Yên dân

09:58 | 08/02/2012

908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 1 tháng nay, dư luận Hải Phòng và cả nước rất quan tâm tới một vụ cưỡng chế đặc biệt, có một không hai ở nước ta: chính quyền đã huy động lực lượng hùng hậu gồm công an, bộ đội tiến hành thu hồi đất của một hộ dân ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Chiếc máy xúc phá nhà ông Vươn.

Nói có một không hai và đặc biệt bởi quá đông lực lượng tham gia chỉ để cưỡng chế đất của một người dân, trong đó có cả bộ đội mà theo luật định lực lượng này chỉ để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, đàn áp bọn phiến loạn, phản cách mạng, gìn giữ chính quyền.

Đặc biệt còn bởi người bị cưỡng chế đã chống trả quyết liệt đến mức nổ mìn khiến 6 người thi hành công vụ bị thương, trong đó có trưởng công an huyện và ngôi nhà của đương sự bị phá hủy, chỉ còn đống gạch vụn. Và có lẽ đặc biệt hơn cả ở chỗ vụ cưỡng chế khiến mọi người dân đều bất bình, nhiều cơ quan, đoàn thể ở Trung ương (Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam…) phải vào cuộc tìm hiểu, xem xét.

Lại thêm ý kiến bước đầu của nhiều quan chức Trung ương có phần nghiêng về phía người dân, không đồng tình với hành động của chính quyền sở tại. Hầu như mọi người đều cảm thông và chia sẻ với kẻ bị cưỡng chế, ngoại trừ chính quyền huyện. Thậm chí còn có một tổ chức nọ đứng ra kêu gọi mọi người quyên góp, ủng hộ gia đình nạn nhân trong cơn khốn khó.

Cũng chưa có vụ cưỡng chế nào khiến Thủ tướng phải đích thân vào cuộc. Ông đã quyết định chủ trì cuộc làm việc sớm nhất về vụ này với các cơ quan liên quan (chưa có tiền lệ này dẫu từng xảy ra nhiều vụ cưỡng chế sai pháp luật). Đây là vụ liên quan đến đất đai khiến dư luận bức xúc nhất từ trước đến nay.

Vụ việc sắp ngã ngũ bởi các cơ quan chức năng đã có kết luận bước đầu. Nhưng có một điều có thể khẳng định ngay là chính quyền huyện Tiên Lãng có cách thức tiến hành ồ ạt, "diễu võ giương oai”, mang tính đàn áp, đẩy người dân vào chân tường khiến họ cùng quẫn, dẫn đến phạm pháp nghiêm trọng là điều hết sức đáng tiếc, không thể chấp nhận.

Bất cứ ai bị dồn vào bước đường cùng như người bị cưỡng chế ở Tiên Lãng cũng dễ tìm đến cách giải quyết tiêu cực, hoặc tự tử hoặc chống trả manh động. Và nạn nhân ở đây đã lựa chọn cách thứ 2 mặc dù biết rõ là phạm tội lớn, phải đối mặt với lao lý.

Vụ việc đã gây một làn sóng bất bình lớn trong dân chúng khiến họ mất lòng tin vào chính quyền sở tại. Đây là điều vi phạm nghiêm trọng lời răn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng về quan điểm đối với nhân dân.

Sinh thời, Bác luôn đề cao tư tưởng trọng dân. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II tháng 2/1951, Người viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”. “Làm việc gì cũng phải có quần chúng, không có quần chúng thì không thể làm được. Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được”. Người đã rất thích và luôn nhắc lại 2 câu của nhà thơ Thanh Tịnh trong một sáng tác thời kỳ kháng chiến chống Pháp: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” để căn dặn cán bộ, đảng viên.

Người cũng răn rất thẳng thắn: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều là mồ hôi, nước mắt của dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”. Đó chính là Bác đã tiếp thu tư tưởng tiến bộ của ông cha ta và người xưa.

Cách đây 500 năm, Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Từ thời cổ đại, Khổng tử đã chỉ ra “dân vô tín bất lập” (nếu dân không tin thì chính quyền không đứng được), Mạnh Tử nói cụ thể hơn “sức dân như nước, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Trong lịch sử dân tộc ta, một bài học có ý nghĩa lớn nhất chính là sự đoàn kết của toàn dân mới có thể nhấn chìm mọi kẻ thù hung hãn và vượt qua được mọi thử thách, gian nan của cách mạng để đi tới thành công. Đảng ta luôn coi trọng điều này nên đã quán triệt ở mọi nơi, mọi lúc mới làm nên mọi thắng lợi. Quá khứ cũng đã chứng minh: Tổ chức chính trị nào xa rời dân, đi ngược lại lợi ích chính đáng của họ, cuối cùng đều chuốc lấy thất bại. Ngay cả khi chính quyền tốt đẹp, hành động cách mạng tích cực, triệt để nhưng nếu do thiếu biện pháp tốt mà xâm hại đến quyền lợi của dân thì cuối cùng cũng không thể thành công.

Nhìn sang nước Nga, sau cách mạng tháng 10/1917, nhiều cán bộ, đảng viên Bolchevisme do nôn nóng, muốn công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp do Lênin khởi xướng sớm có kết quả, đã có nhiều hành động tả khuynh, cực đoan trong việc đưa nông dân vào nông trang tập thể. Thay vì kiên trì vận động, thuyết phục họ đã dùng những biện pháp thép hối thúc, ép buộc nông dân, thậm chí là khủng bố, đàn áp.

Song, chính vị lãnh tụ vĩ đại của nước Nga khi ấy đã nghiêm khắc kiểm điểm, thậm chí kỷ luật những cán bộ quá tả như vậy. Thực tế lịch sử này đã được phản ánh sinh động, sâu sắc trong tác phẩm văn học nổi tiếng mang tên Đất vỡ hoang của nhà văn Xô viết tài ba Sôlôkhôp.

Trở lại việc xảy ra ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Đây không còn là một vụ cưỡng chế và chống người thi hành công vụ đơn thuần như nhiều vụ từng xảy ra mà đã tiềm ẩn những yếu tố chính trị bất lợi cho sự ổn định xã hội. Khi những người thực thi pháp luật cố tình vi phạm luật pháp, đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người dân thì những cơn sóng ngầm trong dân sẽ xuất hiện. Và không thể lường được hệ quả sẽ ra sao?

Trong khi cả nước ta dấy lên phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì có thể coi mọi hành vi gây mất lòng dân là đi ngược lại lợi ích của Đảng, của cách mạng được chăng? Vậy nên, làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc đang nói chính là làm yên dân, trả lại cho Đảng một sức mạnh vốn dĩ nhờ đó đã làm nên mọi thắng lợi của cách mạng .

Chống lại Đảng, chống lại Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc không chỉ là những phần tử gây rối, xuyên tạc, phá hoại, làm tay sai cho các thế lực phản động, thù địch nước ngoài. Những phần tử này thì ai cũng dễ thấy. Nhưng có phần còn nguy hại hơn là “người nhà mình hại nhau”. Đó là những kẻ nhân danh việc thực thi pháp luật để cố tình làm những việc phục vụ lợi ích cục bộ hoặc cá nhân, đi ngược lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; xâm phạm quyền lợi chính đáng của dân, khiến họ hiểu nhầm, dẫn đến oán Đảng, oán nước. Từ đó mất lòng tin, rất dễ bị những thế lực thù địch lợi dụng, kích động.

Việc làm của những “công bộc” này, nếu sai trái sau khi có kết luận cuối cùng – không thể hiểu khác là đã cướp dân khỏi Đảng. Phá hoại một chủ trương, sách lược mà nhờ đó Đảng có sức mạnh để lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là vì dân, yên dân.

Tách Đảng khỏi dân chẳng khác gì tách cá với nước. Vậy nên cần xem xét vụ việc Tiên Lãng ở vấn đề này, chứ không chỉ là có vi phạm luật đất đai hay không?

Ninh Bình