Vì sao Nga bán tên lửa S-300 cho Iran?

09:26 | 15/04/2015

2,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán tên lửa S-300 cho Iran sẽ mở đường cho việc Nga cung cấp loại vũ khí phòng không hiện đại này cho Tehran. Tổng thống Putin đã tính toán gì khi tung ra quyết định khiến cả Mỹ và Israel phải nhảy dựng lên?

Tên lửa phòng không S-300 của Nga

Ngày 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 cho Iran.

Năm 2007, Moskva đã ký một hợp đồng trị giá 800 triệu USD để cung cấp 5 dàn tên lửa S-300 cho Tehran. Tuy nhiên, Nga đã đóng băng hợp đồng này 3 năm sau đó, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.

Khi ấy Iran đã kiện Nga lên một tòa án ở Geneva đòi bồi thường 4 tỉ USD cho những thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Giải thích cho quyết định dỡ bỏ lệnh cấm, Điện Kremlin nói rằng, nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) và Iran đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu khi đang họp với ngoại trưởng 3 nước Đức, Pháp, Ukraina tại Berlin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Chúng tôi tin chắc rằng sự cần thiết của lệnh cấm vận, đặc biệt là lệnh cấm vận tự nguyện và riêng biệt, đối với Iran vào lúc này không còn tồn tại nữa. Chúng tôi muốn xác định là hệ thống tên lửa S-300 hoàn toàn có tính chất phòng vệ. Hệ thống này không được thiết kế để tấn công và sẽ không đe dọa an ninh của bất kỳ khu vực nào, dĩ nhiên kể cả Israel".

Thông báo trên của Nga lập tức gây phản ứng từ Mỹ và Israel. Ngày 14/4, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Moskva hiểu rõ sự chống đối của Chính phủ Mỹ đối với hợp đồng mua bán vũ khí đó.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng, việc chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran sẽ không vi phạm các biện pháp chế tài hiện có của Hội đồng Bảo an, nhưng Mỹ tin rằng “đây không phải là lúc” để tiến hành vụ mua bán này vì có sự rối loạn trong khu vực. Washington không nghĩ rằng một vụ chuyển giao vũ khí như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự đoàn kết của 6 cường quốc đang thương thuyết với Iran.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tình báo Israel, Yuval Steinitz, hôm 13/4 nhận định, việc Nga thu hồi lệnh cấm bán tên S-300 cho Iran là “kết quả trực tiếp” của “sự hợp pháp” mà Iran nhận được từ thoả thuận khung về hạt nhân và là một chứng cứ cho thấy Iran sẽ lợi dụng sự dỡ bỏ các biện pháp chế tài để trang bị vũ khí, thay vì để cải thiện cuộc sống của người dân nước họ.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm trên có thể là dấu hiệu cho thấy Moskva sẽ có một khởi đầu thuận lợi trong cuộc đua để giành lấy những lợi ích từ việc quốc tế rốt cuộc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Theo giới phân tích, quyết định bán tên lửa cho Iran là kế sách “một công đôi ba việc”, đầu tiên là hâm nóng quan hệ với chính quyền Tehran trong bàn cờ địa chính trị. Nga và Iran cùng bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Hai nước quyết định nâng đỡ nhau và cùng yểm trợ cho Syria, cũng đang bị trừng phạt.

Mặc khác, với quyết định thi hành hợp đồng bán S-300, Nga xóa được bất bình của Iran và thu được ít nhất 115 triệu USD, một nguồn ngoại tệ không nhỏ trong thời kinh tế khó khăn.

Ngày 14/4, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, Ali Shamkhani cho hay, nước này hy vọng Nga sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Tehran trước cuối năm nay.

Phát biểu khi đang ở thăm Nga, ông Shamkhani khẳng định, Tehran sẽ chỉ rút lại đơn kiện sau khi Nga chuyển giao S-300 cho Iran. Trong khi đó, người đồng cấp Nikolai Patrushev của Nga nói rằng, việc chuyển giao sẽ phụ thuộc vào các nhà sản xuất của Nga.

Nh.Thạch

tổng hợp