Việt Nam nghiên cứu giải pháp chặn sản phẩm có "đường lưỡi bò"

22:14 | 05/11/2019

323 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Văn phòng Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán sản phẩm có "đường lưỡi bò".

Chiều 5/11, trả lời câu hỏi của báo chí về việc gần đây nhiều sản phẩm như phần mềm trong xe ôtô, phim ảnh, sách giáo khoa.... có bản đồ "đường lưỡi bò" phát tán trong nước, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Ông đơn cử, trước khi phim được công chiếu ở Việt Nam đều phải thông qua sự thẩm định của Hội đồng duyệt phim, do vậy để hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong phim là trách nhiệm của Hội đồng này và Bộ Văn hoá, Thể thao Du lịch; còn bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong phần mềm của xe ôtô thì trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp; với sách giáo khoa, giáo trình là trách nhiệm của nhà trường và Bộ Giáo dục Đào tạo.

Việt Nam nghiên cứu giải pháp chặn sản phẩm có
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Viết Tuân

"Người dân khi dùng sản phẩm nhập từ nước ngoài cũng nên xem xét thận trọng, không để đường lưỡi bò phát tán tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam", ông Dũng khuyến cáo và cho biết, Văn phòng Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng nêu trên.

Thứ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho hay, mới đây Bộ này đã khiển trách bà Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh và bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Lý do Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đưa ra các hình thức kỷ luật trên liên quan đến việc phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" xuất hiện hình ảnh "đường lưỡi bò".

"Chúng tôi đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, du lịch, kiện toàn nhân sự, tăng cường rà soát để tránh xảy ra sự việc tương tự; nghiên cứu xây dựng phần mềm rà soát hình ảnh, âm thanh, lời thoại giúp quản lý tốt hơn", bà Thủy nói.

Ngoài ra, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch cũng đã kiện toàn hội đồng duyệt phim quốc gia; mời chuyên gia hỗ trợ việc rà soát nội dung; đề nghị các công ty nhập khẩu văn hoá, điện ảnh không tuỳ tiện nhập ấn phẩm về rồi "phó thác trách nhiệm cho cơ quan thẩm định".

Về loạt ôtô nhập khẩu có phần mềm định vị chứa bản đồ "đường lưỡi bò", ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nói "đây là sự việc rất nghiêm trọng, vi phạm các quy định về chủ quyền, lãnh thổ".

Ông cho biết, ngay khi phát hiện các sự việc, Bộ Công Thương đã làm việc với doanh nghiệp, yêu cầu giải trình. Theo đó, Công ty Công ty Kylin - GX 88 báo cáo do doanh nghiệp chỉ kiểm tra bản đồ Việt Nam, không kiểm tra bản đồ thế giới nên không phát hiện "đường lưỡi bò" trên ứng dụng.

Bộ Công thương đã yêu cầu doanh nghiệp này thu hồi tất cả ôtô đã nhập khẩu về Việt Nam để kiểm tra, khắc phục vi phạm trước ngày 30/11. "Nếu doanh nghiệp không khắc phục trước thời hạn này thì sẽ tạm dừng giấy phép kinh doanh nhâp khẩu ôtô đã cấp", ông Cao Quốc Hưng nói.

Việt Nam nghiên cứu giải pháp chặn sản phẩm có
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng. Ảnh: Viết Tuân

Ông Hưng thông tin thêm, sau sự việc Bộ này đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu rà soát việc thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm ... và báo cáo về Bộ Công Thương trước 15/11.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải yêu cầu nhà sản xuất nước ngoài cam kết không gắn phần mềm định vị, bản đồ có hình ảnh vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị tăng cường phối hợp quản lý ôtô nhập khẩu. Bộ Tài chính được đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan; Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm kiểm tra chặt chẽ các thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm trong ôtô nhập khẩu, nhất là xe từ Trung Quốc trước khi hoàn thành các thủ tục thông quan, đăng kiểm.

Liên quan tới sách giáo khoa trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ "dính" bản đồ đường lưỡi bò, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, theo các quy định hiện hành trách nhiệm chính khi để lọt sách giáo khoa có bản đồ "đường lưỡi bò" vào giáo trình giảng dạy thuộc về Hội đồng thẩm định giáo trình của trường và Hiệu trưởng.

Bộ Giáo dục Đào tạo đã có văn bản yêu cầu trường này làm rõ 3 vấn đề, trước tiên là yêu cầu dừng và thu hồi giáo trình có bản đồ đường lưỡi bò. Cùng với đó rà soát toàn bộ giáo trình đang lưu hành và khẩn trương làm rõ vi phạm liên quan và xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện sai phạm.

Ngày 20/10, loạt ôtô Zotye, BAIC... do Trung Quốc sản xuất, xuất khẩu sang Việt Nam được cài phần mềm bản đồ có "đường lưỡi bò" nhưng không sử dụng được. Sau đó, đơn vị nhập khẩu loạt ôtô này là Công ty KyLin phải xin lỗi khách hàng và gỡ bỏ ứng dụng.

Một tuần sau, tại triển lãm ôtô Việt Nam Vietnam Motor Show, chiếc Volkswagen Touareg được phát hiện có đường lưỡi bò trong ứng dụng điều hướng.

Đầu tháng 11, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thu hồi hơn 1.000 cuốn giáo trình Đọc - Viết và Nghe sơ cấp do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) phát hành có in bản đồ "đường lưỡi bò".

"Đường lưỡi bò" hay đường chín đoạn do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".

Theo VNE

Bộ Công Thương không nương tay với hoạt động thương mại có "đường lưỡi bò"
Vụ xe ô tô có bản đồ định vị “đường lưỡi bò”: Xử phạt hành chính, tịch thu tang vật
Công an làm việc với ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN về giáo trình có "đường lưỡi bò" phi pháp
Rúng động vụ xe có đường lưỡi bò và cuộc đại hạ giá làm "nóng" làng xe Việt
Quyền Cục trưởng Cục điện ảnh mất chức sau vụ phim có "đường lưỡi bò"
Sao Việt ngày 28/10: Quyền Cục trưởng Điện ảnh mất chức sau sự cố 'đường lưỡi bò'

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc