Ukraine: Không thể thỏa thuận với Liên minh châu Âu

14:00 | 16/02/2014

1,198 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyên bố khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Ukraine Inter của Tổng thống Viktor Yanukovich khiến dư luận cho rằng, Kiev sẽ khó có thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới.

Theo ông Viktor Yanukovich, nếu ký thoả thuận với EU, Kiev sẽ giữ lấy một văn kiện bất lợi và nguy hiểm vì những mối đe dọa đã thấy rõ ràng không đáp ứng với lợi ích quốc gia của Ukraine. Và hệ quả đầu tiên của vấn đề này sẽ gây tổn thương cho lĩnh vực điền địa và nền kinh tế nông nghiệp của Ukraine.

Cũng trong cuộc trả lời kể trên, Tổng thống Viktor Yanukovich đã nhấn mạnh, nguyên nhân của các cuộc biểu tình hiện nay là do thông tin không đầy đủ, tác động đến nhận thức của cư dân về chi tiết trong phương án liên kết với EU. Kiev là nơi nổ ra phong trào biểu tình chống chính phủ với quy mô chưa từng có sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych quyết định không ký liên kết với EU, mà ký thỏa thuận đối tác với Nga.

Cũng trong ngày 15-2, nghị sỹ đối lập Ukraine Svoboda, hiện đang chiếm đóng trụ sở Tòa thị chính ở thủ đô Kiev tuyên bố, sẵn sàng rời khỏi tòa nhà này sau khi chính phủ thả những người biểu tình bị bắt giữ. Rút khỏi Tòa thị chính là một trong những điều kiện cho việc thi hành luật ân xá khoảng 230 người biểu tình, mặc dù những người này đã được tự do nhưng vẫn bị truy tố về nhiều tội danh với mức án có thể lên tới 15 năm tù.

Theo giới truyền thông, ngày 14-2, Tổng chưởng lý Ukraine Viktor Pshonka cho biết, tất cả 234 người biểu tình bị bắt giữ trong đợt bạo động chống chính phủ đã được thả, đúng như yêu cầu của phe đối lập. Những người kể trên bị bắt giữ trong đợt bạo động diễn ra từ 26-12-2013 tới 2-2 và vừa được phóng thích.

Trước đó (12-2), Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vladimir Rybak thông báo, Tổng thống Viktor Yanukovych đã đồng ý thành lập một chính phủ liên minh "phi chính trị" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ba tháng qua ở nước này. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych đã có một số nhượng bộ như nhường ghế Thủ tướng và phó thủ tướng cho phe đối lập, nhưng các đảng đối lập lại muốn được toàn quyền thành lập chính phủ thay thế cho nội các của Thủ tướng Mykola Azarov từ chức hôm 28-1.

Ngày 6-2, tại buổi tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland ở Kiev, Tổng thống Viktor Yanukovych cho biết, muốn nhanh chóng thông qua các sửa đổi hiến pháp theo yêu sách của phe đối lập thân Phương Tây, đồng thời khẳng định "đối thoại và thỏa hiệp" là cách duy nhất đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị.

Theo giới truyền thông, phe đối lập đã kêu gọi biểu tình với quy mô lớn vào ngày 16-2 nhằm chuẩn bị cho cuộc "phản kháng hòa bình" trong bối cảnh các cuộc đàm phán với chính quyền Ukraine lâm vào bế tắc. Đây sẽ là cuộc biểu tình thứ 11 diễn ra tại thủ đô Kiev kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra hồi tháng 11-2013 nhằm phản đối việc Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký hiệp ước liên kết với EU.

Trong thông báo đưa ra hôm 14-2, đảng của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko coi cuộc biểu tình ngày 16-2 sẽ là "cuộc phản kháng" lớn nếu chính phủ không đáp ứng đề nghị của phe đối lập thả những người biểu tình bị bắt. Trước đó, bà Yulia Tymoshenko còn yêu cầu được đối thoại với Tổng thống Viktor Yanukovych về cuộc khủng hoảng hiện nay của Ukraine.

 

 

Về phần mình, ngày 14-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo phương Tây không được can thiệt vào cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh, công dân của quốc gia này phải được phép tự giải quyết các vấn đề của mình. Trước đó (6-2), ông Sergei Glazyev, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Putin cáo buộc Washington cung cấp tài chính và vũ trang cho những người nổi loạn Ukraine. Ông Sergei Glazyev cũng cho rằng, Moskva có những cơ sở pháp lý (ám chỉ Bản ghi nhớ Budapest về hỗ trợ an ninh năm 1994) để can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Lubomir Zaoralek muốn EU sẵn sàng cho việc áp dụng lệnh trừng phạt nếu Ukraine tiếp tục sử dụng bạo lực với người biểu tình. Phát biểu trước cuộc họp ngoại trưởng EU tổ chức tại Brussels về tình hình khủng hoảng Ukraine, ông Lubomir Zaoralek cho rằng, tình hình nhân quyền bị vi phạm trắng trợn ở biên giới của EU là không thể chấp nhận được.

Ngoại trưởng Lubomir Zaoralek còn nhấn mạnh, nếu sau ngày 17-2, chính phủ Ukraine vẫn sử dụng bạo lực đàn áp phe đối lập, người biểu tình, và nhân dân, đó có thể là lý do rõ ràng để dùng tất cả các công cụ của EU. Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski cảnh báo, EU có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng về dân di cư nếu bạo lực gia tăng ở Ukraine. Trước đó (6-2), Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với Ukraine.

Nghị quyết đề nghị EU và các nước thành viên chuẩn bị các biện pháp trừng phạt như cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với những quan chức Ukraine được coi là chủ trương hoặc thực hiện hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình. Được biết, đại diện ngoại giao cấp cao của châu Âu, bà Catherine Ashton đã tới Kiev 4 lần (kể từ tháng 12-2013) để hội đàm với Tổng thống Viktor Yanukovych nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.

Trước đó (7-2), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho Ukraine nếu Kiev thực thi những cải cách cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng hiện nay. Bà Victoria Nuland cho rằng, Kiev nên cải cách hiến pháp và cải cách bầu cử nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng tại nước này./.

 

Tiên Du-Bắc Ninh