Vì sao ông Putin muốn cứu Tổng thống Belarus Loukachenko?

13:00 | 03/10/2020

551 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus đã vượt qua thời kỳ cao trào nhất, hay nói chính xác hơn là Tổng thống Alexandre Loukachenko đã “gần như thoát nạn”. Mặc dù ông Loukachenko có ý muốn xa rời Nga, đôi lúc có những phát biểu mang tính bài xích Moscow nhưng trong lúc hoạn nạn nhất, chính Tổng thống V.Putin lại là người đứng ra che chắn cho ông Loukachenko trước những công kích từ phương Tây.
3309-merlin-150724230-97f5c701-33a8-4316-a49d-717407fd3f7c-superjumbo
Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Sotchi, ngày 14/9

Bất chấp sự phản đối của một bộ phận dân chúng về kết quả bầu cử bị cáo buộc là “gian lận”, ngày 23/9, ông Alexandre Loukachenko vẫn tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Lễ nhậm chức tổng thống lần thứ sáu của ông Loukachenko diễn ra một cách kín đáo. Hãng tin Nhà nước Belarus, Belta, chỉ đưa ra thông tin về việc này sau khi lễ nhậm chức diễn ra. Trong bài diễn văn nhậm chức, trước cử tọa là một nhóm quan chức cao cấp, ông Loukachenko tuyên bố Belarus đã “thành công trong việc chống lại một cuộc cách mạng màu”, “bảo vệ được nền hòa bình, chủ quyền và độc lập quốc gia”. Truyền thông Nhà nước Belarus cũng truyền đi hình ảnh tân tổng thống, trong bộ quân phục, nói với chuyện với các quân nhân, sau buổi lễ nhậm chức. Theo nhiều phương tiện truyền thông độc lập và nhiều nhà đối lập Belarus, việc ông Loukachenko tổ chức một lễ nhậm chức tổng thống “một cách bí mật” như vậy là để tránh gây ra một làn sóng phản kháng dữ dội mới.

Trong khi đó, trên đường phố Belarus, làn sóng biểu tình đã hạ nhiệt. Các cuộc xuống đường của những người biểu tình, bị cho là ăn tiền từ phương Tây, chỉ còn diễn ra vào chủ nhật hàng tuần và số lượng giảm dần. Một số nhà chính trị đối lập phải lưu vong. Chưa hết, dường như đang xuất hiện rạn nứt trong phe đối lập tại Belarus. Nhà đối lập đang lưu vong Svetlana Tikhanovskaia, đã công khai chỉ trích chiến lược của một nhóm đối lập mà bà đã liên minh trong khi ra tranh cử. Nhóm đối lập của bà Maria Kolesnikova đã thành lập một đảng mới có tên gọi đảng “Cùng nhau”.

Hiện giờ sức ép lớn nhất với Tổng thống Loukachenko đến từ các nước EU và Mỹ. Ngay sau khi tin ông Loukachenko nhận chức được đăng tải, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo khẳng định: “Cuộc bầu cử ngày 9/8 (tại Belarus) không tự do và không công bằng. Kết quả bị thao túng, không mang lại tính hợp pháp nào”. Washington kêu gọi chính quyền Minsk tổ chức đối thoại toàn quốc, để cho phép người dân Belarus được tự do lựa chọn lãnh đạo của mình, dưới sự giám sát quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, “việc trả tự do cho những người bị giam giữ bất công và chấm dứt đàn áp những người biểu tình ôn hòa phải là bước đi đầu tiên nhằm hướng đến một cuộc đối thoại toàn quốc thành thực”. Đi kèm với tuyên bố này, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington dự tính trừng phạt 7 quan chức Belarus dính líu vào các hành vi gian lận bầu cử tổng thống tại Belarus và bạo lực nhắm vào người biểu tình.

Về phần mình, lãnh đạo ngoại giao EU, ông Josep Borrell, tái khẳng định “cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 tại Belarus là không tự do và không công bằng. EU không thừa nhận các kết quả bị thao túng”. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU nhấn mạnh là việc ông Loukachenko tổ chức lễ nhậm chức tổng thống là “hoàn toàn đi ngược lại nguyện vọng của đông đảo người dân Belarus”. Ngày 29/9, chính phủ Anh đã thông báo các biện pháp trừng phạt, được ban hành với sự phối hợp của Canada, nhắm vào 8 lãnh đạo của Belarus, trong đó có Tổng thống Alexandre Loukachenko, do việc chính quyền Minsk đàn áp phong trào phản kháng tại nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Tại Litva, sau khi gặp nhà đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaïa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại là EU cũng đang chuẩn bị ban hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Loukachenko.

Tổng thống Pháp là lãnh đạo cao cấp nhất của phương Tây gặp gỡ lãnh đạo đối lập Belarus. Ông Macron đã yêu cầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu làm trung gian để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới tại Belarus, dưới sự giám sát của quốc tế, sau cuộc bầu cử bị phe đối lập và các nước Tây phương xem là có nhiều gian lận. Chủ trương của Pháp làm muốn làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Minsk. Ông Macron cho biết: “Mục tiêu là một sự chuyển đổi hòa bình, thả các tù nhân chính trị, và tổ chức bầu cử tự do dưới sự giám sát của quốc tế”. Trước đó, khi trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp Le Journal du Dimanche ngày 26/9, nguyên thủ Pháp tuyên bố Tổng thống Loukachenko phải từ bỏ quyền lực. Để làm được điều này, ông Macron nói rằng cần phải quan hệ với Nga. Nỗ lực đối thoại với Nga là chủ trương mà tổng thống Pháp khởi xướng cách nay một năm. Tổng thống Macron giải thích: “Nếu chúng ta muốn xây dựng hòa bình bền vững trên lục địa châu Âu, chúng ta cần phải làm việc với Nga, bởi chúng ta và nước Nga cùng chia sẻ một lịch sử chung, một môi trường địa lý chung, và đôi khi đó cũng là một lịch sử đau thương. Giờ đây, chúng ta không thể làm như thể là châu Âu là một ốc đảo xa cách với nước Nga. Quan hệ láng giềng này đòi hỏi một nỗ lực mang tính chiến lược”.

Về phản ứng của chính quyền Minsk, Ngoại trưởng BelarusVladimir Makei, trong bài phát biểu qua video gửi đến Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tố cáo các thế lực phương Tây đang tìm cách gieo rắc tình trạng “hỗn loạn và vô chính phủ” với “ý đồ gây bất ổn” cho quốc gia này. Ông Makei còn nói rằng sự can thiệp của các nước Tây phương vào công việc nội bộ của Belarus, các lệnh trừng phạt và các biện pháp hạn chế khác có thể sẽ có tác dụng ngược và gây hại cho tất cả. Trước đó, Belarus thông báo đóng cửa biên giới với hai láng giềng Ba Lan và Litva và đồng thời cũng sẽ tăng cường kiểm soát ở biên giới với Ukraine. Lãnh đạo ngành tình báo Belarus tố cáo Mỹ âm mưu khích động một cuộc cách mạng tại Belarus bằng cách tài trợ cho các blogger và huấn luyện giới hoạt động đấu tranh chống chính quyền.

Ngày 28/9, Tổng thống Nga Putin cho là Belarus hiện đang trong “tình thế khó khăn” do phải đối đầu với “một áp lực bên ngoài mạnh chưa từng có”. Lãnh đạo điện Kremlin tuyên bố Moscow luôn sẵn sàng đứng bên cạnh Minsk. Ngày 14/9, ông Loukachenko đã sang Nga và có cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Putin, tại Sotchi. Sau bốn giờ hội đàm với đồng nhiệm Belarus, nguyên thủ Nga tuyên bố “tin tưởng” ông Loukachenko có khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng, đồng thời thông báo cấp 1,5 tỷ đô la tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Belarus. Theo chủ nhân điện Kremlin, lãnh đạo Belarus cam kết sửa đổi Hiến pháp, nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị lớn chưa từng có. Theo AFP, ngoài thông báo cấp vốn vay, Nga còn đề nghị giúp tái cấu trúc nợ của chính quyền Minks và hỗ trợ hệ thống ngân hàng của nước này.

Ngày 30/9, khi điện đàm với đồng nhiệm Pháp Macron về vấn đề Belarus, Tổng thống Nga đã nói rằng mọi ý định can thiệp vào công việc của một quốc gia có chủ quyền là “không thể chấp nhận được”. Cuộc họp thượng đỉnh châu Âu ngày 24 và 25/9 đã không thể đi đến kết quả trừng phạt nặng nề giới lãnh đạo Belarus. Lý do là sự phản đối của Síp. Đảo quốc được EU hết mực bênh vực trước Thổ Nhĩ Kỳ này đã bác bỏ quyết định trừng phạt Belarus của EU, đòi hỏi trước hết phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì vấn đề khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải. Các nhà ngoại giao cho rằng do cần có sự đồng thuận của cả 27 nước thành viên trong mọi quyết định, nên những ngáng trở kiểu này làm mất đi tính khả tín của toàn khối. Ngày 1/10, EU nói sẽ cố gắng ra khỏi ngõ cụt trong vấn đề Belarus. Trước mắt EU chủ trương duy trì đối thoại với Tổng thống Loukachenko cho dù bác bỏ kết quả bầu cử tại Belarus và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền nước này.

Những nỗ lực cứu vãn tình hình chính trị Belarus của Nga dường như đã thành công. Nhưng ít ai ngờ rằng ngay trước thềm bầu cử ông Loukachenko lại thể hiện chính sách “đa phương”, xa rời Nga để thân phương Tây. Thậm chí ông còn có những phát biểu công kích Nga dữ dội. Để rồi giờ đây ông lại bị chính phương Tây đòi ông phải từ chức và để rồi Nga lại phải đứng ra can thiệp. Thật đáng buồn, nhưng cũng thật may mắn là chính những thời điểm cam go, quyết định sự sống còn của chính quyền, thể chế, ông Loukachenko đã nhận ra ai là bạn, ai là thù... Trong cuộc gặp Tổng thống Putin ngày 14/9 tại Sotchi, ông Loukacheko đã nói với Tổng thống Putin: “Khi cần thì mới nhận ra ai là bạn”, ông cám ơn sự giúp đỡ và gọi Nga là “người anh” của đất nước ông.

Khủng hoảng Belarus làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng của Châu ÂuKhủng hoảng Belarus làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng của Châu Âu
Nga rút quân khỏi biên giới với BelarusNga rút quân khỏi biên giới với Belarus
Nga cho rằng chính sách Nga cho rằng chính sách "đa dạng hóa" trong lĩnh vực năng lượng của Belarus là sai lầm
Nền kinh tế Nga và Belarus kết nối mật thiết ra sao?Nền kinh tế Nga và Belarus kết nối mật thiết ra sao?

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc