Xét trao danh hiệu NSND: Vẫn còn nhiều bất cập

13:56 | 06/07/2018

935 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 2/7, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đã thông qua danh sách 77 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” và 303 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” lần thứ 9, năm 2018 của các lĩnh vực: Âm nhạc, Điện ảnh, Múa, Phát thanh - Truyền hình và Sân khấu
xet trao danh hieu nsnd van con nhieu bat cap
NSƯT Công Lý là nghệ sĩ trẻ có tên trong đợt xét tặng NSND năm 2018

Hiện nay, danh sách được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) từ ngày 3 đến 11/7/2018, lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước theo quy định.

Trong danh sách này, NSƯT Trần Hạnh dù không đủ số huy chương nhưng vẫn được đặc cách xét tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên, ông Hạnh từng chia sẻ: “Nghệ sĩ có lòng tự trọng, chúng tôi đi diễn cả đời là vì tình yêu với nghề, muốn cống hiến cho công chúng. Chẳng ai thích cái việc năm lần bảy lượt làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu này nọ. Năm này bị trượt năm sau lại làm, nó buồn cười lắm. Danh hiệu trong lòng nhân dân với chúng tôi mới là quan trọng”.

Thế nhưng, nhiều nghệ sĩ không được may mắn như vậy. Đó là trường hợp NSƯT Lê Văn Thể - một trong những nghệ sĩ tài năng thuộc thế hệ đầu của ngành xiếc Việt Nam - có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Bộ để phản ứng việc Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND của Bộ VH-TT&DL thiếu công tâm, cứng nhắc khi đánh trượt ông bằng hình thức bỏ phiếu.

Ông Thể có 57 năm gắn bó với nghề xiếc, giành nhiều huy chương tại các liên hoan, cuộc thi trong nước và quốc tế. Dù đã nghỉ hưu 16 năm, nhưng ở tuổi 78, ông vẫn tham gia huấn luyện, giảng dạy cho học sinh Việt Nam và học sinh nước bạn Lào tại Trường Trung cấp Xiếc và tạp kỹ Việt Nam.

Trong lần xét tặng năm 2018, hồ sơ của ông đã bị loại với lý do chưa đạt đủ số phiếu đồng ý của Hội đồng cấp Bộ trình lên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 theo quy định tại Nghị định 89/2014/NĐ-CP, mặc dù hồ sơ của ông đã đạt 100% số phiếu của thành viên Hội đồng cấp cơ sở.

Một trường hợp khác là NSƯT Minh Vương. Đây là lần thứ ba ông bị đánh trượt danh hiệu NSND do không đủ huy chương. NSƯT Minh Vương biểu diễn từ năm 1964 và vẫn còn hoạt động cho đến hiện tại. 54 năm làm nghề của ông đã đóng góp cho hơn nửa chặng đường phát triển của nghệ thuật cải lương tại Việt Nam với hàng trăm vai diễn, tuồng tích lẫn các bài tân cổ giao duyên, đến bây giờ vẫn còn được khán giả ghi nhớ.

Ngoài ra, trường hợp của nghệ sĩ Thanh Sang, nghệ sĩ Út Bạch Lan… dù là những “cây đa, cây đề”, nhưng mãi đến lúc họ đã đi xa vẫn chỉ mang danh hiệu NSƯT, vì không đủ huy chương để xét trao danh hiệu NSND.

Tuy khẳng định “không có đặc cách” trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH-TT&DL cũng cho biết, đã có nhiều nghệ sĩ “không có huy chương” nhưng vẫn được ghi nhận và xét tặng danh hiệu.

Ông Phùng Huy Cẩn giải thích: “Khi xem xét đánh giá nghệ sĩ phải xem xét đánh giá toàn diện, tiêu chí thứ tư về huy chương chỉ là một tiêu chuẩn để xem xét. Một số trường hợp có thể không đủ số huy chương, nhưng họ có cống hiến đặc biệt và ảnh hưởng lớn, hội đồng cơ sở có quyền trình lên hội đồng cấp trên nếu đủ 90% số phiếu tán thành của hội đồng”.

Rõ ràng, để tìm kiếm cái chuẩn cho các nghệ sĩ hoàn toàn không dễ dàng bởi nghệ sĩ và nhà quản lý đều có cái lý riêng của họ. Tuy nhiên, để những băn khoăn không đáng có không còn tồn tại trong công tác xét tặng danh hiệu thì cần phải có một sự minh bạch hơn trong công tác bình xét, để mỗi mùa xét tặng danh hiệu không còn là nỗi buồn của các nghệ sĩ.

K.An