Các tổ chức quốc tế đồng loạt đưa ra dự báo về giá dầu Brent
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm