Xuất khẩu Việt Nam: Vẫn chưa bền vững?

06:28 | 16/03/2013

1,079 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chúng ta thường tự hào về những con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng những năm qua, nhưng ít ai nhận thấy rằng những con số đó có được phải dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu rất lớn khi ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta chậm phát triển. Đây là một điều rất đáng lo ngại đối với sự phát triển bền vững của công nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Hàng xuất khẩu dựa nhiều vào nhập khẩu

Trong những năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của nước ta khá cao và liên tục, tốc độ tăng trưởng trung bình 19,5%/năm, chỉ giảm vào năm 2009 dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, từ 2010 đến nay, xuất khẩu phục hồi nhanh chóng và liên tục tăng, đặc biệt trở thành một trong những điểm sáng gần như duy nhất trong tình hình khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012 vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu 2012 đạt 114,6 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 18,2% so với năm 2011. Trong những tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tiếp tục có nhiều dấu hiệu lạc quan, với tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.

Có thể nói, xuất khẩu đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế quốc gia, đó là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ phiến diện nhìn vào những con số tăng trưởng để tự hài lòng vì trên thực tế tăng trưởng xuất khẩu được đánh giá là thiếu bền vững, giá trị gia tăng còn thấp khi phần lớn nguồn nguyên liệu làm hàng xuất khẩu đang phải nhập từ nước ngoài.

TS Nguyễn Anh Dương - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: Thực tế, đặc thù của kinh tế Việt Nam là hàng xuất khẩu dựa rất nhiều vào hàng nhập khẩu, lợi thế vẫn tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng sử dụng tài nguyên khoáng sản, dựa vào nông nghiệp và các ngành chế biến thâm dụng lao động.

Hàng dệt may xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Đơn cử, ngành may mặc, da giày, thực tế chúng ta xuất khẩu được rất nhiều nhưng chủ yếu là nhập khẩu đầu vào để xuất khẩu. Do đó, giá trị gia tăng của những ngành này có được chủ yếu chỉ dựa vào nguồn lao động giá rẻ.

Tương tự, ngành công nghiệp dược nội địa mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong khoảng 10 năm trở lại đây, thuốc sản xuất trong nước có thể đáp ứng 50% nhu cầu người dân và xuất khẩu sang một số thị trường như: Bangladesh, Pakistan, Lào, Campuchia, Singapore… Tuy nhiên, đa số thành phẩm dược nội địa được sản xuất từ nguyên liệu nhập. Vì công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược ở nước ta hiện nay chưa phát triển, cả nước chỉ có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp, sản lượng khoảng 200 tấn amoxycillin và 100 tấn ampicillin mỗi năm. Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu thuốc dự kiến sẽ vượt 1,37 tỉ USD so với con số 923 triệu USD trong năm 2008. Trong khi đó, xuất khẩu dược phẩm dự kiến chỉ đạt 216 triệu USD.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta hiện chưa phát triển. Ngành dệt may tỷ lệ nội địa hóa chỉ mới hơn 45%; ngành đóng tàu trên 80% nguyên vật liệu phải nhập khẩu và ngành giấy mỗi năm nhập 300-400 triệu USD nguyên phụ liệu…

Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI, bởi trong thời gian qua các doanh nghiệp FDI là một động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu và chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào việc tăng năng lực xuất khẩu ở khu vực này, nhưng thực tế đây lại là khu vực nhập siêu rất nhiều, chủ yếu gia công, lắp ráp và kinh doanh thương mại, làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Từ năm 2007 đến nay, khu vực FDI liên tục nhập siêu, nếu tính cả dầu thô thì các doanh nghiệp FDI nhập siêu rất nhiều.

Từ năm 2012, các nhà máy của Canon bắt đầu đi vào hoạt động, xuất khẩu rất nhiều nhưng đằng sau con số xuất khẩu tăng khá nhanh của Canon với giá trị lên đến hàng tỉ USD thì cũng có hàng tỉ USD nhập khẩu linh kiện từ các nhà máy ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là các nhà máy của Trung Quốc.

Cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Nhập khẩu của nước ta có đặc thù là tập trung ở một số thị trường chính, (thị trường các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc chiếm 72-74%), trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh nhất và Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Do xuất khẩu dựa rất lớn vào nhập khẩu nên trong cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta hàng trung gian chiếm tỷ trọng khá lớn. Thời gian gần đây, việc nhập khẩu hàng trung gian có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng này hiện cũng chiếm khoảng 59-60%.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhập siêu cơ bản của Việt Nam với Trung Quốc là hàng trung gian. Hiện nay, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc vào đầu vào từ phía Trung Quốc, 60-62% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng trung gian, các doanh nghiệp nước ta mua về rồi về lắp ráp thành hàng Việt để bán hoặc xuất khẩu. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại trong cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt và phức tạp hiện nay.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước. Nhận thức được điều này, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ/TTg về Chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chậm phát triển và các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được hiệu quả.  

Các doanh nghiệp cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa nhận được nhiều ưu đãi, một số ngành như: phân bón, hóa chất, da, lông thú, sơ chế… hiện đang có mức độ bảo hộ thực tế âm. Trong khi đó, đây là những ngành làm đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, nếu chúng ta có chính sách tốt để phát triển các ngành này sẽ tạo được nguồn nguyên liệu giá rẻ cho các nhà sản xuất trong nước và hạn chế việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến ngành công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển là do quy mô công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết giản đơn, giá trị gia tăng thấp… Đồng thời, ngành công nghiệp hỗ trợ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong khi đó lại đòi hỏi công nghệ cao, lao động có trình độ... nên ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư.

Theo TS Nguyễn Anh Dương, hiệu quả thương mại sẽ bền vững trong dài hạn nếu chúng ta có định hướng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước một cách phù hợp để dần thay thế đầu vào nhập khẩu; cần chú ý phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp với định hướng xuất khẩu hoặc sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm để tăng lợi ích thương mại; thúc đẩy hình thành mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp xuất khẩu để tăng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể hơn để khuyết khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Mai Phương