735 tỷ USD “bốc hơi” khỏi các nền kinh tế mới nổi

09:29 | 22/01/2016

572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo mới nhất của Viện Tài chính Thế giới (IIF) cho biết các nhà đầu tư và công ty quốc tế đã thoái nguồn vốn hơn 700 tỷ USD ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2015, cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Con số 735 tỷ USD trong báo cáo của IIF ngày 20/01 vừa qua cao gấp 7 lần so với năm 2014. Thậm chí các nhà phân tích còn dự đoán viễn cảnh tồi tệ hơn với nhiều nước đang phát triển do các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục chuyển gần 400 tỷ USD nữa ra khỏi thị trường của họ đến các khu vực khác vào năm 2106.

735 ty usd boc hoi khoi cac nen kinh te moi noi
Nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng khi nền kinh tế nước nhà rơi vào vòng xoáy suy giảm

Trung Quốc là quốc gia thiệt hại nặng nề nhất, khi thị trường nước này mất khoản vốn đầu tư 675 tỷ USD. Giá trị hàng hóa sụt giảm cùng sự lo lắng bao trùm bởi tốc độ tăng trưởng chậm dần của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thấp nhất kể từ năm 1990, đã thúc đẩy các nhà đầu tư nhanh chóng chuyển nguồn vốn từ nước này sang thị trường Nga hoặc Brazil.

Không những thế, thống kê mới nhất trong báo cáo chỉ ra rằng 31 nền kinh tế đang phát triển đã mất tổng cộng 2.000 tỷ USD giá trị tài sản chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay.

Hiện tại, giao dịch trên thị trường chứng khoán của các quốc gia mới nổi đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009 và có khoảng 20 đồng tiền mất giá kỷ lục. “Chúng tôi nhận thấy dòng chảy nguồn vốn rất lớn từ các nền kinh tế mới nổi ngược sang lại thị trường châu Âu và Nhật Bản. Các tổ chức đầu tư cảm thấy các thị trường này an toàn và hấp dẫn hơn”- Ibra Wane, chuyên gia chiến lược cấp cao của Quỹ đầu tư Amundi Asset Management có trụ sở tại Paris cho biết.

Theo IIF, hiện tượng này cũng là kết quả của sự thay đổi trong chính sách tiền tệ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tăng lãi suất vào tháng 12/2015, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Quyết định của FED đã làm thay đổi đột ngột giá trị tiền tệ tại các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Argentina, Brazil, Nam Phi… Đặc biệt, đồng nội tệ của Trung Quốc mất đến 5,5% giá trị trong vòng 12 tháng qua đã tất yếu dẫn đến dòng chảy nguồn vốn khổng lồ ra khỏi nền kinh tế nước này.

Báo cáo của IFF cũng đồng thời xếp Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách các nước đang rơi vào tình trạng nguy hiểm do thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ cao.

Nguyên Hồng

Bloomberg