ADB: Kinh tế Việt Nam 2018 tiếp tục tăng trưởng cao

09:32 | 17/04/2018

1,506 lượt xem
|
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2018, trong đó nhận định: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 có thể đạt 7,1% nhờ gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, kiềm chế lạm phát…

Những gam màu sáng

Theo ADB, xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng cá nhân chính là yếu tố nền tảng giúp nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 - mức tăng trưởng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 đến nay.

ADB ghi nhận, thương mại toàn cầu phục hồi giúp cho kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 tăng 21,2%.

Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao và tăng trưởng tín dụng nhanh đã giúp đầu tư nội địa tăng 9,8%. Cụ thể, FDI đăng ký năm 2017 tăng tới 47% so với năm 2016, đạt gần 36 tỉ USD, trong khi vốn FDI giải ngân tăng 10,8%, lên mức kỷ lục 17,5 tỉ USD. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng cao, minh chứng là doanh số bán lẻ tăng 10,9% trong năm 2017 lên mức kỷ lục 129,6 tỉ USD, tương đương 58,6% GDP.

adb kinh te viet nam 2018 tiep tuc tang truong cao
Dệt may vẫn là ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam

Ngành công nghiệp tăng trưởng 8,0% nhờ tổng cầu hồi phục giúp bù đắp cho sự sụt giảm 7,1% của ngành khai khoáng. Sản xuất công nghiệp tăng 14,4%, dẫn đầu là sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng điện tử, sản phẩm viễn thông và dệt may.

Đặc biệt, theo ADB, trong bối cảnh lạm phát dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp và cán cân thanh toán quốc tế cải thiện, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản trong tháng 7-2017, lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 6,25% và lãi suất chiết khấu giảm xuống 4,25%. Lãi suất cho vay trung bình của ngân hàng thương mại theo đó giảm 0,5-1,0 điểm phần trăm trong cả năm.

Những nỗ lực kiểm soát bội chi ngân sách bắt đầu phát huy tác dụng vào năm 2017. Thâm hụt ngân sách đã giảm xuống mức tương đương 3,5% GDP, so với 4,3% trong năm 2016. Tổng thu ngân sách tăng 12,5%, đạt mức tương đương 24,8% GDP, cao hơn một chút so với mức 24,5% của năm 2016. Tăng thu ngân sách đến từ nhiều nguồn, với số thu tăng đồng đều từ cả thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Nợ công, bao gồm cả nợ do Chính phủ bảo lãnh, tính đến cuối năm 2017 giảm xuống còn tương đương 61,3% GDP, so với mức 63,6% của năm trước…

Tiến độ thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2017 đã nhanh hơn, song vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Chính phủ đã thoái vốn trong 39 doanh nghiệp Nhà nước, so với chỉ tiêu đề ra là 44. Hoạt động thoái vốn thu về cho Nhà nước 1 tỉ USD, là thu nhập thoái vốn cao nhất trong 1 năm kể từ khi khởi động chương trình vào năm 2013. Một yếu tố làm cho thu nhập thoái vốn tăng là sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, với chỉ số giá cổ phiếu tăng mạnh 48% trong năm, nâng mức vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán lên gần 75% GDP…

Triển vọng lạc quan

Đánh giá cao những kết quả mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2017, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, hội nhập kinh tế làm tăng tính cạnh tranh giữa các nền kinh tế… ADB cho rằng, những yếu tố nền tảng đã giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2018.

Theo ADB, tiêu dùng cá nhân tăng sẽ được củng cố trên nền tảng thu nhập tăng và lạm phát ổn định. Triển vọng đầu tư cá nhân cũng rất sáng sủa. Doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng và lạc quan, được minh chứng qua kết quả khảo sát doanh nghiệp hồi tháng 12-2017 và tháng 2-2018 thông qua chỉ số quản trị mua hàng Nikkei. Đầu tư tư nhân dự báo sẽ nhận ảnh hưởng tích cực từ việc xếp hạng của Việt Nam cải thiện 14 vị trí trong nghiên cứu môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018.

Bên cạnh đó, ADB cũng dự báo mức lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là 3,7% và tăng lên 4,0% năm 2019. Thặng dư cán cân vãng lai dự báo sẽ giảm xuống còn 2,5% GDP trong năm 2018. Xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ tăng 15-20% trong hai năm 2018 và 2019. Kiều hối có khả năng sẽ vẫn duy trì tốt nhờ tỉ giá ổn định.

Với những dự báo đó, ABD nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 7,1%.

Cùng đề cập về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - cho rằng: Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng vững chắc của Việt Nam, báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2018 cũng đề cập tới một số nguy cơ lớn đối với kinh tế của Việt Nam năm 2018, trong đó có sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GPD, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Báo cáo lưu ý rằng, một sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - Hoa Kỳ và Trung Quốc - sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.

“Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc nên nếu có gián đoạn thương mại quốc tế như hiện nay thì tất nhiên kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng nhiều” - ông Sidgwick cho hay.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế quốc gia của cơ quan đại diện ADB tại Việt Nam đề cập: Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng thuế thì sẽ tác động lan tỏa trực tiếp đến kinh tế Việt Nam khi Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu cho cả hai nền kinh tế lớn trên thế giới này.

Theo đó, đại diện ADB cho rằng, Việt Nam cần giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và FDI, nên khai thác mạnh tiềm năng nội tại của nền kinh tế, nuôi dưỡng tăng trưởng kinh tế tư nhân để duy trì nền kinh tế trước những cú sốc đến từ bên ngoài.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick: “Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã huy động nguồn cung lớn nhân lực trẻ, được đào tạo, để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam dần trở nên phức tạp hơn, khoảng cách giữa trình độ người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn nếu không được khắc phục, thực tế đó có thể trở thành rào cản của phát triển”.

Lan Dương