Tự hào và trăn trở cùng Hà Nội

07:02 | 12/10/2015

1,216 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô, “Chọn nơi đất rộng mà bằng, nơi cao ráo thế Rồng chầu, Hổ phục, nơi linh khí bốn phương tụ lại”, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua bao thăng trầm biến thiên cùng lịch sử dân tộc.

 Hơn 1.000 năm ấy, người Thăng Long - Hà Nội thế hệ sau tiếp bước các thế hệ cha ông, vừa bền gan quyết chí, dũng cảm kiên cường chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vẹn toàn giang sơn gấm vóc; lại vừa quên mình lao động sáng tạo, dựng xây thành phố thân yêu, vun đắp cho dầy hơn, đẹp hơn nét thanh lịch, nền văn hiến ngàn đời ấy.

tu hao va tran tro cung ha noi
Cầu Nhật Tân, Hà Nội

Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của lịch sử, ngày 10-10-1954 như mộc mốc son chói lọi đánh dấu và mở ra cho thủ đô một thời kỳ phát triển mới về mọi mặt, để Hà Nội luôn biết tự nhìn lại mình mà phấn đấu không ngừng sao cho xứng đáng là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Trở lại những ngày tháng 10 ấy, ta như vẫn thấy náo nức giữa “trùng trùng quân đi như sóng”, để sau niềm vui “năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về”, cũng là lúc người Hà Nội biết mình phải làm gì để sửa sang lại thành phố thân yêu, để bắt tay xây dựng những cơ sở vật chất kỹ thuật đầu tiên của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Lo khắc phục những hậu quả của chiến tranh, nhưng Hà Nội cũng bắt tay ngay vào công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều khu công nghiệp mới ra đời đã tạo cơ hội cho thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Hà Nội chọn bước đi một cách hòa bình thông qua hình thức công tư hợp doanh, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vì thế không tạo ra sự xáo trộn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của thành phố. Với các vùng ngoại thành, nhờ được chia ruộng đất, người nông dân phấn khởi tham gia các tổ đổi công, các hợp tác xã nông nghiệp. Đời sống mới ùa vào mỗi gia đình, góc phố, mang theo cái gấp gáp của nhịp sống công nghiệp, cái ồn ã của hơi thở công trường, nhưng người thủ đô ngày ấy vẫn giữ cho mình cái tế nhị mà thân mật, cái lịch sự mà chân thành, để trong mỗi lời ăn tiếng nói, trong mỗi ứng xử đời thường, họ luôn có quyền tự hào là người Hà Nội.

Ngay cả trong những ngày cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra miền Bắc, khi mà Hà Nội và cả miền Bắc vừa sản xuất và chiến đấu lại vừa phải chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, nhưng người thủ đô ngày ấy dẫu ở đâu, làm gì, cũng không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao mà còn luôn trở thành chỗ dựa không nhỏ cho bạn bè, đồng bào, đồng chí.

Nhưng, không chỉ đồng bào cả nước, mà bạn bè bốn biển năm châu và lịch sử sẽ còn nhắc mãi đến một Hà Nội Anh hùng, một Hà Nội đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam. Những ngày ấy, người Hà Nội không chỉ thể hiện khí phách kiên cường, tài mưu lược, trí thông minh và sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, mà đấy chính là những ngày phẩm chất NGƯỜI của mỗi công dân thủ đô được bộc lộ rõ nhất. Trong bom rơi đạn nổ, trong máu đổ nhà tan, người Hà Nội không mảy may sợ hãi, lẩn tránh. Họ có mặt trên từng nóc nhà, góc phố để chiến đấu, để cứu thương, để giữ cho “Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” mãi vang xa.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, niềm vui khi non sông thu về một mối chưa kịp lắng, cũng là lúc người Hà Nội phải đối mặt với những thực tế vô cùng khắc nghiệt; khi mà đất nước vừa rơi vào khủng hoảng kinh tế, lại vừa phải đối đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Người Hà Nội dẫu chỉ hạt bo bo thay gạo, dẫu tấm áo chiến binh đã sờn bạc, vẫn gồng mình chịu đựng để tìm đường đổi mới, vẫn sẵn sàng cùng thanh niên cả nước có mặt trên tuyến đầu chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc, giữ nguyên bờ cõi non sông.

Hà Nội vì cả nước. Người Hà Nội bỏ lại một mùa thu đầy nắng, bỏ lại tiếng dương cầm trong gác nhỏ, bỏ lại một Hồ Tây lãng đãng khói sương để đến với những vùng đất mới, dựng lên một huyện mới Lâm Hà giữa núi non trùng điệp Lâm Đồng.

Đổi mới hay là chết? Câu hỏi ấy như một lời thôi thúc mỗi người Hà Nội cần đem hết nghị lực và trí tuệ, công sức và của cải, cùng đóng góp cho sự nghiệp đổi mới của thành phố cũng như cả nước. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, không chỉ giúp kinh tế thủ đô tăng trưởng vượt bậc, mà còn góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của mọi tầng lớp nhân dân.

Kinh tế tăng trưởng cao, phát triển theo hướng bền vững. So với năm 1954, hiện nay kinh tế thủ đô tăng gấp bội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và từng bước hiện đại hóa. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, góp phần làm cho bộ mặt của thủ đô ngày một khang trang, hiện đại.

Văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác đối ngoại đều đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt, hệ thống chính trị ở thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.

Nhưng, khi thủ đô rộng tới 3.300km2, cũng là lúc câu hỏi mới đặt ra cho người Hà Nội là: Làm sao vừa đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế, làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới, lại vừa giữ được các giá trị văn hóa truyền thống?

Ao xưa giờ đã nên nhà. Bây giờ nhiều làng đã thành phường. Nhiều khu đô thị mới đang mọc lên trên không ít “bờ xôi, ruộng mật”. Mảnh đất của những nhà máy xưa được coi là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ Việt Nam… giờ đã thành các khu nhà ở cao cấp cả. Để rồi, phố cổ thêm bao lần trầm tư ngày nước ngập? Để rồi, người Hà Nội còn thêm bao lần bỗng giật mình tự hỏi, ai vừa cố nhồi thêm cao ốc ấy ven đường?

Đời sống vật chất của người thủ đô hôm nay đã khác xa so với hơn 60 năm trước. Nhưng, hình như cũng đã lâu rồi, người Hà Nội đang mất dần đi cái nhẹ nhàng, tinh tế, thanh lịch. Người Hà Nội hôm nay cũng đang tự mình làm mờ đi thần thái của người Thăng Long thuở trước. Còn đâu một lời cảm ơn, một lời xin lỗi, vốn luôn là phép ứng xử bình thường của người Hà Nội một thời? Còn đâu một lời chào nhẹ như gió thu trong quầy hàng ăn uống hay cửa hàng tạp hóa? Còn đâu cái ý thức cộng đồng, khi không ít người Hà Nội hôm nay coi chuyện vứt rác ra đường như một lẽ tự nhiên của cuộc sống? Cái chao chát của thị trường, giờ đã len đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Cái bặm trợn của xã hội vỉa hè, giờ đã mon men bò tới chốn công quyền, thấm cả vào đôi nét ứng xử của vài ba người tự hào mình là công chức thời nay.

Và, hôm nay, liệu còn ai tự hào nhưng trăn trở cho một Hà Nội đẹp hơn?

 

Nguyễn Hòa Bình

Năng lượng Mới 464