Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bị cả thế giới tẩy chay?

16:30 | 25/02/2016

8,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đồng minh đâu sau lưng, láng giềng xua đuổi, kẻ thù ngày càng nhiều, nội bộ đất nước lục đục... Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang bị cô lập trên thế giới. Tất cả là vì đâu?

NATO sẽ “đuổi cổ” Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh?

Ngày 24/2, tờ Huffington Post (Mỹ) có bài viết kêu gọi các nước NATO xem xét lại tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi dẫn ra nhiều bằng chứng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã rời xa các đồng minh NATO tới mức cho phép mình hỗ trợ những kẻ khủng bố IS chống lại phương Tây.

Tờ báo Mỹ kêu gọi các nước NATO phải can đảm quyết định liệu họ có còn cần tới một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan.

Theo Huffington Post, kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền hồi năm 2003, chính quyền Ankara đã có những thay đổi quan điểm nhanh chóng theo hướng độc tài và bảo thủ, dần đánh mất bạn bè và tham gia vào những tình huống đối đầu không đáng có.

Tờ báo này cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang “tiếp tay” cho tổ chức IS khi để cho những tay súng của nhóm này tự do đi lại qua khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Syria và bỏ mặc cho tình trạng buôn bán dầu lậu với IS diễn ra.

Những hỗ trợ mà Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho lực lượng đối lập ở Syria cũng không được kiểm soát khi có thông tin Ankara hỗ trợ cho cả những nhóm Hồi giáo cực đoan.

Với những gì đã và đang diễn ra, tờ Huffington Post cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra những mối nguy cho NATO và phản bội lợi ích của tổ chức này. Chính vì thế, dù trong suốt 67 năm tồn tại, NATO không có cơ chế chính thức loại trừ quốc gia thành viên nhưng NATO không được phép nhân nhượng với Ankara nếu họ đi quá đà.

Bài viết trên Huffington Post cho rằng: “NATO nên chính thức loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tổ chức này trước khi sự hung hăng và hiếu chiến của Ankara có thể kéo các bên liên quan vào một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”.

tin nhap 20160225162701
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Mỹ đâm sau lưng Thổ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ không kích lực lượng người Kurd ở Syria là điều Mỹ không thế chấp nhận được. Với Mỹ đây là lực lượng họ dùng để diệt IS nhưng Thổ lại cho là khủng bố. Với Mỹ, chính quyền Ankara nên cùng chung tay với các đồng minh tiêu diệt IS trước thay vì chỉ nhằm vào mục tiêu trả thù quốc gia. Như vậy là ích kỷ.

Chính vì quan điểm khác như vậy mà trong thời gian gần đây, đường ai nấy đi. Thổ vẫn cứ không kích lực lượng người Kurd ở Syria, còn Mỹ thì vẫn cứ không kích IS và ngầm tuồn vũ khí cho người Kurd.

Mới đây hôm 24/2, một đoạn video còn cho thấy dân quân người Kurd ở Syria đã sử dụng tên lửa vác vai Javelin của Mỹ để tiêu diệt IS.

Chưa kể trong khi Ankara ném bom người Kurd thì Mỹ cử đặc sứ tới Syria để thăm hỏi những người bị Thổ ném bom.

Nga ngày càng cứng rắn với Thổ

Ngày 25/2, Vladimir Kozhin, Trợ lý tổng thống Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật cho biết Nga đã ngừng hoạt động hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông này lưu ý rằng, tất cả các hợp đồng và đàm phán cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình chỉ. "Chúng sẽ không được nối lại cho tới khi tình hình thay đổi theo góc độ như Tổng thống Nga đã nêu lên"-ông Kozhin khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Interfax.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng, ông lấy làm tiếc vì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bị hư hại bởi ông đã đóng góp nhiều nỗ lực xây dựng mối quan hệ này.

Thổ bị láng giềng tố cáo

Ngày 25/2, đại diện Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed Jamal tuyên bố cuộc xâm nhập của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vào Iraq là “vô liêm sỉ”, là nỗ lực đánh lạc hướng nhân dân Iraq khỏi cuộc chiến chống IS.

Hồi tháng 12/2015, quan hệ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi khi xe quân sự bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào huyện Bashiqah thuộc tỉnh Nineveh của Iraq dưới nguyên cớ đào tạo các nhóm dân quân chiến đấu chống khủng bố. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Iraq gọi sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là "hành động thù địch" không được chính quyền địa phương cho phép và cáo buộc đó là sự vi phạm chủ quyền.

"Thành thật mà nói, đó là sự vô liêm sỉ, không thể giải thích bằng cách khác. Iraq không chấp nhận việc không coi Iraq là một quốc gia có chủ quyền, một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Đất nước chúng tôi có thể tự bảo vệ chính mình, vì vậy nỗ lực đánh lạc hướng người dân Iraq khỏi cuộc chiến chống IS có vẻ lạ quá"-nguồn tin cho biết.

Ông nói thêm rằng vấn đề rút lui của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được quyết định thông qua các kênh ngoại giao. "Sớm hay muộn họ sẽ phải rời khỏi đất nước”- ông Jamal cho biết.

Trước đó, chính quyền Damas cũng lên tiếng tố cáo những vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Syria. Nhưng Ankara cho rằng họ thậm chí còn đang xem xét đưa bộ binh vào Syria. Tổng thống Thổ tuần trước tuyên bố, không ai có quyền hạn chế hoặc ngăn cản quân đội Thổ đánh khủng bố, dù chúng ở bất cứ nơi đâu...

Nội bộ Thổ bắt đầu lục đục

Chính sách hung hăng của chính quyền Ankara hiện này đã khiến không ít người trong giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn.

Ismail Hakki Pekin, cựu cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra điều này trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik của Nga ngày 25/2. Ông Pekin nhấn mạnh việc Ankara hành động xuất phát từ mưu đồ lật đổ ông Assad và muốn đưa một chính phủ người Sunni lên nắm quyền ở Syria. Bề ngoài, có cảm giác trong lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ không có ý kiến trái với kế hoạch của chính phủ, nhưng thực tế không hẳn như vậy: "Tất nhiên là có những ý kiến phê phán. Bởi có người nhận thức được rằng, việc lật đổ ông Assad sẽ không thể giải quyết trọn vấn đề. Ngược lại, bước làm này có nguy cơ trở thành nguyên nhân gây sự mất ổn định nghiêm trọng và lâu dài trong khu vực. Trong thực tế, chính sự củng cố của giới lãnh đạo ở Damas, sự củng cố vị trí của họ trên khắp đất nước, thiết lập sự kiểm soát hiệu quả và an ninh tại biên giới là điều phù hợp với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính làm như vậy mới giúp Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo tình hình trật tự trị an. Tôi tin rằng, ban chỉ huy các lực lượng vũ trang sẽ đưa lên Chính phủ những đề xuất phù hợp. Nhiều quân nhân hiểu, thay vì nhảy vào một cuộc chiến tranh vô ích, tốn kém và kéo dài, tốt hơn hết nên để chế độ ở Syria củng cố và đẩy các hoạt động quân sự ra xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ".

Cựu lãnh đạo Cục Tình báo nhấn mạnh rằng, xâm nhập vào lãnh thổ Syria là việc làm cực kỳ nguy hiểm cho chính Thổ Nhĩ Kỳ: "Bất cứ hành động tiến sâu vào lãnh thổ Syria đều có thể dẫn tới cuộc đụng độ với Nga. Ngay cả một hoạt động mặt đất quy mô nhỏ cũng sẽ dẫn Thổ Nhĩ Kỳ vào ngõ cụt theo hướng Syria. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy các hoạt động như vậy được chuẩn bị. Ví dụ, tăng cường biện pháp an ninh trong nước, điều chỉnh nguyên tắc ứng phó các mối đe dọa bên ngoài. Tôi nghĩ rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quả quyết thực hiện bước làm này và xâm phạm lãnh thổ của Syria, hậu quả sẽ là không thể đảo ngược" – ông Ismail Hakki Pekin kết luận.

Vì sao Thổ ra nông nỗi này?

Tất cả những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh chịu hiện nay bắt nguồn từ chính sách hiếu chiến của tổng thống nước này.

Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2015, đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đánh mất đa số và thất bại trong việc tìm đối tác để thành lập chính phủ. Để giành là quyền kiểm soát đất nước thông qua cuộc cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức vào ngày 1/11/2015, Tổng thống Erdogan hy vọng AKP đã tuyên bố tấn công lực lượng PKK. Đồng thời ông Erdogan cũng quay sang tham gia chiến dịch chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Ngay từ đầu, các chuyên gia đã cảnh báo rằng những tính toán của Chính quyền Ankara sẽ phải trả giá. Quả đúng là ông Erdogan đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11/2015 nhưng cái giá mà nước Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trả là quá đắt. Các cuộc tấn công IS, PKK ở Iraq và lực lượng người Kurd ở Syria đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ phải hứng chịu nhiều cuộc trả thù của những lực lượng trên, điển hình là vụ khủng bố làm chết 28 người ở Ankara tuần trước.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, CNN