Xanh hóa môi trường khai thác mỏ

17:00 | 17/03/2020

325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giảm thiểu bụi than, hoàn nguyên môi trường… là những công tác được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện khẩn trương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Đề án bảo đảm môi trường cấp bách của ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 đang được TKV khẩn trương triển khai với mục tiêu nhằm xanh hóa môi trường khai thác mỏ và hạn chế tối đa tác động đến môi trường xung quanh. Đề án gồm nhiều hạng mục có tính thực tiễn như: Xây dựng các đê ngăn đất đá chân bãi thải; thường xuyên nạo vét, củng cố hệ thống thoát nước; giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình vận chuyển, sàng tuyển; phủ cây xanh phục hồi môi trường…

xanh hoa moi truong khai thac mo
TKV tổ chức trồng cây xanh tại mỏ than Vàng Danh

Đề án xác định các công trình môi trường trọng điểm cần xử lý tận gốc các vấn đề phát sinh do đợt mưa lũ lịch sử năm 2015. Theo đó, giai đoạn 2017-2020 (bắt đầu triển khai năm 2017), TKV đã triển khai hơn 100 công trình, hạng mục bảo đảm môi trường cấp bách của ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm sớm khắc phục những tác động tiêu cực tới môi trường do hoạt động khai thác than, trực tiếp là môi trường sống của người dân, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2.600 tỉ đồng.

Đơn cử, như trước đây, các hộ dân đang sinh sống dưới chân bãi đổ thải Chính Bắc - mỏ than Núi Béo (TP Hạ Long) luôn phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đất đá, bùn đất tràn vào trong mùa mưa bão. Thêm vào đó, người dân phải chịu một lượng bụi lớn phát tán trong môi trường khi vận chuyển than từ mỏ ra ngoài, cuộc sống bị ảnh hưởng khá lớn.

TKV đã giao Công ty Than Núi Béo nghiên cứu những vị trí có nguy cơ tác động xấu đến môi trường tại bãi thải Chính Bắc - Núi Béo. Sau đó, TKV đã nhanh chóng đầu tư xử lý khắc phục bằng các hạng mục công trình như xây dựng bờ kè, đập, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh. Đến nay môi trường khu vực bãi thải Chính Bắc - Núi Béo đã tương đối ổn định, nguy cơ sạt lở đất đã gần như được loại trừ.

Từ năm 2017 đến nay, TKV đã hoàn nguyên, cải tạo, trồng được gần 200 ha cây xanh tại các khu vực phía Tây (Công ty Than Hòn Gai), phía Đông Nam (Công ty CP Than Hà Lầm), phía Đông (Công ty CP Than Hà Tu) và phía Bắc (khu vực Giáp Khẩu).

Bên cạnh bãi thải xỉ than Chính Bắc - Núi Béo, các bãi thải Đông Cao Sơn, bãi thải vỉa 16 Hà Ráng, bãi thải Nam Khe Tam đều được TKV đầu tư các hạng mục công trình hoàn nguyên môi trường nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của khai thác than đến khu vực xung quanh. Chính những giải pháp này đã giúp khu vực bãi thải mỏ Chính Bắc - Núi Béo dần “hồi sinh” màu xanh.

Mặt khác, nhằm giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình vận chuyển, sàng tuyển hướng tới khép kín khâu khai thác, vận chuyển, chế biến than, từ năm 2017 đến năm 2019, TKV đã đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng xây dựng, lắp đặt các công trình trọng điểm: Xây dựng tuyến băng tải Khe Ngát - Điền Công (TP Uông Bí); di dời hệ thống sàng 2 và kho than sạch Cọc Sáu; lắp đặt 7 máy phun sương, dập bụi cao áp tại Công ty CP Than Đèo Nai và Công ty CP Than Cao Sơn. Dự kiến năm 2020, TKV sẽ tiếp tục rà soát, triển khai các công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn, cải thiện môi trường cảnh quan, ưu tiên đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp khu vực kho than tập trung, bến cảng, khu vực chế biến than, bãi thải gần khu dân cư.

Tổng diện tích đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường từ khi thực hiện đề án đến hết năm 2019 là gần 500 ha. Dự kiến năm 2020, TKV sẽ tiếp tục trồng 100 ha cây tại các khu vực kết thúc khai thác, đổ thải; cải tạo phục hồi môi trường mặt bằng khu công nghiệp.

Đến nay, TKV cũng đã xây dựng được đập số 8 và mương số 2 thuộc hệ thống thoát nước chân bãi thải Bằng Nâu.

Tính đến thời điểm này, giá trị thực hiện các công trình trong Đề án bảo đảm môi trường cấp bách của ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 2.018 tỉ đồng (76,3% kế hoạch vốn). Trong giai đoạn nước rút thực hiện đề án, TKV đang phối hợp với TP Cẩm Phả giải phóng mặt bằng, tiếp tục triển khai 5 công trình tại chân bãi thải Bằng Nâu và 2 công trình tại chân bãi thải Nam Khe Tam.

Theo Ban Môi trường (TKV), riêng năm 2019, TKV đã trồng cây phủ xanh cải tạo phục hồi môi trường hơn 102 ha. Tổng diện tích đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường từ khi thực hiện đề án đến hết năm 2019 là gần 500 ha, vượt 120% khối lượng công việc của đề án. Dự kiến năm 2020, TKV sẽ tiếp tục trồng 100 ha cây tại các khu vực kết thúc khai thác, đổ thải; cải tạo phục hồi môi trường mặt bằng khu công nghiệp…

Bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ với phương châm “sản xuất kinh doanh than gắn với bảo vệ môi trường”, TKV đang là doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi mô hình sản xuất “xanh”.

Tùng Dương