"Văn hóa" năng lượng mặt trời ở Iraq

09:44 | 04/11/2023

463 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làng Hazar Merd nằm trên đỉnh cao của vùng Kurdistan ở Iraq, hầu hết mọi ngôi nhà đều được trang bị tấm pin mặt trời trên mái nhà. Nhưng nơi đây là ngoại lệ ở một quốc gia mà chính quyền vẫn chưa thực hiện cam kết phát triển năng lượng tái tạo.
Các tấm pin mặt trời mang đến sự giải thoát cho người dân tại Trại tị nạn Bahirka của Iraq ở Erbil. Một bảng năng lượng mặt trời duy nhất thắp sáng hai đèn và sạc nhiều hơn một điện thoại di động.

Đối với Iraq, một quốc gia lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, vấn đề này cực kỳ quan trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, 43 triệu người dân Iraq phải chịu sống trong cảnh các lần cắt điện trở nên nghiêm trọng vào mùa hè, khi nhiệt độ có thể vượt ngưỡng 50 độ C.

Tuy nhiên, sự hiếm hoi của năng lượng mặt trời ở một trong những quốc gia có nhiều nắng nhất trên trái đất thể hiện sự khó khăn trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt, một yêu cầu mà hàng chục quốc gia sẽ đặt ra tại Hội nghị COP28 sắp tới, diễn ra vào tháng 11 và tháng 12 tại Dubai.

Ngôi làng ẩn mình trong vùng núi của vùng tự trị Kurdistan, gần thành phố Sulaymaniyah, đặt hy vọng vào năng lượng mặt trời: tại Hazar Merd, 17 trong số 25 gia đình đã lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà.

"Năng lượng mặt trời đủ cho tất cả nhu cầu của chúng tôi: tủ lạnh, tivi, máy làm mát, máy giặt, máy hút bụi", Daniar Abdallah (33 tuổi) chia sẻ.

Người cha của hai cô con gái tiếp tục nói: "Điều này đã giúp chúng tôi rất nhiều", ông đã chi trả 2.800 đô la (khoảng 2.650 euro) vào năm 2018 để chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời.

Không còn tiếng ồn từ những máy phát điện lớn trong khu vực được đặt khắp nơi ở Iraq để đối phó với việc cắt điện (chúng cực kỳ gây ô nhiễm do hoạt động bằng năng lượng hóa thạch).

Ông Abdallah - một binh sĩ trong lực lượng người Kurd địa phương nói thêm: "Trước đây, chúng tôi có một máy phát điện thường xuyên bị hỏng. Đặc biệt là khi các lần cắt điện kéo dài có khi lên đến 12 hoặc 13 giờ mỗi ngày".

Cũng theo lời ông, nhiều người bạn ở các ngôi làng khác cũng đã nhanh chóng lắp đặt tấm pin mặt trời.

98% năng lượng hóa thạch

Tuy nhiên, việc này vẫn còn rất nhỏ. Tại Sulaymaniyah, thành phố lớn thứ hai của vùng Kurdistan ở Iraq, trong số 600.000 hộ gia đình đăng ký sử dụng điện công cộng, chỉ có 500 hộ được trang bị tấm pin mặt trời, ông Sirouan Mahmoud -người phát ngôn của Bộ thừa nhận.

Tuy nhiên, ông Mahmoud cho biết: việc sử dụng năng lượng mặt trời đang có sự "tăng trưởng nhanh chóng" khi Nghị viện khu vực bỏ phiếu về các biện pháp khuyến khích vào năm 2021. Vì thế, bất kỳ hộ gia đình nào cung cấp năng lượng mặt trời họ không tiêu thụ hết cho các cơ quan chính quyền sẽ được giảm hóa đơn tiền điện nhà nước của họ.

Ông Mahmoud nhắc lại rằng vùng Kurdistan có kế hoạch xây dựng 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 75 megawatt (MW).

Ở một đất nước có cơ sở hạ tầng bị tàn phá sau nhiều thập kỷ xung đột, nơi việc quản lý các vấn đề chung bị suy yếu do nạn tham nhũng tràn lan, các nhà máy điện ở Iraq chỉ sản xuất được 24.000 MW. Để chấm dứt tình trạng cắt điện, cần phải vượt qua ngưỡng 32.000 MW.

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo vẫn chưa được khai thác đúng mức trong cơ cấu năng lượng. Iraq có hơn 3.000 giờ nắng trong tổng số 8.700 giờ một năm. Nhưng Ngân hàng Thế giới lưu ý trong một báo cáo gần đây: "Hơn 98% điện năng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch".

Chính quyền tuyên bố muốn phát triển nguồn năng lượng sạch để đáp ứng 1/3 nhu cầu của quốc gia vào năm 2030. Mặc dù đã có nhiều dự án lớn được công bố rầm rộ nhưng vẫn chưa thành hiện thực.

TotalEnergies muốn hoàn thành một phần của nhà máy điện mặt trời với công suất 1.000 MW trong vòng 2 năm. Và Baghdad đã ký kết một thỏa thuận vào năm 2021 với thành phố Masdar của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để xây dựng 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.000 MW.

"Văn hóa" năng lượng mặt trời

Để khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, Ngân hàng Trung ương Iraq đã thông báo vào năm 2022 về việc phân bổ 750 triệu đô la (khoảng 711 triệu euro) được cấp dưới dạng khoản vay gần như không lãi suất, từ đó các cá nhân và công ty tư nhân có thể được hưởng lợi.

Mohamed al-Douleimi, chuyên gia về năng lượng tái tạo tiếc nuối rằng: "Một sáng kiến ​​​​đang bị đình trệ do thiếu sự hợp tác từ các ngân hàng".

Giám đốc điều hành của Công ty Solar Energy Universe, Ali al-Ameri lấy làm tiếc về sự vắng mặt của “văn hóa” năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, năm nay xu hướng này đang gia tăng khi công ty của ông đã lắp đặt các tấm quang điện ở hàng chục địa điểm.

"Giá khởi điểm từ 4.500 đô la và có thể lên đến 6.000 đô la" (từ 4.200 đến 5.600 euro), ông nói.

Trong số khách hàng của ông, có "những người là học giả và bác sĩ" nhưng cũng có các cơ quan nhân đạo, ông cho biết, nhấn mạnh "số lượng lớn người nông dân sử dụng năng lượng mặt trời".

Kể từ năm 2020, Công ty Solar Energy Universe đã thực hiện 70 công trình lắp đặt chủ yếu là công trình nhà ở cho dù đó là ở Baghdad, tỉnh Al-Anbar (tây) hoặc ở miền nam.

Tuy nhiên, tiềm năng là khổng lồ. Ali al-Saffar, chuyên gia tại Quỹ Rockefeller, nhấn mạnh: "Khu vực có nắng kém nhất ở Iraq cũng có nguồn tài nguyên vượt trội 2/3 so với nơi tốt nhất ở Đức. Nhờ năng lượng mặt trời, quốc gia này có cơ hội giải quyết một lần và mãi mãi vấn đề thiếu điện kéo dài của họ".

Bức tranh tương phản về tiêu thụ khí đốt ở EU và Trung QuốcBức tranh tương phản về tiêu thụ khí đốt ở EU và Trung Quốc
Quá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ cần tránh sự phụ thuộc vào Trung QuốcQuá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ cần tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Ngành công nghiệp điện mặt trời Đức kêu cứuNgành công nghiệp điện mặt trời Đức kêu cứu
Châu Âu trình làng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhấtChâu Âu trình làng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất

Nh.Thạch

AFP