Biểu giá bán lẻ điện phải đảm bảo lợi ích của người dân

16:23 | 22/09/2015

554 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng nay (22/9), tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội thảo Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”.
bieu gia ban le dien phai dam bao loi ich cua nguoi dan
Ông Đinh Quang Tri phát biểu tại Hội thảo.
bieu gia ban le dien phai dam bao loi ich cua nguoi dan Tiền điện tăng hay giảm với 3 phương án tính giá điện?
bieu gia ban le dien phai dam bao loi ich cua nguoi dan 3 phương án về cách tính giá điện sinh hoạt
bieu gia ban le dien phai dam bao loi ich cua nguoi dan EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2015

Tới dự Hội thảo có ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đại diện các Viện, Hội và Hiệp hội.

Chủ trì Hội thảo là ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN. Cùng chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) và ông Nguyễn Tiến Thoả-Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, thay mặt đại diện đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Tiến Thỏa đã trình bày tóm lược Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, ông Thỏa khẳng định việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện là cần thiết, phù hợp với sự phát triển của thị trường điện theo từng mức độ và để biểu giá điện đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ kiểm tra và minh bạch. Mục tiêu của Đề án là khắc phục những bất cập của biểu giá điện hiện hành; đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện ở nước ta, tạo thuận lợi trong quản lý, theo dõi, kiểm tra của người dùng; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện lộ trình để đưa cơ cấu biểu giá điện phù hợp với các bước phát triển của thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tiến tới vận hành giá điện theo cơ chế giá thị trường.

Về nguyên tắc cải tiến cơ cấu biểu giá điện, Đề án dựa trên 2 nguyên tắc là thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá có gắn với việc sắp xếp lại mức giá cho phù hợp với cơ cấu biểu giá điện cải tiến nhưng không tăng giá bán điện bình quân, không tăng doanh thu của ngành điện. Đồng thời, biểu giá điện được cải tiến phải giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng, thu hẹp khoảng cách áp dụng tương ứng từng bậc thang, hạn chế đến mức thấp nhất việc xáo trộn các mức giá cụ thể.

Về nội dung, Đề án đưa ra 3 phương án:

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành, tức 50kWh đầu tiên giá 1.484 đồng/kWh; từ 51-100kWh là 1.533 đồng/kWh; từ 101-200kWh là 1.786 đồng/kWh; từ 201-300kWh là 2.242 đồng/kWh; từ 301-400kWh là 2.503 đồng/kWh và từ 401kWh trở lên 2.587 đồng/kWh.

Phương án 2: Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) với mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh.

Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc với số kWh ở mỗi bậc thang đều có kịch bản tương ứng: Kịch bản 1: 50kWh-250kWh-trên 300kWh; kịch bản 2 là 100kWh-200kWh-trên 300kWh; kịch bản 3 là 150kWh-150kWh-trên 300kWh; kịch bản 4 là 200kWh-200kWh-trên 400kWh và kịch bản 5 là 50kWh-150kWh-200kWh và trên 400kWh.

Đưa quan điểm về 3 phương án biểu giá điện đưa ra tại Hội thảo, PSG.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cho rằng nên xây dựng cơ cấu biểu giá điện theo giá bậc thang và không nên giới hạn về số bậc. Tuy nhiên, phương án giá điện gồm 6 bậc như hiện nay thì cần phải xem xét lại vì hai bậc đầu giá điện có giảm so với bình quân. Nhưng từ bậc 3-6, giá điện lại tăng gần 50% so với giá bình quân.

bieu gia ban le dien phai dam bao loi ich cua nguoi dan
PGS.TS Ngô Trí Long.

Từ đó, PGS.TS Ngô Trí Long kiến nghị nên sửa biểu lũy tiến so với giá bình quân không được quá cao. Nên giãn khoảng cách giữa các bậc khoảng 150kWh. Đồng thời, ngành điện cần phải giãn các bậc để cho người thu nhập khá được tiêu dùng điện. Hơn nữa, giá điện trung bình từng bậc cũng cần hạ xuống thấp hơn hiện nay. Nếu tăng giá 50% thì phải trên 600kWh.

Còn TS Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì cho rằng, giá điện là câu chuyện phức tạp và đặc biệt nó gắn với hệ thống lương tại Việt Nam. Do đó, giá điện phải cân đối về các vấn đề kinh tế khác mới có thể cải tiến một cách hợp lý. Do đó yếu tố tính giá điện nên bổ sung thêm yếu tố nguồn cung của ngành điện. Đây là cơ sở quan trọng để tính giá điện cuối cùng. Thứ hai là cần tính đến mối quan hệ giữa hệ thống lương và hệ thống giá điện.

TS Trần Đình Thiên nói: Khi mức sống người dân tăng lên thì số điện dùng tối thiểu cũng sẽ tăng lên. Do đó cần tính bậc thang giá điện phù hợp với nhu cầu tiêu dùng điện của người dân. Tôi đồng ý với giá điện chia theo bậc thang nhưng nên ít bậc thang hơn. Có thể để số bậc thang từ 3 đến 4 bậc. Nhưng nên nâng kWh tại mỗi bậc và khoảng cách giữa các bậc cũng giãn ra. Đồng thời, chênh lệch giá giữa các bậc cũng thấp hơn.

Trao đổi về những ý kiến mà các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đưa ra tại Hội thảo, ông Tri thông tin: Nếu đứng dưới góc độ nhà sản xuất, EVN chỉ cần bán đủ chi phí, nhưng EVN không phải sản xuất bình thường về điện mà còn chịu trách nhiệm trước Chính phủ về cung cấp điện cho toàn ngành kinh tế. Nếu như không sản xuất được phải mua, nếu trong nước không đủ phải đàm phán nhập khẩu. Thậm chí, phía bên BOT triển khai chậm EVN bị giao làm gấp. Vai trò EVN Chính phủ giao phải làm, không phải muốn nhận hay không nhận.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Về mặt điều hành giá điện nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng nhưng giá điện cần phải cao hơn giá thành sản xuất điện, để doanh nghiệp thu được mức lợi nhuận hợp lý.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: Trách nhiệm chính xây dựng biểu giá bán lẻ điện là của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN đưa phương án xây dựng biểu giá điện sinh hoạt.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe ý kiến góp ý của TS Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; GS. Viện sỹ Trần Đình Long; GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội kinh tế Việt Nam... Theo đó, các ý kiến đều thống nhất cho rằng cơ cấu biểu giá điện cần phải theo giá bậc thang. Tuy nhiên, số bậc thang cần phải tính toán lại và biên độ giữa bậc thang phải được điều chỉnh lại, thay vì bậc 1 là 50kWh có thể điều chỉnh lên 100kWh. Và biểu giá điện có được xây dựng theo phương án nào thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện chính sách an sinh cho đối tượng khó khăn...

Được biết, Hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Sau đó, EVN sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý để sửa đổi, bổ sung Đề án cơ cấu biểu giá điện mới trước khi báo cáo Bộ Công Thương.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới