Vụ sạt lở ở Thái Nguyên: Bằng mọi giá phải tìm thấy các nạn nhân

20:26 | 16/04/2012

598 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Tính đến 16h ngày 16/4, lực lượng tìm kiếm 5 nạn nhân xấu số trong vụ sạt lở kinh hoàng ở bãi phế liệu Phấn Mễ (thuộc xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) vẫn chưa thấy bất kỳ một tung tích nào. Hy vọng sống sót gần như bị dập tắt hoàn toàn…

>> Vẫn chưa tìm thấy 5 nạn nhân trong vụ sạt lở ở Thái Nguyên

Vành tang trắng trên mái đầu xanh

Giữa trưa nắng, em Nguyễn Văn Khánh chạy vạy mãi mới làm được một mâm cơm đặt ở một mỏm đá trên đống đổ nát để thắp hương cầu mong tìm thấy mẹ mình. Vừa thắp hương,Khang vừa khóc: "Không còn hy vọng mẹ có thể sống nữa rồi, cầu mong ông trời phù hộ cho con tìm thấy mẹ, mẹ ơi… !”.

Để có bữa cơm cúng mẹ, Khánh phải chạy đi nhờ hàng xóm từ quả trứng đến nén nhang vì ngôi nhà hai mẹ con sống hiện chỉ còn là một bãi phế liệu đổ nát chất cao như núi. Mồ côi cha ngay từ mới lọt lòng, Khánh và người mẹ ốm yếu, bà Trần Thị Thiện (54 tuổi) cố bám trụ với mảnh đất cằn cỗi để nuôi con. Học hết cấp 2, Khánh học nghề cơ khí và lên TP Thái Nguyên làm việc cho một xưởng chế tạo nhỏ, mỗi tháng về thăm mẹ hai lần.

Máy xúc đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân.

"5h sáng ngày 15/4, em đang chuẩn bị đi làm thì có người em họ xa gọi điện nói, nhà anh bị chôn vùi hết rồi, không tìm thấy mẹ anh đâu nữa. Mới tuần trước em còn về ăn cơm với mẹ mà đâu có ngờ lại xảy ra cơ sự như thế này. Ông trời thật bất công với mẹ con em…”- Khánh rưng rưng kể lại.

Liên quan đến vụ việc trên, 4 nạn nhân khác trong một gia đình cũng đang nằm dưới đống bùn đất, gồm: Nguyễn Minh Hoàn (SN 1962, chủ hộ), ông Nguyễn Văn Hà (SN 1968, là em trai bà Hoàn), cháu Nguyễn Văn Quốc (SN 1991, là con trai bà Hoàn) và cháu Nguyễn Văn Quân (SN 1995, là con trai thứ 2 của bà Hoàn).

Hàng nghìn khối đất, đá tràn sạt lở.

Chiều muộn cùng ngày, khi những nỗ lực cuối cùng của đội cứu hộ vẫn chưa thành công thì Khánh lặng lẽ đi tìm chiếc khăn tang. Chiếc khăn tang trước kia Khánh đã từng đeo để khóc bố giờ đây lại tiễn mẹ khi tuổi mới tròn 22. Phía bên kia bãi, người thân của 4 nạn nhân Hà, Hoàn, Quân, Quốc cũng nức nở chít lên đầu vành khăn tang tóc. Không chỉ có người thân, hàng ngàn người dân xã Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên cũng vừa trông ngóng, vừa tiếc thương những người hàng xóm hiền lành bị nạn.

Sống trong sợ hãi

Theo tìm hiểu của Petrotimes, mỏ than Phấn Mễ là vùng mỏ có lịch sử khai thác lâu đời. Người Pháp đã thăm dò các mỏ than ở đây và hai năm sau (1910), mỏ than Phấn Mễ đã chính thức bị khai thác. Sau khi giải phóng, mỏ than Phấn Mễ được tiếp quản. Đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên chịu cảnh sạt lở kinh hoàng từ bãi phế thải khổng lồ Phấn Mễ do công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên chủ quản.

14 hộ gia đình đã bị đất đá san phẳng và vùi lấp 7 người dân.

Hiện tượng sạt lở đã từng diễn ra hai lần một lần năm 1998, một lần năm 2006. Cách đây không lâu, tại mỏ than Phấn Mễ, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra vào chiều ngày 29/4/2011. Vụ nổ xảy ra tại giếng khai thác có độ sâu hơn 100m. Một công nhân là Phạm Bá Phương (SN 1979) tử vong tại chỗ. Một công nhân khác là Trần Như Long bị bỏng sâu và phải đưa đi cấp cứu.

Tuy nhiên, theo những người dân xã Phục Linh, sự việc nổ giếng than xảy ra chưa được bao lâu, đơn vị khai thác lại tiếp tục cho khai thác tận thu.

Đến cuối giờ chiều ngày 16/4, do khối lượng đất đá và than phế thải ước tính lên đến hàng chục ngàn tấn nên phương án dùng chó nghiệp vụ để đánh hơi vị trí nạn nhân không thể sử dụng được. Ban Chỉ đạo cứu hộ đã mời Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường địa chất và bảo vệ sức khỏe mang máy dò tìm địa chất bằng tia phóng xạ các chuyên gia người Úc.

Tuyệt vọng cũng phải đào đến cùng!

Ngay sau khi sự cố sạt lở diễn ra, Ban chỉ đạo cứu hộ được thành lập do ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên túc trực tại hiện trường làm Trưởng ban Chỉ đạo. Trao đổi với báo chí vào chiều ngày 16/4, ông Đặng Viết Thuần nhấn mạnh: "Trước mắt công tác cứu hộ cứu nạn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực tìm kiếm những nạn nhân còn bị vùi trong phế liệu và đống đổ nát. Mặc dù để đào múc hàng chục ngàn tấn đất đá và than thì cũng sẽ làm tới cùng. Hy vọng sống sót của những nạn nhân là không còn. Tuy nhiên có tuyệt vọng thì vẫn cứ phải đào đến cùng”.

T. Minh – H.Tùng