Vì sao Việt Nam là nước hoàn toàn không có xung đột?

07:00 | 12/06/2016

5,883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mức độ an ninh trên thế giới giảm, chỉ có 10 quốc gia (trong đó có Việt Nam) được xem là hoàn toàn không có xung đột, theo Bảng xếp hạng hòa bình toàn cầu (Global Peace Index) năm 2016. Vì sao?
chuyen gia nga vi sao viet nam rat yen binh on dinh
Một góc nhỏ của đất nước Việt Nam yên bình và thơ mộng

Chiến tranh ở Trung Đông, vấn đề người tị nạn khó kiểm soát, số nạn nhân của hoạt động khủng bố gia tăng… chính là những nguyên nhân gây suy giảm mức độ an ninh trên thế giới.

Các chuyên gia của Viện Kinh tế và Hòa bình đã lập chỉ số an ninh toàn cầu trong vòng 10 năm qua, và theo số liệu của họ, hiện nay chỉ có 10 quốc gia hoàn toàn không có xung đột trong nước đồng thời không tham gia các cuộc xung đột ở nước ngoài, cả bên trong và bên ngoài, bao gồm (xếp theo thứ tự alphabet): Botswana, Chile, Costa Rica, Mauritius, Nhật Bản, Panama, Qatar, Thụy Sĩ, Uruguay và Việt Nam.

Có khoảng 80 quốc gia đã trở nên yên bình hơn so với năm ngoái, trong khi ngược lại, ở 79 nước khác, tình hình đã xấu đi.

Năm nay, trong khi gần 40 nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia tăng bất ổn chính trị thì lại có 10 nước được xem là hoàn toàn ổn định, trong đó có Việt Nam.

Giáo sư Việt Nam học nổi tiếng, Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov đã bình luận trên Đài Sputnik của Nga về việc Việt Nam xếp vị trí danh dự trong bảng xếp hạng Global Peace Index. Ông cho biết:

"Trong những năm gần đây, trong bối cảnh sự tiềm ẩn xung đột luôn tồn tại, nhà nước Việt Nam đã đạt được hiệu quả rất cao trong việc xử lý những tình huống có thể gây ra xung đột, giải quyết rất tốt vấn đề này.

Trước hết, cần lưu ý rằng trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại nhiều nhóm tôn giáo khác nhau. Trong lịch sử gần bốn thế kỷ qua, nhiều cuộc xung đột giữa người Công giáo và Phật giáo đã được ghi nhận. Ở giai đoạn đầu tiên, là do các nhà truyền giáo đạo Kitô muốn cạnh tranh ảnh hưởng, sau đó Pháp và các cơ quan tình báo Mỹ cũng đặt nặng vấn đề này. Ở Việt Nam còn có cả các tín đồ đạo Cao Đài và Hòa Hảo, mặc dù các nhóm vũ trang của họ đã giải giáp vũ khí sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng hoàn toàn.

Ở Việt Nam cũng có cả những tín đồ theo đạo Islam, dù cộng đồng Hồi giáo khá nhỏ, ví dụ, tín đồ đạo Hồi người Chăm. Trong những năm gần đây, đạo Tin lành đã hướng các hoạt động truyền giáo đến vùng các dân tộc thiểu số. Đã có những âm mưu gây sự va chạm giữa người thiểu số với người Kinh. Ngoài ra còn có các dự án địa chính trị được tạo ra ở nước ngoài nhưng có liên quan đến Việt Nam. Ví dụ, các thế lực phản động ở Campuchia đã lên kế hoạch yêu cầu quốc tế công nhận phần đất đồng bằng sông Cửu Long là của Campuchia. Có cả dự án lập ra cái gọi là "Tin lành ĐêGa" ở miền núi, tạo một điểm nóng ly khai kiểu Kosovo ở Đông Nam Á, bằng cách tách ra 14 tỉnh miền núi của Việt Nam và một số tỉnh của Campuchia và Lào.

Như vậy là ở Việt Nam từng tồn tại một số nguy cơ tiềm ẩn cho các cuộc xung đột, nhưng chính quyền cố gắng ngăn chặn các tình huống như vậy và đã giải quyết ổn thỏa các vấn đề có thể gây xung đột thông qua các biện pháp đàm phán, các quy định pháp lý, một cách hòa bình, êm đẹp . Hoạt động của các cơ quan chính quyền Việt Nam về quản lý xung đột để ngăn chặn các thế lực bên ngoài làm trầm trọng thêm tình hình là rất hữu ích và đáng học tập trong thời đại chúng ta. Bởi vì hiện nay trên thực tế, chúng ta chứng kiến không ít trường hợp khi tại một khu vực bình yên và ổn định đột nhiên bùng nổ những cuộc đụng độ, thậm chí xung đột đẫm máu, ví dụ như ở Ukraina. Hiệu quả quản lý nhà nước ở Ukraina rất thấp, do thiếu hiểu biết về thực trạng tình hình. Đây là nguyên nhân chính gây ra các cuộc xung đột, dẫn đến cuộc đảo chính và trên thực tế đã gây ra cuộc nội chiến.

Nói về Việt Nam, đất nước này xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Hoạt động của các cơ quan chính quyền đảm bảo không có xung đột đã tạo ra các điều kiện cơ bản cho sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài".

Trên đây tuy chỉ là một ý kiến cá nhân, nhưng đã thể hiện tinh thần khách quan, trung thực và trân trọng của một chuyên gia chính trị học khi nhận xét, đánh giá về tình hình hòa bình, ổn định tại Việt Nam.

Thiện Tâm

RIA Novosti