Tức nhau tiếng gáy

07:00 | 17/03/2013

1,255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dân ta còn nhiều người nghèo khổ. Tiền tài trợ của các doanh nghiệp hãy dành cho quỹ từ thiện, lo cho những mảnh đời bất hạnh, đừng để mua vui lấy vài trống canh và làm giàu cho một nhóm người.

Ngày 26/2 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã gửi công văn đến Ban Tổ chức Festival lúa gạo về việc từ chối tổ chức Festival lúa gạo 2014.

Sau khi Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 (2011) được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng khép lại, Ban Tổ chức giao cho tỉnh Đồng Tháp tổ chức Festival lúa gạo lần thứ 3 vào năm 2014. Tuy nhiên, dự toán kinh phí tổ chức tốn kém đến 20 tỉ đồng nhưng không được sử dụng ngân sách địa phương, UBND tỉnh Đồng Tháp đã gửi công văn đến Công ty Cổ phần Hội chợ Quốc tế và Phát triển nông thôn từ chối việc tổ chức Festival lúa gạo lần 3, năm 2014.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: lý do chính tỉnh Đồng Tháp từ chối là vì Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ thị các tỉnh phải tiết kiệm trong việc tổ chức lễ hội. Hơn nữa, ngân sách địa phương cũng hạn chế; trong khi đó, các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn, rất cần thêm vốn để củng cố và mở rộng việc kinh doanh sản xuất. Vì vậy, tỉnh từ chối tổ chức Festival lúa gạo 2014, một mặt giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp, mặt khác tập trung vào các giải pháp hữu hiệu, giúp nông dân bán được lúa, tăng lợi nhuận - điều cần thiết nhất trong giai đoạn này. Lại còn một thực tế đáng buồn nữa là cứ sau mỗi lần tổ chức Festival lúa gạo thì giá lúa lại giảm đi trông thấy.

Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 (2011)

Rất đáng hoan nghênh Đồng Tháp! Với việc từ chối này, UBND tỉnh đã thể hiện được tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật và nói thẳng, nói thật.

Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, các địa phương, các ban, ngành đoàn thể không lo tìm giải pháp tháo gỡ mà quá chú trọng đến việc tổ chức hội hè, sự kiện. Chỉ riêng những sự kiện được truyền hình trực tiếp hằng năm trên 3 kênh của VTV đã nhiều và dày đến mức không ai nhớ nổi. Chương trình truyền hình trực tiếp đã ngốn hết tiền tỉ. Nội dung để mang ra diễn dưới hình thức gọi là “sân khấu hóa” mới đáng kể, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng! Có những tỉnh rất nghèo, dân còn lo kiếm ăn từng bữa nhưng năm nào cũng tổ chức vài cuộc lễ hội rùm beng.

Tiền để tổ chức những sự kiện này lấy ở đâu ra, trong khi Chính phủ quy định không được lấy từ ngân sách địa phương? Xin thưa, Ban Tổ chức phải ngửa tay đi xin các doanh nghiệp! Mà doanh nghiệp cũng không mặn mà gì khi mỗi năm có bao nhiêu đầu mối đến xin tiền. Sản xuất kinh doanh đang trong cơn bĩ cực, họ phải cắn răng móc hầu bao ủng hộ cho những cuộc vui bất đắc dĩ. Và đến nay, nhiều doanh nghiệp đã kiên quyết từ chối chi tiền cho các sự kiện. Cách đây 2 năm, ông Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội nói: “Ủng hộ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn thì chúng tôi luôn luôn sẵn sàng; còn các cuộc vui chơi nhảy múa để mấy cô chân dài lên nhún nhảy một lúc, kiếm hàng chục triệu đồng thì chúng tôi không tài trợ nữa”.

Một cán bộ ngân hàng cũng tâm sự: Trước đây các anh từng ủng hộ nhiều sự kiện có truyền hình trực tiếp. Nhưng phát hiện ra số tiền ấy chủ yếu rơi vào tay các công ty truyền thông - tổ chức sự kiện nên bây giờ ngân hàng cũng không ủng hộ nữa.

Vì sao lại có nhiều sự kiện được “sân khấu hóa” và truyền hình trực tiếp như vậy? Một là do lãnh đạo các địa phương, ban, ngành như những con gà tức nhau tiếng gáy. “Gà người gáy chẳng lẽ gà mình không gáy”. Thấy “hàng xóm” làm thì mình cũng phải tổ chức cho nổi đình đám. Từ kỷ niệm ngày thành lập đến khởi công công trình, từ ngày lễ đến hội chợ, triển lãm… miễn là có cái cớ để làm. Hai là các công ty tổ chức sự kiện thường xuyên săn đón, mời chào, gợi ý. Có công ty ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh nhưng tầm hoạt động vươn ra khắp cả nước. Sự kiện ở địa phương, ban, ngành nào cũng thấy họ. Những công ty này có mối quan hệ mật thiết với những quan chức cấp cao, chỉ cần thư tay hoặc cuộc điện thoại chỉ thị xuống là cấp dưới phải chấp hành. Nhờ đó, các công ty có máu mặt hầu như được chỉ định thầu tham gia tổ chức các sự kiện. Cơ sở dù muốn hay không thì cứ phải làm. Vui đấy nhưng có lúc đau buồn lắm, chẳng khác chi anh Kép Tư Bền.

Có một tỉnh chuẩn bị kỷ niệm 120 năm ngày thành lập. Từ lâu, cứ 10 năm một lần, tỉnh này tổ chức mít tinh và diễu hành quần chúng ở sân vận động. Nhưng nay, lãnh đạo tỉnh đã quyết định làm theo hình thức “sân khấu hóa”. Mặc dù còn nghèo nhưng cũng cố làm cho hoành tráng để lấy tiếng thơm. Với mánh khóe của công ty tổ chức sự kiện, số tiền dự chi cứ sau mỗi lần trao đổi, bàn bạc lại có phát sinh và được nâng lên một mức.

Đã “đâm lao phải theo lao”, kết cục là hai bên thỏa thuận mức kinh phí cao gấp đôi so với dự tính ban đầu. Nhưng khi các tiết mục đã được tập dượt xong, đến ngày kỷ niệm thì không may, một cơn bão lớn đổ bộ vào đúng địa bàn tỉnh. Cuộc vui phải xếp lại, tất cả tập trung cho phòng chống bão. Qua ngày kỷ niệm, tỉnh không biết tính thế nào, trong khi công ty tổ chức sự kiện cứ thúc dục phải mang chương trình ra diễn để còn thanh lý hợp đồng. Hai tháng sau, tỉnh lấy ngày kỷ niệm thành lập quân đội để mít tinh và đem chương trình ấy ra thể hiện. Dân trong tỉnh lấy làm lạ: sao năm nay là năm lẻ mà kỷ niệm thành lập quân đội lại làm lớn thế!

Ai đã theo dõi những chương trình “sân khấu hóa” lâu nay thì thấy ngay một điều: nội dung, hình thức biểu diễn các tiết mục đều na ná như nhau. Vẫn những đoàn nghệ thuật quen biết, những ca sĩ quanh năm chạy sô, chuyên hát đớp. Hàng trăm diễn viên trang phục sặc sỡ chạy ngược, chạy xuôi trên nền nhạc ồn ào. Lời bình với những ngôn từ bóng bẩy, phơi phới lạc quan, tự hào. Kịch bản chỉ là một. Diễn ở địa phương nào thì thay thế trang phục của vùng miền, địa phương ấy cho phù hợp. Lịch sử truyền thống và thành tựu của địa phương cũng được thay thế lắp ghép kiểu như thế. Đến nỗi, một số vị lãnh đạo được mời dự nhiều cuộc như vậy đã cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi, luôn tìm cách từ chối. Do đó, có những sự kiện mà hàng ghế VIP chỉ có người nhà với nhau.

Tổ chức sự kiện để tạo tiếng vang, gây thanh thế, thu hút đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Thế nhưng, sau mỗi cuộc đình đám tốn kém ấy, hiệu quả mang về không như mong đợi. Như UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: sau mỗi lần Festival lúa gạo thì giá lúa lại rớt xuống. Các sự kiện khác cũng thế. Ban Tổ chức được hưởng một chút hoa hồng, còn lại kinh phí đều chui vào túi các công ty tổ chức sự kiện. Một giáo viên Trường múa Việt Nam giãi bày: các em sinh viên múa đi diễn thuê cho công ty tổ chức sự kiện nhưng một buổi vất vả như thế chỉ được bồi dưỡng 50 nghìn đồng. Còn bao nhiêu lực lượng của địa phương, nhất là học sinh các nhà trường cũng bị huy động tham gia tập tành, biểu diễn thì chẳng được gì.

Đó là sự thật đáng buồn của các sự kiện được “sân khấu hóa”. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các địa phương, ban, ngành hãy phối hợp ngăn chặn tối đa những hoạt động phô trương hình thức này. Phải có quy chế chặt chẽ trong việc cấp phép tổ chức sự kiện. Dân ta còn nhiều người nghèo khổ. Tiền tài trợ của các doanh nghiệp hãy dành cho quỹ từ thiện, lo cho những mảnh đời bất hạnh, đừng để mua vui lấy vài trống canh và làm giàu cho một nhóm người.

Bùi Đức