Vượt khó cấp điện cho đồng bào dân tộc Sơn La

08:00 | 06/12/2014

726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm qua, với tinh thần “vì sự phát triển của quê hương Sơn La”, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực Sơn La (PC Sơn La) đã không ngại khó, ngại khổ, kéo từng mét dây, dựng từng chiếc cột để “cõng” điện băng rừng, vượt núi đến với đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Năng lượng Mới số 380

PC Sơn La được thành lập ngày 3/9/1990. Cơ sở hạ tầng ban đầu của công ty hầu như không có gì, từ hệ thống lưới điện đến nguồn điện. Việc cấp điện chủ yếu được thông qua các nguồn diesel và Nhà máy Thủy điện Chiềng Ngàm với công suất 2MW. Chất lượng điện cũng không đảm bảo, tổn thất điện năng cao.

Sự khởi đầu của PC Sơn La khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng theo ông Phạm Văn Long - Phó giám đốc PC Sơn La, khó khăn, thiếu thốn đó càng nhân lên gấp bội khi các mục tiêu cung ứng điện mà công ty đề ra được thực hiện trên một địa bàn rộng, trải dài, nhiều khu vực có địa hình đồi núi phức tạp, treo leo. Không có điện, hạ tầng giao thông lại hầu hết là đường đất, cộng với trình độ dân trí thấp nên đời sống của người dân hết sức khó khăn, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo chống phá cách mạng, gây mất ổn định chính trị. Việc cung ứng điện cho những khu vực này vì thế được đặt ra rất cấp thiết, nó không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ổn định đời sống nhân dân, từ bỏ tập quán du canh du cư, vượt biên trái phép... mà còn góp phần quan trong ổn định an ninh biên giới, an ninh quốc phòng.

Thi công đường dây 110kV Sơn La - Thuận Châu - Tuần Giáo mạch 2

Xác định rõ trách nhiệm của mình, ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự ủng hộ, quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo ngành điện và Công ty Điện lực I (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc), một kế hoạch dài hạn đầu tư xây dựng nhằm phát triển hạ tầng, hệ thống lưới nguồn điện đã được đề ra. Và đây được xem là tiền đề để thực hiện chương trình điện khí hóa nông nghiệp nông thôn và đưa điện lưới quốc gia về các huyện, xã, bản chưa có điện trong toàn tỉnh.

Kế hoạch được đề ra là vậy nhưng theo ông Long, để triển khai được lại không phải điều đơn giản, đặc biệt là vấn đề vốn. Và để giải quyết vấn đề này, PC Sơn La đã tham mưa cho lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành điện sử dụng hiệu quả từ việc kết hợp, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu, huy động cả nguồn vốn trong nhân dân theo phương thức Nhà nước và nhân dân; Trung ương và địa phương cùng thực hiện. Nhờ đó, nhiều dự án điện được hoàn thành từ nguồn vốn 30A, 135, 747, 1382, di dân tái định cư thủy điện Sơn La và các nguồn vốn ODA cùng vốn đóng góp của nhân dân. Đến cuối 2010, PC Sơn La đã có hệ thống nguồn phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Tuy nhiên, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trong tỉnh vẫn còn thấp, mới đạt tỉ lệ 75,2%.

Đặc biệt, để thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, Sơn La có 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành điện đã phối hợp với các ngành trong tỉnh tiến hành rà soát, lựa chọn các xã, bản thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh để xây dựng dự án “Cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La” trình Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án ngân sách: Ngân sách Nhà nước cấp phát 85% và 15% vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với nhiệm vụ được giao là quản lý A của dự án, PC Sơn La đã thành lập Bản Quản lý dự án và giao nhiệm vụ với các tiến độ cụ thể để được triển khai khởi công trong năm 2012 và hoàn thành vào năm 2015.

Để thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các hạng mục của dự án hoàn thành đóng điện, đấu nối, kinh doanh bán điện đến các hộ dân trong thời gian nhanh nhất đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp tốt trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Từ công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật thi công đến công tác kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm khảo sát, thiết kế; thẩm định, phê duyệt, xây dựng kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, vật tư; tuyên truyền vận động thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và giám sát tiến độ, chất lượng, nghiệm thu trên công trường. Cho đến nay, công ty đã hoàn thành việc đóng điện cho 70 xã, ở 10 huyện, số hộ được sử dụng điện từ dự án là 18.424 họ, góp phần vào việc đưa tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia của toàn tỉnh lên 83,34% (tính đến tháng 10/2014).

Ghi nhận những nỗ lực của PC Sơn La đã làm được trong những năm qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải cho hay: Có điện lưới quốc gia là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của các huyện, xã, bản vùng sâu, vùng xa. Đời sống kinh tế, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, người dân có cơ hội sử dụng công cụ, dụng cụ hỗ trợ sản xuất, sinh hoạt bằng nguồn điện và là điều kiện để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa... Có điện về, người dân được tiếp xúc với Internet, tivi... là điều kiện để nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tăng niềm tin tưởng của dân với Đảng, Nhà nước.

Cũng theo ông Hải, thách thức đặt ra cho ngành điện Sơn La trong thời gian tới còn rất lớn, chính vì vậy, Sơn La rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện trong triển khai các dự án lưới điện. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với những gì đã đạt được trong những năm qua, với sự đồng lòng, quyết tâm cao nhất, PC Sơn La sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh!

Thanh Ngọc