Viện dưỡng lão không phải là nơi “nhốt” người già

07:00 | 25/06/2014

3,437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là đi ngược lại với truyền thống và làm thay đổi quan niệm về giá trị gia đình với hình mẫu “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường” tốt đẹp từ bao đời nay. Nhưng trước những nhu cầu và thực tế của xã hội mới, quan niệm này có cần phải thay đổi…?

Chốn nương thân mới

Đến với Trung tâm Nuôi dưỡng người cao tuổi Thiên Đức (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) vào một buổi chiều hè, trước mắt chúng tôi là cảnh các cụ ông đang đánh cờ rất rôm rả, còn các cụ bà tụm lại trò chuyện với nhau, cụ đọc báo, cụ kể chuyện gia đình, có cụ đang tiếp người thân đến chơi... Ở một khu khác, các cụ bị bệnh nặng, không đi lại được đã có các điều dưỡng viên đẩy xe lăn đi dạo xung quanh khuôn viên, cụ thì đang trong phòng tập phục hồi chức năng. Dù quy mô không quá lớn, với 6.000m2 nhưng trung tâm cũng đã xây dựng 26 phòng ở, 3 phòng chăm sóc tích cực và 1 phòng phục hồi chức năng, đảm bảo cho hơn 200 cụ đang sinh hoạt, dưỡng bệnh ở đây. Vì nằm tách biệt với khu dân cư và có khuôn viên khá rộng nên không gian ở Thiên Đức khá yên tĩnh, phù hợp với nhu cầu tĩnh tại của người cao tuổi.

Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Thiên Đức, đây là hoạt động thường ngày. Sáng sáng các cụ đều dậy rất sớm đi thể dục, tắm rửa, ăn sáng… Sau đó, mỗi người sẽ có một chương trình riêng hoặc tham gia các hoạt động tập thể mà trung tâm tổ chức. Những cụ đau yếu thì phải tuân thủ theo những quy định điều trị mà trung tâm đề ra. Hiện tại ở Thiên Đức cụ có bệnh chiếm phần lớn nên đều được phân nhóm để tiện theo dõi. Đó là nhóm minh mẫn khỏe mạnh; nhóm rối loạn tinh thần tuổi già nhưng thể trạng khỏe mạnh; nhóm rối loạn tinh thần thể trạng không khỏe mạnh và nhóm người phải chăm sóc 24/24 giờ. Việc phân nhóm người cao tuổi như vậy giúp trung tâm theo dõi sức khỏe của các cụ được dễ dàng hơn.

Người già ở Trung tâm Dưỡng lão Thiên Đức

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Từ khi thành lập đến nay đã 17 năm, trung tâm đã chăm sóc và điều trị cho hàng trăm cụ mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo... đều có phục hồi đáng mừng. Có cụ khi vào thì bị liệt nửa người nhưng sau một thời gian điều trị và dưỡng bệnh ở đây đã đi lại được và được con cháu cụ đón về nhà. Có cụ thì bệnh tình thuyên giảm nhưng lại muốn ở lại trung tâm. Ông Ngọc bày tỏ, từ khi thành lập trung tâm ông có tham vọng cởi bỏ tâm lý cho rằng, đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu đã tồn tại lâu nay. Thay vào đó là sự tin tưởng rằng, ở đây các cụ sẽ được chăm sóc một cách tốt nhất với đầy đủ các chuyên khoa điều trị bệnh.

Hiện nay nhu cầu đưa cha mẹ đến viện dưỡng lão ngày một tăng. Theo Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Phạm Thắng thì: “Ở các nước phát triển trên thế giới, việc đưa người già vào viện dưỡng lão đã quá quen thuộc và hoạt động thành hệ thống, chi phí được chi trả thông qua thẻ bảo hiểm. Việt Nam vẫn là nước nghèo, chúng ta không mong hoạt động một cách quy củ như vậy nhưng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ở loại hình này đang là tất yếu và sẽ trở nên cấp thiết trong tương lai khi mà tốc độ già hóa dân số đang tăng vọt như hiện tại”.

Nhu cầu tất yếu?

Rõ ràng, với yêu cầu xã hội mới thì những tư tưởng cố hữu rằng, chỉ có người cô đơn, không nơi nương tựa mới phải đưa vào viện dưỡng lão cần được thay đổi. Bởi thực tế cho thấy, ngay bản thân người cao tuổi, đã rất nhiều cụ dù có con cái đuề huề vẫn chọn cho mình trung tâm là chốn nghỉ dưỡng lúc tuổi già. Tâm lý ai khi về già cũng muốn được quây quần bên con cháu nhưng cuộc sống hiện đại, công việc tất bật tối ngày thì việc gặp mặt giữa các thành viên trong gia đình nhiều khi trở thành xa xỉ. Việc tự tay chăm sóc được cha mẹ lúc về già là một điều tuyệt vời, nhưng trong xã hội mà công việc đòi hỏi nhiều thời gian như hiện tại thì rất nhiều người khó có thể thực hiện trách nhiệm của mình. Vậy nên, tình trạng cha mẹ bị “lãng quên” trong chính gia đình mình là thường xuyên xảy ra. Chọn giải pháp đưa các cụ vào trung tâm để có bầu bạn, vừa có các chuyên y chăm sóc được tốt hơn… thì viện dưỡng lão đâu phải là xấu?

Điều này đã được PGS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa chỉ rõ: Đối với người già thì ai cũng muốn được con cái chăm sóc khi về già, điều đó cũng là lý tưởng, nhưng không phải ai muốn mà được. Nhiều người lên án việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là thoái thác trách nhiệm, là vào viện dưỡng lão chỉ thấy buồn tẻ và ảm đạm… điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng thử hỏi, với những trường hợp bệnh nhân bị bệnh mất trí nhớ, bại liệt, hay đau dây thần kinh… người nhà có chăm sóc được không? Trong khi đó, những điều kiện cần và đủ cho việc chữa trị bệnh cho người già ở các trung tâm tất nhiên là tốt hơn, vì họ được trang bị kiến thức và có kinh nghiệm chuyên môn để chăm sóc người cao tuổi. Trong khi đó, không phải người già nào cũng muốn được con cái chăm sóc. Dẫn chứng điều này, ông Thắng chỉ ra, trong quá trình công tác ông gặp rất nhiều trường hợp các cụ già tâm sự muốn cùng bạn bè vào viện dưỡng lão để khỏi “phiền hà” đến con cháu.

Cùng quan điểm với vấn đề này, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Nghiên cứu xã hội học cho rằng: Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế không tốt, nhà cửa chật chội, rồi bận bịu công việc mà “nhốt” các cụ trong những căn nhà cao chót vót, chả bao giờ được đặt chân xuống đường ra ngoài thì để các cụ đến viện dưỡng lão lại là một giải pháp hữu hiệu. Ở đó các cụ được sinh hoạt, vui chơi, giải trí… đầy đủ. Chúng ta nên cởi mở và có cái nhìn tích cực hơn trong việc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Việc làm này không đánh giá những người con này là bất hiếu mà nó thể hiện sự phát triển của xã hội hiện đại. Vậy nên, trong trường hợp phải đưa cha mẹ đến trung tâm thì nhiệm vụ của con cái là cần phải có những giải pháp tâm lý như thường xuyên thăm hỏi, động viên, đưa đón các cụ về thăm nhà là biện pháp tốt.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, các trung tâm dưỡng lão đúng nghĩa ở nước ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại chỉ dừng ở quy mô là nhà “già”, trông giữ người già, bệnh tật, đau yếu, không nơi nương tựa… do vậy mới còn nhiều người e ngại khi để cha mẹ đến nơi này. Cộng với sự thực trước mắt là, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số quá nhanh. Theo thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) thì tỷ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta chiếm 10% dân số, tương đương với 9 triệu người cao tuổi. Đây được xem là thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó có công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người già. Trước tình hình trở nên cấp bách như hiện tại thì ngoài việc cần có những chính sách quan tâm hơn nữa đến người già thì nên coi viện dưỡng lão là một phần tất yếu của cuộc sống.

Trên thế giới, mô hình viện dưỡng lão đã rất phát triển và được quan tâm đầu tư, nhưng ở Việt Nam, tâm lý cố hữu về viện dưỡng lão vẫn còn nhiều hạn chế nên mô hình này vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Hiện đa phần người Việt gửi người già vào các trung tâm dưỡng lão vì các cụ mắc bệnh nặng khiến gia đình khó chăm sóc, khó quản lý… là chủ yếu, còn đúng nghĩa an dưỡng thì chưa nhiều.

Trong khi đó, Thống kê của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc thì hiện tại cả nước có khoảng hơn 800 nghìn người già có nhu cầu được chăm sóc, nhưng số nhà dưỡng lão lại chưa cung ứng kịp (hiện mỗi tỉnh thành chỉ có 1-3 trung tâm). Vì vậy, trước thực trạng già hóa dân số ngày một tăng nhanh như hiện nay thì việc xây dựng cơ sở an sinh xã hội nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao cho đối tượng này thực sự đang là một điều cấp thiết.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc