Vietnam Airlines muốn mua nhà ga T1 - sân bay Nội Bài
Sảnh E - Nhà ga T1 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài
Theo ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines, việc mua nhà ga T1 sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga đồng thời quản lý và chịu trách nhiệm khai thác phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong ga để nâng cao chất lượng, dịch vụ, thuận lợi cho hành khách.
Đề cập đến phương thức mua, ông Thanh cho rằng, Tổng công ty được chỉ định mua trực tiếp nhà ga T1 được định giá theo các quy định hiện hành. Vietnam Airlines sẽ huy động vốn của mình, các doanh nghiệp có vốn đóng góp đồng thời với việc huy động vốn của các doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Nguyễn Thanh Hùng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất được Bộ nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 tại sân bay quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm.
Đề xuất này của Vietjet Air được nêu ra trong bối cảnh nhà ga T2 vừa được đi vào khai thác và toàn bộ nhà ga T1 đã được chuyển thành khu vực phục vụ khách đi các chuyến bay nội địa. Lý do được Vietjet đưa ra cũng nhằm chủ động và linh hoạt trong việc sắp xếp khai thác.
Đại diện Vietjet Air chia sẻ: hiện nay, dịch vụ hàng không đã có sự cạnh tranh giữa nhiều hãng - bao gồm cả trong nước và quốc tế, nhưng dịch vụ mặt đất phục vụ ngành hàng không thì chưa có sự cạnh tranh. Điều này dẫn đến việc thiếu những giá trị để so sánh về chất lượng và giá cả dịch vụ. Xã hội hóa ngành hàng không, trước hết từ dịch vụ mặt đất sẽ làm cho lĩnh vực này có sự cạnh tranh lành mạnh, tất cả nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Tại cuộc họp về huy động vốn xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không diễn ra vào ngày 25/2 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thí điểm bán dứt điểm quyền khai thác sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài cho hãng hàng không Vietjet Air.
Đối với đề xuất mua lại toàn quyền khai thác sảnh T1 sân bay này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng xem xét bán có thời hạn 20 năm hoặc 50 năm đồng thời nghiên cứu bán một phần sân bay Đà Nẵng ở khu vực cũ cho hãng hàng không giá rẻ để lấy vốn đầu tư nhà ga quốc tế.
Nhiều người e ngại, nếu nhượng lại toàn quyền khai thác thương mại cho Vietjet Air dễ dẫn đến tình huống độc quyền, khó quản lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, cần bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
“Để quản lý, tránh rơi vào độc quyền chúng ta sẽ có những điều khoản hợp đồng ràng buộc”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu trong tháng Tư tới đây, ACV phải trình Bộ phương án cổ phần hóa để lấy vốn đầu tư sân bay quốc tế Long Thành.
“Chúng ta phải huy động được nguồn lực để xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành ngang tầm thế giới. Nếu được Quốc hội thông qua có thể tính đến việc sử dụng 100% vốn của doanh nghiệp, không cần vốn Nhà nước. Vốn từ cổ phần hóa của ACV và tiền bán sân bay Phú Quốc, phát hành thêm trái phiếu mà không cần bảo lãnh của Nhà nước. Một hãng hàng không 4 sao thì cũng phải có dịch vụ, sân bay đi kèm tương ứng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Nhà ga T1 chỉ phục vụ các đường bay quốc nội. Nhà ga T1 có diện tích 115.000 m2, công suất phục vụ 9 triệu hành khách/năm, gồm 19 cửa ra máy bay, 100 quầy thủ tục, 6 băng chuyền hành lý đến... Hiện tại, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có 36 hãng hàng không trong nước và quốc tế đang hoạt động với trung bình 340 chuyến bay mỗi ngày. |
Thiên Minh - Bảo Sơn
-
Tin tức kinh tế ngày 31/3: Thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc
-
Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến Vietjet công bố đường bay thẳng Singapore - Phú Quốc và trao thỏa thuận tài chính tàu bay trị giá 300 triệu USD
-
Tin tức kinh tế ngày 10/2: Cổ phiếu thép chao đảo trước tin Mỹ tái áp thuế
-
Tin tức kinh tế ngày 30/12: VND mất giá khoảng 3% trong năm 2025
-
Vietjet và Xanh SM bắt tay phát triển sản phẩm di chuyển xanh cho du khách Đông Nam Á
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025