Vàng thau không thể lẫn lộn

07:00 | 22/02/2014

1,840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hằng năm, chuẩn bị cho ngày kỷ niệm thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi luôn thực hiện các chuyên đề về những người mặc áo blouse trắng. Gặp và tiếp chuyện các bác sĩ trong ngành Y, thật bất ngờ và thiếu công bằng khi không phải là những nghiên cứu khoa học, thành tựu xử lý dịch bệnh, cứu người… được quan tâm, mà lại là mặt trái của những tấm bằng khen, danh hiệu của những y, bác sĩ trong ngành.

Trong năm qua, tai tiếng nhất trong ngành Y tế là cựu Giám đốc bệnh viện Bưu Điện với việc “nhân bản vô tính” kết quả khám bệnh. Càng điều tra, người trong ngành Y càng kinh hoàng với những chiêu trò của ông giám đốc và đồng bọn này, từ copy kết quả xét nghiệm, khai khống bệnh nhân đến “báo cáo láo” để “nuốt” tiền của VNPT. Đáng buồn hơn là các quan chức mặc áo blouse này còn bị trưng ra các thành tích và danh hiệu cao nhất trong ngành như “thầy thuốc ưu tú”, “thầy thuốc nhân dân”… Từ đó, những y bác sĩ nhiều năm làm việc, nghiên cứu y khoa, cứu sống hàng triệu người Việt đã bức bối và cảm thấy xấu hổ với các danh hiệu của họ. Tệ hơn nữa là nhiều y, bác sĩ đầu ngành đang dần quay lưng lại với chuyện “thi đua”, lập “thành tích” trong ngành bởi những chuyện bi hài quanh những tấm bằng khen, những danh hiệu.

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Tráng, Giám đốc bệnh viện Bưu Điện (bên trái) đang bị xem xét trách nhiệm trong vụ nhân bản kết quả khám bệnh của người tiền nhiệm.

Hiện nay, công tác thi đua, xét danh hiệu của chúng ta nói chung và ngành Y nói riêng đang được ví như những ca “đẻ ngược”. Các nước tiến tiến, thi đua khen thưởng là những hội đồng độc lập, tự tìm, đánh giá các thành tựu khoa học, nhà khoa học để vinh danh dựa trên các tiêu chí thể hiện giá trị của các công trình nghiên cứu đối với các ngành khoa học. Trong khi đó, thi đua khen thưởng của chúng ta là những tiêu chuẩn, tiêu chí, sự bầu bán cực kỳ khắt khe được đề ra dường như để “làm khó” cho các y, bác sĩ chân chính. Ngược lại, cái hệ thống ấy đang trở thành “công cụ” cho những kẻ có dụng ý xấu, dùng để “uốn nắn” một số cá nhân “không hợp cạ”.

Đầu tiên việc là phân cấp các danh hiệu như lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp bộ, bằng khen cấp bộ, thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân… Trong đó, chưa kể đến các tiêu chí phụ như thâm niên, trình độ chuyên môn, công trình nghiên cứu khoa học, liên tiếp 3 năm chiến sĩ thi đua cấp cơ sở mới được xét chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành… Sau một năm làm việc cật lực, để một bác sĩ đạt danh hiệu thấp nhất là bằng khen của ngành thì một bác sĩ chí ít cũng phải trải qua 3 lần xét duyệt với tỷ lệ bình bầu lên đến trên 80% của 3 hội đồng thi đua từ cấp cơ sở trở lên.

Tôi đã từng nghe một bác sĩ thú thật rằng, trong hơn 20 năm làm việc tại một bệnh viện cấp trung ương ông chỉ biết 200 người trong khoảng gần 2.000 cán bộ công nhân viên của bệnh viện. Trong khi đó, khi bình bầu thi đua tại các viện chỉ có thông báo với danh sách tên tuổi, lí lịch trích ngang ngắn gọn. Vì thế nên mới có kiểu bỏ phiếu “dân chủ” theo kiểu “đón ý lãnh đạo”, “chọn đầu bỏ cuối”, “tên hay thì để, tên xấu thì gạch”… Bởi vậy, những cuộc bỏ phiếu thường chỉ mang tính hình thức sẽ ngày càng nhiều, là cách để gạn người cho đủ tiêu chuẩn được giao.

Các đơn vị y tế đều có các hội đồng, ban thi đua khen thưởng, ít nhất cũng dăm ba người, nhiều thì lên đến vài chục người. Theo định hướng cần “đầy đủ các thành phần” nên một hội đồng có những thành viên chỉ có trình độ trung cấp, chuyên môn chẳng hề liên quan… lại có quyền bỏ phiếu, nhận xét đánh giá các vị giáo sư, tiến sĩ có nhiều đóng góp cho y học nước nhà. Chính vì vậy mà các công trình khoa học, những tỷ lệ cao về thành công khám và điều trị cho bệnh nhân sẽ trở thành con số không tròn trĩnh khi đem ra bình xét.

Đáng lạ nhất là việc đặt ra “tỷ lệ” % danh hiệu, bằng khen cho từng đơn vị. Đây là một chuyện nực cười tồn tại hàng chục năm qua bởi bản chất thi đua, khen thưởng là khuyến khích, phát hiện người tài, đem vinh quang đến cho những người xứng đáng chứ không phải là miếng bánh, đống bạc… mà có thể chia chác một cách đều đặn hay lo ngại đơn vị này sẽ được nhiều phần hơn đơn vị khác. Chẳng lẽ đất nước ta ngại có nhiều người quá xuất sắc như giáo sư Tôn Thất Tùng, Trần Đông A, Nguyễn Ngọc Phượng, gần đây nhất là PGS, TS Bạch Khánh Hòa… nên phải hạn chế việc cấp bằng khen, phong tặng danh hiệu.

Trong khi đó, các giải thưởng y học thế giới như Nobel, Lasker… thì được làm hoàn toàn khác. Mỗi năm, các thành viên tìm kiếm, đánh giá các thành tựu y học trên toàn thế giới. Sau đó thành lập một hội đồng để tham gia bình chọn gồm các nhà y học hàng đầu thế giới, những người có chuyên môn hoặc chí ít là liên quan trực tiếp đến chuyên khoa của các thành tựu y học đó. Họ rất cẩn trọng để bình xét những thành tựu bởi hiểu một điều đơn giản là giá trị của các giải thưởng chính là sự xứng đáng dành cho những con người thực sự có đóng góp cho nhân loại.

Với những thầy thuốc còn đang muốn cống hiến cho nền y học Việt Nam, chuyện thi đua khen thưởng còn là nguy cơ rất lớn thúc đẩy “chảy máu chất xám”. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy những y, bác sĩ có hàng chục năm công tác chuyển sang đầu quân cho các bệnh viện tư nhân. Điều này là tất yếu khi tài năng, những nỗ lực, hy sinh không được công nhận. Trong khi đó, những kẻ làm hoen ố màu áo trắng, những kẻ bất tài, giỏi luồn cúi thì “nghiễm nhiên” đem bằng cấp đi làm giàu, hại người. Cứ cái đà này, sẽ đến lúc xuất hiện những người từ chối quyền thi đua, không nhận các bằng khen, danh hiệu bởi họ hiểu và không muốn dính vào cái sự “vàng thau lẫn lộn”.    

Chuyện về thi đua khen thưởng không phải là mới, các chế tài, hệ thống cả ngàn người làm thi đua khen thưởng trong các bộ ban ngành vẫn nhận lương, thưởng hàng tháng để đi bắt tay, trao tặng. Chúng ta vẫn điềm nhiên “làm tốt” công tác chờ báo cáo, kết quả bỏ phiếu từ các cấp, mặc nhiên công nhận tỷ lệ “gian dối” rồi đệ trình lên các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà Nước để phong tặng. Đến khi “cháy nhà ra mặt chuột” người ta coi như đó là chuyện đã rồi, tảng lờ để quên lãng theo thời gian.

Những khe hở của công tác thi đua đang bị lợi dụng để lọt qua những kẻ cơ hội, thiếu đức, kém tài. Nguy hiểm hơn là công tác kiểm điểm, sửa chữa sai lầm của những người làm thi đua khen thưởng trước Đảng, nhân dân là cực kỳ yếu kém. Chưa bao giờ công khai thu hồi quyết định một danh hiệu sai, một cá nhân dám chịu trách nhiệm bởi những đánh giá của mình khi trao tặng bằng khen cho những kẻ không xứng đáng.

Đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc hệ thống thi đua khen thưởng, để thực sự vinh danh những người xứng đáng nói chung và những cống hiến hy sinh hết mực trong cuộc chiến với bệnh tật của dân tộc, đây chính là cách hạn chế không để vàng thau lẫn lộn, chảy máu chất xám trong ngành y, nâng cao y đức trong thời đại mới.

Dương Phương