Đi bộ sai luật cũng bị phạt

07:29 | 24/12/2017

420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 1-1-2018, người đi bộ trên đường cần phải chú ý đi đúng Luật Giao thông, nếu không cũng sẽ bị phạt nặng.

Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260), người đi bộ sai luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 15 năm. Chủ thể tội phạm sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ nữa mà được mở rộng thành "người tham gia giao thông đường bộ".

Khoản 3 Điều 260 nêu rõ rằng, các trường hợp làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

di bo sai luat cung bi phat
Trèo qua dải phân cách để sang đường là hiện tượng phổ biến ở các thành phố

Từ đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT-PC67) Hà Nội đã triển khai kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm giao thông với người đi bộ. Người vi phạm sẽ bị lực lượng CSGT các đội chốt trực phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000-120.000 đồng. Nhưng hiện nay, tại nhiều tuyến đường ở thủ đô vẫn có nhiều người đi bộ vi phạm giao thông. Ở bất cứ chỗ nào, người dân thích sang đường là vô tư đi luôn. Tại nhiều tuyến đường có hầm dành cho người đi bộ nhưng nhiều người không đi qua hầm vì phải đi xa thêm một đoạn.

Thực tế cho thấy, bất cứ ai tham gia giao thông đường bộ, từ điều khiển phương tiện (ôtô, xe máy, xe đạp) đến người đi bộ đều có thể gây tai nạn. Có điều vô lý là người đi bộ gây ra tai nạn thì vô can, còn người điều khiển mới có tội. Vì thế, luật đưa ra hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù là tương ứng với tội phạm rất nghiêm trọng để tăng tính răn đe đối với những trường hợp tham gia giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, điều luật này cũng lại có những ý kiến trái chiều.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mức hình phạt lên tới 15 năm tù là quá nặng (đối với chủ thể là người đi bộ) và không hợp lý với thực tiễn hiện nay khi hạ tầng giao thông của chúng ta đang yếu kém “hè không thoáng, đường không thông. Ngay bản thân là người làm giao thông, nhiều đoạn đường tôi không tìm được chỗ có vạch vôi đi qua hay phải đi bộ thêm cả đoạn đường dài mới qua đường được. Việc này dẫn đến người dân bức xúc mới vi phạm giao thông”.

Nhiều điểm có vạch kẻ cho người đi bộ qua đường thì ôtô, xe máy vẫn phóng ầm ầm, không chịu nhường đường. Điều này cho thấy, tổ chức giao thông, ý thức tham gia giao thông và hạ tầng đều yếu kém nên quy định phạt người đi bộ như nói trên là quá nặng. Tất nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người vi phạm sẽ được xem xét mức phạt.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội) cho rằng, người dân ở khu vực ngoại thành, nơi có tuyến đường cao tốc đi qua, mặc dù có biển cấm nhưng họ vẫn leo qua hàng rào sang đường, bất chấp sự nguy hiểm. Nếu các phương tiện như ôtô đang chạy với tốc độ cao, không kịp xử lý thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Có năm Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông thì liên quan đến người đi bộ 112 vụ, trong đó do người đi bộ trực tiếp gây ra là 33 vụ. Vì thế nên việc phạt người đi bộ sai luật là cần thiết.

Còn một quy định nữa đến 1-1 này mới chính thức bắt buộc phải thực hiện là phạt người ngồi trên xe ôtô (cả ghế sau) mà không thắt dây an toàn. Thực ra đây là nội dung Nghị định 46/2016 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-8-2016 nhưng chưa được triển khai triệt để. Vì thế, tới đây đã trở thành quy định bắt buộc rồi thì người dân phải hết sức lưu ý.

Tại Điều 5, Khoản 1 của nghị định quy định rõ mức xử phạt 100.000-200.000 đồng với người điều khiển, người được chở trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô, không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy. Từ tháng 8-2016, quy định này mới chỉ áp dụng đối với người lái và hành khách ngồi ghế trước, còn người ngồi ở hàng ghế sau thì hầu như không ai thắt dây an toàn.

Việc cài dây an toàn không chỉ cần thiết cho những người ngồi phía trước, mà cả cho người ngồi hàng ghế sau. Lâu nay ít người biết rằng, nếu không cài dây an toàn, người ngồi ở ghế sau có thể gây thương vong cho người ngồi ghế trước nếu xe xảy ra va chạm. Vì theo quán tính, người ngồi sau sẽ lao mạnh về phía trước, đẩy người ngồi trước lao vào tay lái, người ngồi ghế phụ lao vào kính chắn gió, nguy cơ chấn thương nhiều hơn.

Vì mình, vì mọi người nên những ai đã tham gia giao thông cần tự giác thực hiện để bảo toàn tính mạng.

Bùi Đức