Dầu mỏ trong vòng xoáy bất ổn địa chính trị

16:38 | 29/04/2011

648 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các chuyên gia dầu mỏ, bạo lực tại Syria và Yemen gia tăng trong những ngày qua càng gây lo sợ về khả năng gián đoạn các nguồn cung cấp dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA).

Giá dầu thô gia tăng trong bối cảnh những nhân tố khác ảnh hưởng tới các thị trường Trung Đông đang tác động tới cả khu vực và thế giới.

Nhà phân tích Victor Shum của Công ty tư vấn năng lượng quốc tế Purvin & Gertz nhận xét: "Bạo lực lan từ Libya lan sang Syria và Yêmn đã đẩy giá dầu leo cao”.

Tại Yemen, các cuộc biểu tình nối lại khi phe đối lập kiên quyết đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Yemen sản xuất 288.400 thùng dầu/ngày, nhưng xuất khẩu tới 274.400 thùng/ngày. Quốc gia này có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 61,88 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là 2.600 USD.


Trong khi đó tại Syria, các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh của Tổng thống Bashar Al-Assad với người biểu tình tiếp tục leo thang, kéo theo sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ bất ổn ở Syria và Yemen. Sản lượng dầu mỏ của Syria đứng ở mức 400.000 thùng/ngày, trong đó xuất khẩu 155.000 thùng/ngày. Mặc dù không phải là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, song sự bất ổn địa chính trị vẫn gây tác động lớn. Syria, với dân số ước tính 22,5 triệu người, có GDP 106 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 4.800 USD.

Theo một số nguồn tin, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arabia đang xem xét tăng sản lượng dầu bằng cách khai thác ít nhất 9 triệu thùng dầu thô/ngày trong vài năm tới để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang gia tăng. Saudi Arabia khai thác 9,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2011 để bù đắp sự gián đoạn nguồn cung từ Libya do cuộc nổi dậy tại nước này đã cắt đứt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Một nhân tố nữa hỗ trợ giá dầu là đồng USD yếu, xuống mức thấp trong vòng 29 năm so với đồng đôla Australia (AUD). Chuyên gia Shum khẳng định: "Đó là một trong những nhân tố hỗ trợ giúp thay đổi hoàn toàn giá dầu”.

Ngoài ra, một số nhân tố khác cũng có thể tác động tới các thị trường Trung Đông trong tuần là thông tin từ các doanh nghiệp trong khu vực. Tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Emaar Properties – doanh nghiệp lớn nhất về giá trị thị trường của quốc gia này – đang lo ngại chịu áp lực bán tháo cổ phiếu. Lợi nhuận của công ty này đã bị giảm trong quý 1/2011 do giá cổ phiếu sụt 2,9%. Nhiều mã chứng khoán khác trên thị trường cũng diễn ra tình trạng bị bán tháo. Trong khi đó, số liệu chính thức vừa được công bố cho thấy lạm phát ở UAE đã giảm xuống 1,2% trong tháng 3, sau khi giá lương thực và vận tải giảm. UAE là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới và xuất khẩu 2,7 triệu thùng/ngày.

Theo Tamnhin.net/Purvin & Gertz