Tình yêu nơi dưỡng lão

16:58 | 08/04/2021

476 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong suy nghĩ của nhiều người, dưỡng lão là chốn dừng chân cuối đời, nơi điều trị bệnh tật của người già có phần tẻ nhạt. Song, không phải vậy, ở đây hiện hữu rất nhiều câu chuyện tình đẹp như mơ, nhiều cụ khi vào thì tình yêu lại được hồi sinh như thuở "chập chững yêu".

60 năm cuộc tình

Điển hình của những mối tình đẹp phải kể đến câu chuyện của 2 cụ Ngọc Thọ và Dục Tú. Hai cụ tính đến nay đã 61 năm hạnh phúc và chọn viện dưỡng lão làm điểm dừng chân những năm tháng cuối đời.

Chiều đầu hè tháng 4 mà vẫn còn lất phất những hạt mưa như muốn níu giữ lại chút se lạnh của mùa xuân. Trời nay lại thêm gió, càng khiến những tán lá dưới cây nhãn già trút xuống nhiều hơn trên sân viện dưỡng lão ở Đông Ngạc. Để đảm bảo sức khỏe, ông Thọ vội kéo kín tấm khăn choàng cho bà Tú, rồi bảo: "Về đi em". Hai mái đầu bạc chậm dãi khuất dần sau những dãy phòng.

Nơi ở của ông bà là một căn phòng riêng rộng khoảng 30m2 đầy đủ tiện nghi cơ bản. Hằng ngày, nhân viên của viện lo ăn uống, dọn dẹp, cũng như chăm sóc sức khỏe cho hai người. "Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn của lịch sử cũng như những thăng trầm cá nhân. May mắn là giờ này vẫn được cùng nhau bình yên trải qua những ngày tháng cuối của cuộc đời", cụ ông Nguyễn Ngọc Thọ, 90 tuổi, chia sẻ.

Hai cụ kỷ niệm 60 năm ngày cưới
Hai cụ kỷ niệm 60 năm ngày cưới

Ông Thọ, trước đây là Tổng biên tập đầu tiên của báo Đại biểu Nhân dân, giảng viên Đại học Đông Đô, tâm sự điều tự hào nhất hiện nay là cả hai vợ chồng vẫn còn minh mẫn và tự chăm sóc được bản thân.

Sáu mươi lăm năm trước, ông Thọ là thầy giáo trường cấp 3 Việt Đức phải lòng cô giáo trẻ Đinh Thị Dục Tú ngay phút đầu gặp mặt. Để chinh phục "nàng", chàng trai trổ tài vẽ tranh và chơi nhạc bằng kèn harmonica. Song, điều khiến cô gái Hà Nội xiêu lòng là tính tình của ông. "Ông ấy vô cùng hiền", cụ bà 86 tuổi đúc kết về chồng.

Họ cưới nhau năm 1960. Sau vài năm không có con, người vợ đã đến gặp những danh y hàng đầu, uống đủ loại thuốc, cơ thể vốn đã nhỏ bé, vì ba lần làm thủ thuật mà chỉ còn chưa đầy 40 kg. Xót vợ, người chồng không cho chữa trị nữa với tuyên bố: "Không biết có con hạnh phúc đến mức nào nhưng nhìn mình đau tôi đang mất dần hạnh phúc".

Tình yêu, sự đồng cảm của chồng và gia đình hai bên dần khiến bà Tú chấp nhận không thể sinh nở. Tuy nhiên, bà vẫn luôn dằn vặt bởi suy nghĩ "không thể ích kỷ cướp đi hạnh phúc làm cha" của chồng. Và vì yêu mà bà viết đơn ly dị. Cả năm lần đưa đơn đều bị xé vụn trong nước mắt. Lần cuối cùng, người chồng quả quyết: "Suốt đời này anh chỉ có em là vợ. Em làm thế là xúc phạm anh". Kể từ đó, họ không bao giờ đề cập đến chuyện sinh con hoặc ly hôn nữa.

Trải qua những khó khăn của chiến tranh hay thời bao cấp, cả hai ngày càng trân trọng tình yêu của mình. Có thời gian các trường phải sơ tán về nông thôn tránh chiến tranh phá hoại, đôi vợ chồng ở cách nhau 40 cây số. Chẳng có cuối tuần nào họ không đạp xe đến thăm nhau. Mỗi lần chào từ biệt, người này dúi vào tay người kia lá thư, dặn khi về tới nơi mới được mở.

Nhiều đêm cuối tuần, thầy giáo Thọ đèo vợ trên chiếc xe đạp cọc cạch, vượt qua những con đường đất tối om về căn phòng trọ nhỏ ở phố Hàng Cân. Họ trân trọng những lúc cùng nhau đi ăn phở "không người lái" hay một quả chuối bẻ đôi. "Vì gặp nhau trong gian khổ mà tình thương càng quyện chặt với tình yêu", ông Thọ kể.

Năm 1972, thầy giáo Nguyễn Ngọc Thọ chuyển sang làm phóng viên của Đài tiếng nói Việt Nam và tham gia đoàn nhà văn, nhà báo vào chiến trường Quảng Trị. Vào đến thành cổ, ông bị chảy máu dạ dày, phải cấp cứu dưới hầm địa đạo. Tác nghiệp xong quay ra thì địch ném bom ác liệt, xe ông bị trúng bom ở bến phà Xuân Sơn suýt chết.

"Sau hai tháng tôi gặp lại được chồng trong bệnh viện. Ông ấy gầy, đen, râu ria tua tủa. Tôi xót xa xen lẫn niềm vui, bởi sống sót trở về đã hạnh phúc rồi", bà Tú rơm rớm kể.

Thời trẻ, tình yêu của họ không thể tách rời, nhưng giai đoạn nghỉ hưu tình cảm của cặp vợ chồng mới thực sự thăng hoa nhất. Từ lúc xác định không có con cái, ông bà lên kế hoạch tìm niềm vui theo cách khác. Ông chăm chỉ làm thêm, dịch sách và dạy học tới khi nghỉ hưu đầu những năm 90 đã có một số tiền tích lũy khá lớn.

Họ thực hiện ước mơ đi du lịch thế giới cùng nhau. Chuyến đi để lại ấn tượng sâu đậm nhất với cả hai là tới Ấn Độ và Nam Phi. "Chúng tôi ngồi trên thuyền đi trên sông Nile. Một bên là khung cảnh hoang sơ, hàng quán và người bán hàng ăn mặc theo kiểu cổ đại, một bên là các khách sạn hiện đại, nước sông trong vắt nhìn thấy đáy", bà Tú kể về chuyến đi năm 1992. Trong hai thập kỷ, cặp vợ chồng già đã đi qua ba châu lục, tới thăm 15 quốc gia. Đôi chân của họ chỉ dừng lại cách đây 5 năm khi sức khỏe không cho phép.

Một niềm vui khác lúc nghỉ hưu của họ là khiêu vũ. Khắp các sàn nhảy ở Hà Nội, mỗi lúc nhạc cất lên, cụ ông hóa thành người nam lịch thiệp, cụ bà thành người nữ đoan trang. Qua mỗi bước nhảy, họ tìm thấy sức khỏe, sự dẻo dai và cả thanh xuân.

Cụ Thọ và cụ Tú khiêu vũ trong Viện dưỡng lão
Cụ Thọ và cụ Tú khiêu vũ trong Viện dưỡng lão

Vào viện dưỡng lão đã nằm trong kế hoạch của vợ chồng ông Thọ từ khi xác định không có con. Bốn tháng trước họ làm tiệc từ biệt bạn bè và người thân. Cuộc chia tay không hụt hẫng hay nỗi buồn man mác mà là niềm vui về một thứ hạnh phúc viên mãn.

Đúc kết lại cuộc hôn nhân 61 năm, cặp vợ chồng già cho biết vợ chồng sống với nhau sẽ không thể tránh được lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt nhưng tuyệt nhiên họ không bao giờ to tiếng hay để lại ấn tượng xấu trong lòng người kia. "Là người đàn ông không có quyền làm đau khổ phụ nữ, nhất là khi người phụ nữ ấy là vợ mình", ông Thọ âu yếm nhìn vợ nói.

Trong căn phòng nhỏ ở viện dưỡng lão, hai ông bà mỗi người có một vali riêng, cất thứ họ quý trọng nhất. Chiếc vali của ông Thọ có một cuốn vở tự đóng, phác họa lại những bức ảnh của họ đã chụp sáu thập kỷ qua. Chiếc ở đầu giường bà Tú là một tập thư dầy cộp, được bọc cẩn thận trong tấm lụa và vài lớp túi nilon. Đây là những lá thư mà chồng gửi cho bà trong những khoảng thời gian họ phải xa nhau.

"Tương lai của chúng tôi giờ đặt trọn vào viện dưỡng lão này. Hàng ngày tìm niềm vui ở chính mình và góp phần vào làm vui cho tập thể các cụ ở đây", cặp vợ chồng già nói.

"Đánh ghen" rồi... đính hôn

Mối tình của ông Nguyễn Văn Tuyên (SN 1933, Tây Hồ, Hà Nội) và bà Võ Thị Thanh Xuân (SN 1942, TP HCM) cũng thật hấp dẫn.

Bà Xuân là giáo viên cấp 3 nghỉ hưu, chồng bà mất đã 9 năm nay, tuổi già cô đơn, con cái ở xa nên bà vào viện dưỡng lão… Khi vào đây, ông Tuyên và bà Xuân kết duyên. Lúc mới yêu, ông bà còn ngại ngần chưa dám công khai. Mọi tín hiệu tình yêu đều được họ bí mật trao cho nhau, khi thì nhường miếng thịt, lúc chia sẻ cốc sữa bột…

Một cán bộ phụ trách viện dưỡng lão, cho biết: “Không ít lần mọi người được phen cười vỡ bụng vì ông đã nổi cơn ghen khi cụ ông khác quan tâm bà Xuân”.

Tình yêu nơi dưỡng lão
Cụ Tuyên khoe chiếc nhẫn cơới

Bà Xuân tuy trên 70 tuổi nhưng còn minh mẫn, khỏe mạnh, ăn nói có duyên, khéo léo nên được nhiều cụ ông trong viện “thương mến”. Chuyện là trong viện có một cụ ông để ý bà Xuân, cứ đến bữa cơm là cụ ông này ra chỗ bà Xuân ngồi ăn cùng. Bữa đó, ông thấy cụ ông kia gắp đồ ăn cho bà. Ông thấy “ấm ức”, ông đòi đuổi cụ ông kia ra chỗ khác ngồi. Bà Xuân thấy vậy, đành kê ghế ra chỗ khác ngồi tránh “chiến sự” nổ ra.

Vài lần vẫn thấy cụ ông kia quanh quẩn, hỏi han bà Xuân, ông tỏ thái độ và lên thẳng phòng giám đốc trung tâm nói rõ sự tình. Từ hôm ấy, ông và bà Xuân công khai chuyện tình cảm để cụ ông kia biết đường “rút lui”.

Chị Loan cho biết thêm, tình cảm của hai ông bà rất thắm thiết, còn hơn cả lớp trẻ. Mỗi sáng, ông bà đưa nhau đi tập thể dục, tưới cây. Bà chu đáo chuẩn bị cho ông một bình trà mạn, còn ông ân cần mang cho bà chiếc bánh nhỏ lót dạ.

Nhiều hôm, ông bà rủ nhau ra ghế đá ngồi ngắm bình minh trong khung cảnh bình yên, lãng mạn. Yêu nhau được 1 tháng, ông đưa bà Xuân về nhà làm 6 mâm cỗ ra mắt gia đình, họ hàng. Con cái ông bà khi biết chuyện đều ủng hộ và mừng cho hạnh phúc của bố mẹ.

Lần bà Xuân đi du lịch, một mình ông ở viện buồn bã, bỏ cơm. Nhân viên trung tâm phải nhờ bà Xuân gọi cho ông “khẩn cấp” để động viên. Trước khi con gái đón bà đi chơi, ông đã tạo sự bất ngờ cho bà. Ông hẹn bà lên phố chơi. Đúng giờ hẹn, xe đón hai ông bà đến thẳng một tiệm kim hoàn.

Do ông sắp đặt trước nên khi thấy ông bà đến nhân viên cửa hàng mang ra đôi nhẫn cưới. Trong sự xúc động nghẹn ngào, ông lồng vào tay bà chiếc nhẫn và cầu hôn bà. Mọi người thấy ai nấy đều xúc động và ngưỡng mộ 2 cụ.

Tình yêu cuối đời

Cũng ở dưỡng lão này, một câu chuyện tình yêu rất đẹp từng được phát sóng trong chương trình “Điều ước thứ 7” của Đài THVN. Đó là tình bạn tri kỷ của cụ Bùi Thế Năng và cụ Nguyễn Thị Liệu. Khi chúng tôi đặt bút viết câu chuyện này thì cụ Năng đã không còn. Mỗi lần nhắc lại câu chuyện cụ Liệu không khỏi xúc động. “Ông ấy ngày trước hay tâm sự với tôi về mối nhân duyên này là do ông trời sắp đặt. Tôi xuất hiện bên ông giống như tia sáng mặt trời, giúp tâm hồn ông sống lại”, cụ Liệu bồi hồi nhớ lại.

Tình yêu nơi dưỡng lão
Cụ Nguyễn Thị Liệu và cụ Bùi Thế Năng đã có nhưng ngày thật hạnh phúc trong dưỡng lão

Do tuổi cao sức yếu, con cái lại ở xa, cụ Năng và cụ Liệu muốn vào viện dưỡng lão để người thân yên tâm công tác. Ban đầu vào viện, cả hai đều thấy cô đơn, trống trải vì xa nhà, chưa hòa nhập với môi trường mới. Bà ở được hơn một năm thì chuyển sang nước ngoài sống với con, song không quen với cuộc sống sinh hoạt nên lại về Việt Nam. Ông Năng mắc bệnh tuổi già bị liệt nửa người.

Vì thương và không muốn con gái vất vả nên ông chủ động đề nghị vào viện dưỡng lão. Ông Năng và bà Liệu gặp nhau, cùng bầu bạn, trò chuyện đến tâm đầu ý hợp lúc nào không hay. Họ chăm sóc nhau từng bữa ăn giấc ngủ, bằng những câu hỏi thăm, quan tâm hàng ngày. Câu chuyện của hai ông bà càng trở nên ý nghĩa hơn, khi ê-kíp chương trình Điều ước thứ 7 mời họ tham gia chương trình như tiếp thêm niềm vui, hy vọng và ước mơ chân thành cho các cụ ông, cụ bà còn đang đơn độc.

Như nối tiếp mạch những câu chuyện tình đẹp, dưới cơn mưa đang dần nặng hạt, chúng tôi có dịp gặp cụ Nguyễn Hồng Tình (89 tuổi) vừa đi xe ôm từ Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) đến thăm vợ mình là cụ Đàm Thị Lưu (79 tuổi). Anh Quân người chạy xe ôm chở cụ Tình cho biết: “Ông cụ còn khỏe và minh mẫn, tuần nào cũng gọi tôi chở vào đây vài ba lần vì cụ bà tủi thân. Ông bà sống tình cảm lắm”, anh Quân nói.

Cụ Lưu vào thăm vợ
Cụ Lưu đều đặn hàng tuần vào thăm vợ

Cụ Tình là người con đất Quảng Trị, một người lính từng vào sinh ra tử tham gia nhiều trận đánh ác liệt trên khắp chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sau năm 1954, cụ về Hà Nội công tác tại Bộ Quốc Phòng rồi trong một lần đi dạo trên khu vực bờ Hồ tình cờ quen cụ Lưu, lúc đó đang là công nhân tại Nhà máy điện Yên Phụ, “sét đánh” ngay từ lần gặp đầu tiên. “Bà ấy là con gái Hà Nội, nhìn hiền và đẹp lắm. Yêu nhau được 10 năm, khoảng đầu năm 1964 chúng tôi làm đám cưới rồi sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). Thế mà thấm thoắt nay đã lên chức cụ của 7 đứa chắt”, cụ Tình chia sẻ.

Cụ Lưu bị liệt từ 2003, trong đó có 7 năm chăm sóc tại nhà. Do tình hình sức khỏe, cụ Tình và các con quyết định đưa cụ Lưu vào dưỡng lão, tính đến nay cụ Lưu được chăm sóc ở trung tâm cũng gần 10 năm.

"Vào đây tôi cũng yên tâm hơn trước, chỉ mỗi không thường xuyên được bên cạnh nên cứ rảnh tôi lại bắt xe ôm vào với bà. Hôm nào mà tôi không đi thăm thì nóng ruột lắm, bà Lưu lại sống tình cảm và hay tủi thân. Trước có tuần tôi không vào các con về kể lại bà khóc vì nhớ, nhiều lần chân tôi đau nhưng cũng cố vào bằng được. Tôi và bà cũng đã đi gần hết cuộc đời rồi, còn ngày nào bên nhau là hạnh phúc ngày đấy”, nói rồi cụ Tình nắm chặt tay cụ Lưu với đôi mắt ngấn lệ.

Minh Châu- Phan Dương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan