Y tế dự phòng: Khó khăn chồng chất khó khăn

07:17 | 15/12/2015

712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống y tế: Phòng - chống bệnh dịch, bảo đảm sức khỏe cho con người đồng thời giảm chi phí điều trị thế nhưng y tế dự phòng lại đang gặp rất nhiều khó khăn.  

Không ai muốn làm

Tại một cuộc họp báo về phòng chống dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã chia sẻ, chưa bao giờ công tác y tế dự phòng lại khó khăn như hiện nay, dịch bệnh xảy ra liên miên, nhưng nhân lực thì thiếu, ngân sách vốn đã không nhiều lại bị cắt giảm. Trong khi nếu công tác dự phòng y tế tốt mang lại hiệu quả không nhỏ khi chi phí điều trị giảm, quá tải bệnh viện hạn chế hơn so với hiện nay.

Để dẫn chứng cho nhận xét trên, PGS.TS Trần Đắc Phu đã cho biết, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, ở tuyến huyện, các cơ sở dự phòng đang thiếu 17.500 cán bộ. Ở tuyến tỉnh thiếu 5.300 cán bộ. Đặc biệt với các ngành “nóng” trong hệ thống y tế dự phòng, số lượng cán bộ còn thiếu nhiều nữa như: các trung tâm an toàn thực phẩm đang thiếu khoảng 96% cán bộ, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế thiếu 80% cán bộ, trung tâm sức khỏe môi trường thiếu hơn 36% cán bộ… Với số lượng tuyển sinh của các cơ sở đào tạo y dược trong những năm qua là khoảng 1.200 bác sĩ y học dự phòng và cử nhân y tế công cộng thì theo Cục Y tế Dự phòng may ra phải đào tạo 10 năm nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhưng điều đáng nói là với công tác y tế dự phòng hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá chưa đồng đều, có rất nhiều chuyên gia giỏi, được quốc tế công nhận nhưng cũng có những cán bộ còn thiếu chuyên nghiệp. Nguyên nhân theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đánh giá, do phần lớn bác sĩ y học dự phòng là bác sĩ đa khoa chuyển sang, chưa được đào tạo chính quy về lĩnh vực này. Bởi vậy mới dẫn đến sự chênh lệch như vậy.

kho khan chong chat kho khan
PGS.TS Trần Đắc Phu hướng dẫn người dân ở Biên Hòa, Đồng Nai cách không để cho lăng quăng, muỗi sinh sôi nảy nở phòng chống sốt xuất huyết

Lý giải về tình trạng thiếu nhân lực, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, nếu học điều trị thì bác sĩ có thể có thể kiếm tiền dễ dàng hơn từ hàng chục triệu tới hàng trăm triệu đồng/tháng (tùy theo uy tín, chức danh của bác sĩ) với cơ hội mở phòng khám, làm thêm tại các cơ sở y tế tư nhân, khám bệnh tại nhà buổi tối. Trong khi bác sĩ dự phòng chỉ có vỏn vẹn đồng lương, không có cơ hội làm thêm để tăng thêm thu nhập. Đã vậy, mỗi khi có dịch bệnh, đi làm tối ngày chỉ được bồi dưỡng số tiền khiêm tốn không xứng với công sức bỏ ra. Ví như một cán bộ y tế dự phòng ở một huyện miền núi lương tháng được khoảng 3-4 triệu đồng/tháng cộng với tiền chế độ lưu động (thay vì công tác phí) được 5.000 đồng/người/ngày trong trường hợp phải đi xa. Thế nhưng, đoạn đường họ phải đi xa nhất là gần 100km tính từ trung tâm y tế huyện đến xã. Mà đoạn đường đó không phải trải nhựa “mịn như nhung” mà gập ghềnh, khúc khuỷu, đến nơi cũng hao tâm tổn sức. Chưa kể đến cả đội y tế dự phòng có 7  người mà phải phòng chống dịch ở 15 xã của huyện.

Hay ở Hà Nội, một cán bộ y tế dự phòng, trình độ cử nhân, làm việc ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì với thâm niên 5 năm, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Anh bảo với đợt dịch sốt xuất huyết đang diễn ra ở Hà Nội như hiện nay, mỗi cán bộ tham gia dập dịch, bắt muỗi, diệt bọ gậy được hỗ trợ khoảng 50 nghìn đồng. Anh bảo, so với những bác sĩ điều trị cùng lứa với anh thì thu nhập của anh rất thấp, thậm chí không đủ sống.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, chính vì nguyên nhân nói trên mà không ai muốn trở thành bác sĩ dự phòng mà chỉ muốn thành bác sĩ điều trị.

Khúc mắc từ chính sách

Giải thích vì sao trợ cấp cho cán bộ y tế dự phòng thấp như vậy thì ông Trần Đắc Phu cho rằng, do ngân sách chỉ dành 30% trong tổng chi cho ngành y tế, bằng 1/2 khoản chi cho điều trị. Điều này được Cục Y tế Dự phòng nhận định là ngược so với quốc tế, đáng lẽ ngân sách của Nhà nước chỉ dành cho y tế dự phòng, còn điều trị sẽ do bảo hiểm hoặc là người bệnh chi trả trong trường hợp đến bệnh viện tư. Thế nhưng, ở đây chi cho y tế dự phòng chỉ bằng một nửa chi cho điều trị như đã nói nên không đủ để chi trả hơn nữa cho các bộ y tế dự phòng. Mà nói là 30% ngân sách cho tổng chi của ngành y tế dành cho dự phòng nhưng thực tế còn không được như vậy. Nhiều tỉnh thành chi chưa đến 30%, thậm chí chỉ có 10% như Lạng Sơn. Trong khi Nghị quyết 18 của Quốc hội quy định phải chi khoản này ở mức 30%.

Theo khảo sát mới nhất của Bộ Y tế tại 15 tỉnh, thành, mức chi bình quân cho y tế dự phòng chỉ khoảng 16% tổng chi cho y tế. Trong đó với 1.400 tỉ đồng được chi cho y tế dự phòng, tới gần 60%, tương đương 800 tỉ đồng là trả lương, phụ cấp. Còn chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ chỉ 17%. Như các tỉnh Sơn La, Kon Tum, Phú Yên… thì chỉ chi 3-7%. Đây chính là vướng mắc của ngành y tế dự phòng, thiếu vốn hoạt động. Một khảo sát mới nhất của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, nếu không có ngân sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị y tế dự phòng không thể thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời phòng chống dịch không hiệu quả do phần lớn chi phí dùng để trả lương, duy trì các hoạt động thường xuyên.

Vì vậy, để có thể đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh nhằm giảm quá tải bệnh viện, bệnh tật, nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ, từ nay đến năm 2020, theo ông Phu cần thực hiện các giải pháp tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao làm việc cho lĩnh vực y tế dự phòng. Ưu tiên về học phí, học bổng cho học viên theo học các ngành có thể hướng tới công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng. Nâng mức lương cơ bản và phụ cấp đặc thù cho cán bộ công tác tại một số vị trí, cơ sở trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Cùng với đó, cần thống nhất chương trình đào tạo trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên cả nước để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng các giáo trình đào tạo chuẩn, thống nhất, thường xuyên cập nhật kiến thức trong nước và quốc tế, đào tạo chuyên ngành sâu trong lĩnh vực y tế dự phòng. Xây dựng đề án đào tạo giáo viên, giảng viên làm “máy cái” cho hệ thống đào tạo y tế dự phòng. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên về các lĩnh vực chuyên môn y tế dự phòng. Thực hiện gắn kết mô hình viện - trường, khuyến khích đào tạo nội trú, đào tạo chuyên khoa định hướng ở một số chuyên ngành thuốc lĩnh vực y học dự phòng. Đồng thời đầu tư, nâng cấp cơ sở thực hành y tế dự phòng ở các tuyến để sinh viên có đủ điều kiện thực hành đáp ứng yêu cầu về đào tạo.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, Bộ Y tế dự kiến sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng phòng chống dịch bệnh như phòng chống sốt rét, HIV/AIDS, phòng chống bệnh xã hội, y tế dự phòng làm một theo mô hình trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… để thu gọn bộ máy hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Tác, để thực hiện việc này phải từng bước và có thời gian. Bên cạnh sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng như vậy sẽ giảm thiểu nhân lực ở bộ phận hành chính, tăng cường nhân lực cho công tác chuyên môn nhằm bổ sung vào đội ngũ y tế dự phòng còn thiếu hiện nay.

Xuân Bách

Năng lượng Mới 482