Chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc:

Ưu tiên Mỹ, Nhật, Triều Tiên?

13:00 | 05/03/2013

1,054 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Quan hệ không mấy trơn tru giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên phải chăng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh trong thời gian tới đây? Câu hỏi này vừa được giới phân tích đặt ra sau khi có các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang cân nhắc đề cử hai chuyên gia về Nhật Bản, Triều Tiên và Mỹ đảm nhận hai chức vụ quan trọng nhất về ngoại giao của nước này, thể hiện ưu tiên trọng tâm trong chính sách đối ngoại.

Phác thảo chân dung 2 vị chuyên gia

Hãng tin Kyodo (Nhật) vừa dẫn các nguồn tin chính phủ ở Bắc Kinh cho biết ông Vương Nghị, chuyên gia về Nhật Bản và Triều Tiên có thể sẽ là Ngoại trưởng mới của Trung Quốc, thay ông Dương Khiết Trì. Trong khi đó, Hãng tin Anh Reuters cũng dẫn 3 nguồn tin độc lập cho hay ông Dương, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nhiều khả năng sẽ là Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách chính sách đối ngoại.

Ông Dương Khiết Trì nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách chính sách đối ngoại, ông Vương Nghị sẽ kế nhiệm Ngoại trưởng Dương Khiết Trì (ảnh bên phải)

Theo lý lịch của 2 nhân vật này, có thể thấy họ đều có thể được coi là chuyên gia về Mỹ, Nhật và Triều Tiên. Nhà ngoại giao họ Dương 62 tuổi, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, được cho là sẽ làm Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại, thay ông Đới Bỉnh Quốc. Người sẽ thay thế ông Dương Khiết Trì ở chức Ngoại trưởng sẽ là ông Vương Nghị, 59 tuổi, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản. Ông Vương Nghị được mô tả là có trí tuệ uyên thâm, nhưng khiêm nhường, biết kiềm chế và thận trọng. Ông Vương từng là đại diện Trung Quốc tại vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Triều Tiên. Quyết định bổ nhiệm Ngoại trưởng và Ủy viên Quốc vụ viện mới sẽ được phê duyệt tại một phiên họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, bắt đầu vào ngày 5/3.

Bắc Kinh muốn gì?

Theo các nhà quan sát, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã theo dõi với một thái độ hết sức quan ngại chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ. Bắc Kinh luôn “xù lông” với mọi động thái thể hiện nỗ lực thực hiện chiến lược này của Washington và cho rằng đó là một phần trong chính sách “ngăn chặn” đà vươn lên của Trung Quốc, vào lúc cả hai nước vẫn có những bất đồng cơ bản về tất cả mọi vấn đề, từ nhân quyền cho đến thương mại.

Giữa Tokyo và Bắc Kinh luôn luôn tồn tại một mối quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tuy nhiên, bang giao Bắc Kinh - Tokyo đã đặc biệt xấu hẳn đi từ năm 2012, khi tranh chấp bùng lên về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mặc dù vẫn đấu khẩu gay gắt với nhau về vấn đề này, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn cố gắng tìm cách giảm nhiệt vì thấy rằng quan hệ kinh tế và đầu tư giữa hai bên rất quan trọng. Trong chiều hướng đó, ông Vương Nghị, nhà ngoại giao biết nói tiếng Nhật và am hiểu đất nước mặt trời mọc sẽ là một trợ thủ hữu ích.

Theo nguồn tin của tờ Sankei Shimbun, nếu ông Vương là Ngoại trưởng, Bắc Kinh đã thể hiện mong muốn mở một lối thoát cho quan hệ Trung - Nhật.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm với vấn đề Triều Tiên của tân Ngoại trưởng Trung Quốc cũng là một lợi thế không nhỏ. “Anh bạn” láng giềng này gần đây liên tục có những hành động khiến Bắc Kinh phải kiềm chế. Đó là việc Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba, bất chấp sự can gián của Bắc Kinh, đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng. Hành động này của Triều Tiên có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi đến an ninh của Trung Quốc. Quan hệ của Trung Quốc có thể nói là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Mềm mỏng và cứng rắn đúng lúc đúng chỗ và làm thế nào để “nắm đằng chuôi” với “anh bạn khó chơi” này quả thực là một bài toán khó với Bắc Kinh.

Tóm lại, có thể nói, với việc đề bạt hai ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị, Trung Quốc đã bắn đi tín hiệu cho thấy các ưu tiên ngoại giao của họ trong thời gian sắp tới.

Linh Linh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc