'Đổ' vụ 8B Lê Trực cho người về hưu: Thiếu đạo đức, sai luật

11:22 | 02/02/2016

8,162 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định về cấp giấy phép xây dựng nhưng Sở Xây dựng lại phớt lờ Nghị định, cố tình không biết để đề nghị kỷ luật 2 cán bộ đã… nghỉ hưu!
do vu 8b le truc cho nguoi ve huu thieu dao duc sai luat
Nhà 8B Lê Trực nhìn từ phía Lăng Bác.

Ngày 1-2, Sở Xây dựng Hà Nội đã phát đi thông tin, cơ quan này đã có văn bản gửi Sở Nội vụ Hà Nội xem xét kỷ luật 2 cán bộ nghỉ hưu là ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Phó giám đốc và bà Lê Thị Nhung nguyên Trưởng phòng Quản lý và cấp phép xây dựng Sở Xây dựng Hà Nội.

Trước đó, theo Kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ để xảy ra vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) thì ông Tuấn và bà Nhung bị kỷ luật vì hồ sơ cấp phép xây dựng cho công trình 8B Lê Trực không có tài liệu thể hiện việc kiểm tra hiện trạng công trình trước khi cấp phép.

Và việc này theo Thanh tra thành phố Hà Nội là trái với quy định!

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PetroTimes thì những nội dung kết luận của Thanh tra Hà Nội là về trách nhiệm của ông Tuấn, bà Nhung thiếu hợp lý, thậm chí có dấu hiệu “đánh bùn sang ao”. 

Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp Giấy phép xây dựng thì: Cơ quan cấp Giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

Còn tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 64/2012/NĐ-CP nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị được giao thẩm định hồ sơ có trách nhiệm xem xét hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần thiết).

Khi xem xét hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép xây dựng phải xác định các tài liệu còn thiếu, các tài liệu không đúng quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ...

Như vậy, việc có hay không “kiểm tra hiện trạng công trình trước khi cấp phép” là không bắt buộc.

Trong khi đó, trước khi cấp phép xây dựng cho nhà 8B Lê Trực, Phòng Quản lý và cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) đã nhận được hẳn một văn bản phúc đáp của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội về hiện trạng công trình 8B Lê Trực.

Và tại văn bản này, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã nêu rõ toàn bộ quá trình diễn biến, xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực và khẳng định chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính cũng như chấp hành các quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

Cũng tại văn bản này, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ rằng cơ quan này cung cấp những thông tin trên để Phòng Quản lý và cấp phép xây dựng xem xét cấp phép cho chủ đầu tư.

Nói như vậy để thấy rằng, không chỉ Thanh tra Hà Nội mà cả Sở Xây dựng Hà Nội đã và đang cố tình phớt lờ những quy định tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng của Chính phủ để quy trách nhiệm cho ông Tuấn, bà Nhung - những cán bộ của Sở Xây dựng Hà Nội đã… nghỉ hưu.

Cách làm này là điều không thể chấp nhận được, xét cả về góc độ chuyên môn và đạo đức. Và điều này rất cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Hà Nội xem xét và nhìn nhận.

Sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực là rõ ràng, việc quy trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm tại nhà 8B Lê Trực cũng phải đúng người, đúng tội và đặc biệt, phải đúng pháp luật!

Một kiểu 'trâu lấm vẩy bùn' của Thanh tra Hà Nội
Hà Nội lại “gia ân” cho nhà 8B Lê Trực
Vụ 8B Lê Trực: Phải đuổi ngay loại cán bộ này!

 

Thanh Ngọc