Xung quanh việc trường đại học tự phong giáo sư, phó giáo sư

14:45 | 18/09/2015

2,480 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày qua, có nhiều dư luận khác nhau xung quanh việc ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm chức vụ chuyên môn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS). Xung quanh vấn đề này, phóng viên Năng lượng Mới ghi nhận ý kiến của GS-TS Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng ĐH KHXH & NV TPHCM và GS-TS Nguyễn Đăng Hưng - nguyên giảng viên ĐH Lèige (Bỉ).  

GS-TS Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM

Trên thế giới, nhiều đại học tự chủ trong việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam thì việc phong phó giáo sư, giáo sư vẫn do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xét duyệt và phong chức danh.

xung quanh viec truong dai hoc tu phong giao su pho giao su
GS Ngô Văn Lệ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG TPHCM

Và hiện nay, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vẫn đang thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ của mình thì một trường ĐH không thể vượt quy định để tự phong chức vụ giáo sư, phó giáo sư như cách nói của ĐH Tôn Đức Thắng.

Chưa kể ở Việt Nam hiện nay nhiều trường được gọi là đại học công lập nhưng chưa thực sự đúng nghĩa là ĐH công lập. Vì ĐH công lập phải do nhà nước đầu tư nhưng trên thực tế hiện có một số trường nói là ĐH công lập nhưng chẳng phải nhà nước đầu tư. Vậy những trường công lập đó năng lực chuyên môn như thế nào? Năng lực được đánh giá ra sao để mà tự phong chức vụ giáo sư, phó giáo sư?

Tôi cho rằng về vấn đề này, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phải lên tiếng để các trường thực hiện đúng theo quy định. Bởi nếu ĐH Tôn Đức Thắng vượt rào vô nguyên tắc thành thì sẽ có nhiều trường khác cũng vượt rào theo. Lúc đó chất lượng giáo sư, phó giáo sư như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư do mỗi trường tự phong? Không khéo sẽ gây rối trong môi trường học thuật ở nước ta lâu nay vốn dĩ còn rất nhiều bất cập.

GS-TS Nguyễn Đăng Hưng - nguyên GS Đại học Liège (Bỉ):

Hiện nay, quy chế hiện hữu được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng tại Việt Nam trong phong học hàm giáo sư GS và PGS là kế thừa từ Liên Xô (cũ), theo đó GS, PSG là những học hàm chung chung, không gắn liền với một trường đại học, một trung tâm nghiên cứu nào. Nó cũng không gắn liền với một nhiệm vụ cụ thể nào như môn giảng dạy chuyên môn và số tiết giờ tối thiểu. Tôi đã từng đề nghị là nên rà soát lại quy chế này và chỉ nên phong chức danh cho những ai có tham gia giảng dạy cụ thể tại các trường kèm theo những tiêu chí sáng tỏ khác như số lượng và chất lượng các công trình khoa học, vai trò và thành quả của ứng viên tại trường và trong xã hội với tư cách là nhà khoa học, nhà giáo dục.

Ở các nước tiên tiến có nền giáo dục đại học vững mạnh việc chọn lựa PGS, GS là việc của các đại học. Nước Bỉ cũng thuộc về các nước này. Tại Pháp cũng còn duy trì những Hội đồng chức danh trên bình diện quốc gia cho từng ngành nhưng hội đồng này luôn luôn phối hợp chặc chẽ với các trường khi có yêu cầu chọn lựa và bổ nhiệm. 

Tuy nhiên, quy chế bổ nhiệm các chức danh PGS, GS (hay các chức năng thấp hơn như trợ lý thường trực, giảng viên thường trực…) đều phải dựa vào một quy chế thống nhất áp dụng cho tất cả các trường, tất cả các ngành trong cả nước. Chính Bộ GD&ĐT là chỗ đưa ra quy chế thống nhất này sau khi tham khảo đầy đủ các chuyên gia quốc tế, đối chiếu các quy chế hiện hành ở các nước phát triển.

xung quanh viec truong dai hoc tu phong giao su pho giao su
GS-TS Nguyễn Đăng Hưng - nguyên GS ĐH Lèige (Bỉ)

Nếu bổ nhiệm hay chọn lựa theo quy chế riêng là phạm luật. Nếu chưa có quy chế chung mà trường nào vội vã bổ nhiệm tuỳ hứng, tuỳ yêu cầu cục bộ, cá nhân là phạm luật. Điều này không cần bàn nhiều vì nếu trường nào cũng làm theo kiểu mình thì việc đương nhiên sẽ xảy ra là loạn xà ngầu việc bổ nhiệm, bất cứ ai cũng sẽ thành PGS, GS…

Việc chính phủ các nước tiên tiến đều giao cho các trường đại học quyền bổ nhiệm nhân sự, rồi ban giám hiệu các trường giao cho các tổ chức cơ sở như khoa hay bộ môn tổ chức tuyển chọn nhân sự có những ưu điểm được trắc nghiệm qua hằng thế kỷ. Thậy vậy, không có cơ cấu nào nắm rõ thực tế hơn các cơ sở. Đây chính là tinh thần thực thi dân chủ cơ sở. Mọi chọn lựa ở xa hay bên trên có thể dẫn đến những bất cập, yếu kém thậm chí không đạt yêu cầu. Nhưng giao cho cơ sở không có nghĩa là cơ sở muốn làm gì thì làm. Ở trên tôi đã nói đến những qui chế, tiêu chí mà cơ sở phải tuân theo.

Trước nhất bổ nhiệm nhân sự phải thông qua một quá trình công khai và chặt chẽ. Việc áp dụng qui chế và tiêu chí phải thông qua một ban kiểm định chuyên môn khách quan vô tư. Ban kiểm định phải bao gồm những thành viên chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề cần bổ nhiệm. Thông thường ban kiểm định không thể chỉ bao gồm người của trường mà phải có các thành viên chuyên gia đến từ các trường bạn, các trung tâm nghiên cứu, thậm chí là chuyên gia đến từ các trường đại học lớn trên thế giới. Đó là điều kiện cho tính khách quan vô tư của ban kiểm định. Việc thành lập một ban kiểm định trong quá trình bổ nhiệm là điều tối cần thiết cho phép ngăn ngừa những tiêu cực có thề xảy ra.

 

 

 

 

T. Thanh

Năng lượng Mới

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.