Vang bóng một thời xiếc hổ

08:00 | 02/02/2022

192 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngay từ khi có mặt trong cuộc sống, xiếc là loại hình nghệ thuật ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều tầng lớp công chúng vì tính độc đáo, mới lạ, hấp dẫn... Mạo hiểm hơn cả trong bộ môn xiếc thú là xiếc hổ.
Vang bóng một thời xiếc hổ
Vang bóng một thời xiếc hổ

Xiếc hổ Việt Nam xuất hiện từ khá sớm, người có công đầu đưa xiếc hổ ra mắt công chúng cách đây gần 100 năm chính là “ông tổ” ngành xiếc - NSND Tạ Duy Hiển. Trong tư liệu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn còn lưu giữ tấm ảnh ông Tạ Duy Hiển chụp cùng “chúa sơn lâm” nằm ngoan ngoãn dưới chân vào năm 1924. Trong hồi ký của mình, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết về các loại hình giải trí trên đất Hà Thành thập niên 30 của thế kỷ trước: “Có 3 gánh xiếc Việt Nam tổ chức theo xiếc Âu Tây. Đầu tiên là gánh Lạc Long. Rồi tới gánh Long Tiên và Tạ Duy Hiển. Gánh Tạ Duy Hiển đồ sộ hơn cả vì có voi, có hổ giống như một gánh xiếc Âu - Mỹ”.

Vang bóng một thời xiếc hổ
Vang bóng một thời xiếc hổ

Theo lời kể của NSƯT Tạ Duy Nhẫn, người con trai út duy nhất nối nghiệp cụ Hiển, cách đây vừa tròn 100 năm, năm 1922, gánh xiếc của cụ Hiển ra đời, được tập hợp từ nhiều thành viên trong gia đình, lấy tên là Đoàn Xiếc Việt Nam. Những ngày đầu gây dựng, gặp không biết bao gian nan, vất vả. Sau này, khi đã có chút vốn liếng, cụ Hiển hỏi mua con ngựa vằn của một gánh xiếc nước ngoài còn bị chủ gánh xiếc thóa mạ: “Cả nước An Nam cũng không mua nổi”. Từ đó, cụ Hiển càng nỗ lực hơn để xây dựng xiếc mang bản sắc Việt Nam.

Sau này, ở thời đỉnh cao, cụ Hiển cùng Đoàn Xiếc Việt Nam từng sang Campuchia, Thái Lan... biểu diễn và chiếm được cảm tình của khán giả. Nhà cầm quyền Pháp thời đó tức giận, cấm không cho đoàn xiếc của cụ Hiển tự do biểu diễn hoặc muốn tồn tại thì phải đổi tên thành Đoàn Xiếc An Nam. Tất nhiên, cụ Hiển nhất định không chấp nhận yêu cầu đó của người Pháp.

Năm 1958, gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển cùng một số gánh xiếc tư nhân khác đã sáp nhập vào đội xiếc Trung ương. Sau khi sáp nhập, đoàn xiếc được dẫn dắt bởi cụ Hiển và lấy tên là Đoàn xiếc Thống Nhất, được Bộ Văn hóa chuyển thành đơn vị nghệ thuật do Nhà nước quản lý với tổng số 47 người trong biên chế. Thời đó, đoàn xiếc của cụ Hiển đã biểu diễn rất nhiều tiết mục xiếc thú với hổ, báo, sư tử, ngựa vằn... Những “diễn viên” đặc biệt này được cụ Hiển mua lại từ một gánh xiếc thú của một người Anh bị dân ta tẩy chay do có nhiều tiết mục chế giễu người Việt.

Vang bóng một thời xiếc hổ
Tiết mục biểu diễn xiếc hổ tại Pattaya - Thái Lan

Đây được xem là thời kỳ hoàng kim của xiếc Việt Nam được đông đảo công chúng nhiệt tình đón nhận, người dân phải xếp hàng dài để mua vé mỗi lần đoàn xiếc có chương trình biểu diễn.

Xiếc thú ngày nay chỉ còn voi, gấu, ngựa, khỉ, trăn... chứ những mãnh thú thời hoàng kim năm xưa như hổ, sư tử chỉ còn trong ký ức. Lần gần nhất biểu diễn xiếc hổ cũng đã cách đây 66 năm.

Vang bóng một thời xiếc hổ
Biểu diễn xiếc thú nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Năm 1975, NSƯT Lê Thị Thanh Hảo - người nổi tiếng trong việc huấn luyện hổ, sư tử cũng đành ngậm ngùi bỏ lại 1 con hổ mà bà dày công huấn luyện ở Đông Đức để nhường chỗ cho 4 con sư tử đem về Việt Nam biểu diễn. Nguyên nhân đó là con hổ lai, rất khó dạy, bản năng hoang dã cao, rất nguy hiểm. Hơn nữa, do chỉ có một con hổ nên khó dàn dựng tiết mục. Đàn sư tử 4 con mà NSƯT Thanh Hảo đưa về nước sau này đã sinh sản thành 22 con. Những tiết mục biểu diễn của bà và đàn sư tử đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Tiếc rằng do cơ chế thay đổi, nên vào năm 1988, đàn sư tử bị xé lẻ, đem cho các vườn thú. Đến nay, chung số phận với xiếc hổ, các tiết mục xiếc sư tử chưa thể phục dựng.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng có ý định hồi sinh xiếc hổ, sau khi khánh thành khu nuôi dưỡng thú năm 2008, đã lên kế hoạch xin kinh phí, cơ chế đặc biệt để mua hổ. Thế nhưng, câu chuyện “nuôi dạy hổ” lại không đơn giản, kể cả có tiền cũng khó có thể mua được hổ hội tụ các tiêu chí để biểu diễn.

Theo ông Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, việc chọn và huấn luyện hổ vô cùng khó, phải tuyển chọn nguồn, giống, chắc chắn không cùng huyết thống để bảo đảm hổ đủ độ thông minh, không bệnh tật. Quá trình huấn luyện hổ ít nhất cũng gần chục con, rồi chọn ra 1-2 con có chỉ số IQ cao nhất để biểu diễn.

Hy vọng khôi phục xiếc hổ bị “dập tắt” hoàn toàn vào năm 2018 khi Liên minh châu Á vì động vật (Asia for Animals Coalition - AFA) có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi không dùng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết, xung quanh việc đưa thú vào biểu diễn, hiện trên thế giới vẫn chia 2 luồng ý kiến: Phản đối và đồng thuận. Luồng ý kiến đồng thuận cho rằng, như vậy khiến loài người gần với thiên nhiên, loài vật hơn. Thực tế, nhiều đoàn xiếc lớn trên thế giới của Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Italia vẫn có những tiết mục biểu diễn với sư tử, hổ, báo, voi... Tuy nhiên, làng xiếc thế giới cũng đã từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, thậm chí chết người khi huấn luyện hổ. Thuần hóa “chúa rừng xanh” luôn là một thách thức lớn.

Những tiết mục đặc sắc của xiếc hổ đã nhường chỗ cho các loài vật thân thiện, gần gũi với con người hơn như trâu, chó, heo, mèo, khỉ..., tạo dựng một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, nhất là lứa tuổi thiếu nhi.

Châu Nguyễn