Văn hóa doanh nhân

20:51 | 17/10/2017

2,908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến hôm nay, khi Ngày Doanh nhân Việt Nam đã qua đi, dư âm về tương lai phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn còn đau đáu trong suy nghĩ của nhiều người.

Bởi lẽ, vai trò của kinh tế tư nhân không chỉ được khẳng định ngày càng đậm nét trong các nghị quyết của Đảng và nhiều hoạt động của Chính phủ mà còn là nhu cầu cấp thiết của đông đảo người dân trong tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống.

Mới đây, Chính phủ đã tổ chức tọa đàm giữa Thủ tướng, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân. Những người tham dự đều cảm thấy một ý chí mãnh liệt, một nỗ lực không ngừng nghỉ của người đứng đầu Chính phủ trong việc phát triển kinh tế tư nhân nước nhà.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, vấn đề trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 để kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Ông đặt một loạt câu hỏi: “Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khóa, lao động...? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?” và mong muốn đại diện các tập đoàn kinh tế tư nhân nói thẳng, nói thật với trách nhiệm cao.

van hoa doanh nhan

Nội dung rất lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vĩ mô đến vi mô, từ hệ thống luật pháp đến môi trường kinh doanh, từ cải cách hành chính đến đạo đức công vụ, từ năng lực quản trị đến văn hóa doanh nghiệp…

Trong bài báo nhỏ này, chỉ xin nêu một vấn đề được đặt ra khá nhiều trên truyền thông trong dịp kỷ niệm 13 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 vừa qua, đó là văn hóa doanh nhân (VHDN), bởi VHDN sẽ quyết định văn hóa của mỗi doanh nghiệp.

Theo nhà văn Tạ Duy Anh, VHDN chính là đề cao sự minh bạch, tôn trọng các luật lệ, công bằng giữa cống hiến và thu nhập, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích. VHDN còn là ứng xử tử tế của người có tiền với những thành phần kém hơn của xã hội về vị thế kinh tế và để đảm bảo việc kiếm tiền làm giàu không trở thành hành vi đáng ghét, không vì sự giàu có của người này, nhóm người này mà làm tổn thương người khác, nhóm người khác. VHDN là trong mọi trường hợp đều biết đặt lợi ích của đất nước lên cao nhất. VHDN là vô cùng quan trọng, thậm chí là sự sống còn trong kinh doanh và phát triển.

Ông khuyên rằng: “Xã hội phải nỗ lực xóa bỏ sự kỳ thị giàu - nghèo, xóa bỏ thói sĩ diện hão, thói chuộng hư danh, đạo đức giả; phải coi làm giàu chân chính là hành vi yêu nước, thương nòi. Khi đó, doanh nhân sẽ tự tạc hình ảnh của mình vào ký ức cộng đồng”.

Theo nhà văn, dược sĩ đồng thời là doanh nhân Trần Thanh Cảnh, VHDN phải có cái gốc là văn hóa làm người và được giáo dục từ nhỏ. Ngay khi còn là học sinh đã phải chăm lo, giáo dục một cách văn hóa, vì chính thế hệ ấy sẽ trở thành những doanh nhân tương lai. Phông nền văn hóa kém sẽ kéo theo VHDN kém. Khi được hỏi về “sự cân bằng” giữa công việc của nhà văn với công việc của một doanh nhân, ông tâm sự: “Con đường đến với nghiệp viết của tôi cũng rất đặc biệt. Tôi không giấu gì, đó là sau một biến cố. Lúc đó doanh nghiệp của tôi đứng trên bờ vực phá sản, tôi lo lắng đến bạc cả tóc, trong đầu luôn đặt ra câu hỏi, nếu mình không chống đỡ được thì ngày mai, bao nhiêu nhân viên của mình và gia đình họ sẽ ra sao? Bức bách dồn đến đỉnh điểm buộc tôi phải tìm một lối thoát cho chính mình. Lúc này, tôi lấy giấy bút ra và viết, không ngờ đây cũng là lúc bén duyên với nghiệp văn chương, chữ nghĩa”.

Nêu hai ý kiến của hai nhà văn trên đây để thấy rằng, hình ảnh doanh nhân trong con mắt của cộng đồng đã và đang dần thay đổi. Họ ngày càng gần gũi hơn và được trân trọng hơn bởi nền tảng VHDN trong họ ngày càng được khẳng định. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Phải nói giai đoạn đầu, người Việt nhìn người giàu với một con mắt không thiện cảm, thậm chí có thể coi thường vì những người đó chỉ lao vào làm giàu và hưởng thụ của cải vật chất trên những gì mình làm ra được. Nhưng dần dần, các doanh nhân thời hiện đại bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện… Các doanh nhân bắt đầu hiểu rằng, việc của họ không chỉ là làm ra đồng tiền mà họ còn đóng góp để làm ra một nền văn hoá".

van hoa doanh nhan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đánh mất văn hóa nói chung, đánh mất văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Ông bà mình từng nói rất đúng, đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng”. (Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ngày 7-11-2016)

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc