Chỉ vì “dục tốc” nên “bất đạt”

07:07 | 04/07/2016

655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2015, sẽ được áp dụng từ ngày 1-7 này. Nhưng do các chuyên gia về luật phát hiện có đến 90 lỗi nên phải hoãn thời gian có hiệu lực thi hành đến ngày 1-1-2017.

Rất may là từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các chuyên gia về luật phát hiện sớm trước ngày bộ luật có hiệu lực thi hành nên ngày 27-6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp khẩn với trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khóa 13 để xử lý sự cố sai sót này.

chi vi duc toc nen bat dat
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Bộ luật Hình sự 2015

Sau cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các đại biểu Quốc hội khóa 13 phiếu biểu quyết về nội dung hoãn thời gian có hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 đến ngày 1-1-2017. Trong thời gian đó, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn có hiệu lực thi hành.

Tại sao lại có sự cố ấy? Trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ luật Hình sự 2015 có 26 chương, 426 điều, được in thành sách, do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành. Luật sư Vũ Xuân Hoằng (Đoàn Luật sư TP HCM) phát hiện trong cuốn sách này có một số lỗi nghiêm trọng, tuy nhiên không để xảy ra lỗi in ấn.

Vấn đề là sách đã phát hành ra thị trường thì cơ quan chức năng phải có động tác thu hồi hoặc công bố sách đó phải hủy bỏ.

Một số luật sư phát hiện ra các lỗi khác nhau trong bộ luật và cho rằng, nếu đem áp dụng vào cuộc sống thì rất khó xử. Có ý kiến nghi ngờ những lỗi đó là do khâu đánh máy. Nguyên nhân này vẫn thường gặp trong khâu soạn thảo văn bản. Nhưng không chỉ do lỗi đánh máy bởi vì có những điều khoản trong bộ luật bị trùng lặp hoặc bỏ sót. Cơ quan chủ trì soạn thảo bộ luật này là Bộ Tư pháp. Cơ quan thẩm định luật là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Và cuối cùng là các đại biểu Quốc hội khóa 13 thông qua với hơn 80% tán thành. Nghĩa là trách nhiệm thuộc cả 2 cả cơ quan soạn thảo và người thông qua.

Tại Điều 249 (tội Tàng trữ trái phép chất ma túy), điểm h, khoản 2 quy định trùng lắp về trọng lượng ma túy với điểm c, khoản 3. Như vậy, các cơ quan tố tụng sẽ không biết xử lý theo khoản 2 (mức án từ 5 đến 10 năm tù) hay khoản 3 (mức án từ 10 đến 15 năm tù). Tức là một tội nhưng lại có hai mức án tù.

Đại biểu Quốc hội Hà Hùng Cường (nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015) cho biết, ông băn khoăn với chất lượng của Bộ luật Hình sự. Khi Quốc hội quyết định làm Bộ luật Hình sự thật chi tiết, Chính phủ đã đề nghị tăng thêm thời gian thảo luận lên ba kỳ họp như với Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình nên Bộ luật Hình sự đã được làm theo quy trình hai kỳ họp như các luật khác.

Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó chánh Tòa hình sự TAND TP HCM) phân tích: Khối lượng nhiều, thời gian lại ít, mà có những kỳ họp làm đến 4 bộ luật lớn thì khó có đại biểu nào có thể đọc được hết từ đầu đến cuối từng bộ luật. Và Quốc hội còn nặng về cơ cấu thì cho dù có đủ thời gian để đọc hết, nhiều vị đại biểu cũng khó có thể phát hiện được những sai sót đã “lọt” qua cửa của cả cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và những cơ quan tố tụng - nơi có rất nhiều chuyên gia luật.

Mặc dù đã đến thời điểm bộ luật được đưa vào cuộc sống nhưng vì phát hiện ra những sai sót nên Quốc hội đã quyết định hoãn thời gian thực hiện. Sai thì phải sửa bởi nếu giữ nguyên nội dung sai sót đó sẽ ảnh hưởng đến chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta đối với quyền lợi của người dân.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII cho rằng, hơn 90 lỗi chủ yếu là lỗi kỹ thuật, nhưng nó lại liên quan đến chính sách hình sự nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Còn ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: “Đây cũng là do ảnh hưởng một phần của bệnh thành tích. Khi xây dựng luật, nhất là với Bộ luật Hình sự mà không thận trọng, chúng ta sẽ phải trả giá. Việc xin lùi thời gian thi hành để sửa chữa một bộ luật vừa được thông qua sẽ làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Quốc hội”.

Trung tướng PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cũng chỉ ra sự không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định luật; bộ máy làm luật mỏng cả về số lượng và trình độ, năng lực. Bản thân ông cũng đã từng kiến nghị lùi thời gian thông qua luật nhưng không được chấp nhận.

Theo kế hoạch, trước 15 giờ ngày 29-6, các đại biểu Quốc hội khóa 13 phải hoàn tất biểu quyết, thể hiện chính kiến của mình về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015. Và cùng với đề nghị lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự 2015, Ủy ban Thường vụ đã trình lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Bởi vì các đạo luật này có nhiều điều khoản viện dẫn, liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự mới nên dự kiến lùi thời gian thi hành đến 1-7-2017.

Như vậy là với thời gian rất gấp trong vòng 4 ngày, Quốc hội khóa 13 đã thể hiện trách nhiệm của mình trước cử tri chứ không có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Bởi kỳ họp thứ nhất của khóa 14 này sẽ không có thời gian để xem xét và thông qua luật.

Và sáng ngày 30-6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có lệnh công bố Nghị quyết về việc lùi thi hành Bộ luật hình sự 2015.

Thời gian làm luật gấp gáp, chạy theo tiến độ rồi đến việc đại biểu bấm nút thông qua cũng không phát hiện ra những sai sót nên mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc này. Đúng là “Dục tốc bất đạt”. Đây là bài học đắt giá cho quy trình làm luật từ nay về sau.

Bùi Đức

Năng lượng Mới 536