TS Nguyễn Trùng Lập: Trí thức trẻ nên đóng góp bằng những việc làm cụ thể

15:00 | 20/02/2015

2,725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Thay vì nói nhiều, chúng ta nên làm nhiều. Thay vì kêu ca, chờ đợi những chính sách vĩ mô chúng ta nên thay đổi chính mình bằng những việc cụ thể, thiết thực để phát triển, từ đó tạo sức lan tỏa ra cộng đồng, xã hội” là tâm tình nhân dịp tết cổ truyền của trí thức trẻ, tiến sĩ Nguyễn Trùng Lập (hiện chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Hoa Sen).

PV: Sau bốn năm sinh sống và học tập ở Nhật Bản, anh thấy trí thức trẻ Nhật Bản quan tâm những vấn đề lớn của đất nước như thế nào?

TS Nguyễn Trùng Lập: Những người bạn Nhật của tôi rất ít khi bàn đến chính trị. Tôi không rõ là họ không quan tâm hay họ kín đáo, không muốn nói ra. Theo quan sát của tôi, họ tiếp cận các vấn đề lớn của đất nước một cách bình tĩnh và thực chất. Ví như sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011, họ không hô hào, kêu gọi online, họ không nói nhiều về thảm họa, thay vào đó họ âm thầm quyên góp, tham gia trực tiếp các hoạt động tình nguyện như cứu hộ, dọn dẹp, tái thiết vùng bị tàn phá. Không những thế họ còn thể hiện vai trò, trách nhiệm của bản thân thông qua những công việc hằng ngày, như thực hiện những nghiên cứu, báo cáo, buổi thảo luận liên quan đến vấn đề đối phó với thảm họa, tái thiết đất nước dựa trên quan điểm của mỗi người.

TS Nguyễn Trùng Lập trong thời gian du học tại Nhật Bản

PV: Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, xã hội Việt Nam đang diễn ra khuynh hướng ngược, khi giới lão thành, cao niên, cựu quan chức "dám lên tiếng" về các vấn đề gai góc của đất nước thì trong giới trẻ, thanh niên, đặc biệt là trí thức, doanh nhân lại có khuynh hướng dè dặt. Quan điểm của anh?

TS Nguyễn Trùng Lập: Phải thừa nhận là chúng ta chưa thực sự cởi mở, nhanh nhạy trong việc đón nhận ý kiến đóng góp từ giới trẻ, dẫn đến tâm lý tự vệ, “mặc kệ” của giới trẻ. Tuy nhiên, theo tôi, dè dặt chỉ thể hiện ở bề nổi, phần chìm bên trong mỗi cá nhân mới là quan trọng. Phần nổi thể hiện anh nói gì nhưng anh làm gì mới là quan trọng hơn. Tôi nghĩ trí thức trẻ ý thức được vai trò của bản thân, hầu hết họ đều mong muốn đóng góp xây dựng đất nước, và thay vì nói nhiều thì họ làm nhiều, với bản tính khiêm nhường, tự trọng, biết người biết ta thì trí thức trẻ ít “lớn tiếng” cũng là điều dễ hiểu. Thay vì hô hào trên mạng xã hội, trí thức trẻ có thể thầm lặng nghiên cứu ra thiết bị lọc nước biển, chất chống ăn mòn kim loại để góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.

PV: Tôi từng gặp nhiều trí thức đã du học, sinh sống và làm việc ở nước ngoài, sau khi về hưu về nước góp phần nào kinh nghiệm, tri thức cho công cuộc xây dựng và phát triển. Họ có chung nhận định, khi kinh tế Việt Nam phát triển đến một mức độ nào đó thì sẽ hút trí thức Việt kiều về nước làm việc nhiều hơn, giống trường hợp của Đài Loan và Hàn Quốc từng như thế. Theo anh thì quan điểm như vậy đã phù hợp trong bối cảnh nước ta hiện nay?

TS Nguyễn Trùng Lập: Hiện nay chúng ta đang rất cần sự đóng góp của trí thức Việt kiều vào công cuộc xây dựng và phát triển, tuy nhiên chúng ta chưa có một cơ chế hoàn thiện, thống nhất để thu hút chất xám từ lực lượng này. Đặc biệt là các cơ quan nhà nước, các trường đại học công lập chưa có chính sách lương cạnh tranh, cơ chế thăng tiến minh bạch và môi trường làm việc phù hợp. Về một làn sóng trở về thì chưa, tuy nhiên cũng có những điểm sáng như chính sách thu hút nguồn lực kiều bào của TP. HCM, một số trường ĐH như ĐH Hoa Sen,..

Sinh viên ĐH Hoa Sen tham gia xây dựng đường vào trường tiểu học Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre trong chương trình "Xuân tình nguyện" 2014

PV: Từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn, chịu không ít khó khăn vất vả về điều kiện kinh tế, và hiện nay, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở VN còn khá lớn, theo anh làm sao để dần rút ngắn khoảng cách này, để trẻ em nông thôn có điều kiện học hành tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn...

TS Nguyễn Trùng Lập: Ngoài việc cần những chính sách đặc biệt của nhà nước về đầu tư phát triển giáo dục và phúc lợi xã hội ở vùng nông thôn, mỗi cá nhân hay tổ chức cũng cần quan tâm và có đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn nghèo. Theo tôi cái gốc vẫn là do khó khăn về kinh tế. Vì khó khăn nên các gia đình không thể lo cho con em họ các khoản phí trong quá trình học, hoặc phải tham gia lao động nên không thể đảm bảo chuyện học hành và đặc biệt là trẻ em phải bỏ học để phụ giúp gia đình lo cái ăn.

Trí thức trẻ có thể đóng góp cho việc phát triển kinh tế xã hội nông thôn bằng nhiều cách, thiết thực nhất vẫn là dựa trên điểm mạnh của họ là chất xám. Họ không nhất thiết phải về quê làm việc mới có thể đóng góp mà bằng kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ của mình mỗi trí thức trẻ có thể triển khai các nghiên cứu, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở chính quê hương mình một cách bền vững.

Trường ĐH là tổ chức có lợi thế về chất xám, sức trẻ và nhiệt huyết trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ vùng nông thôn. Ví như trường ĐH Hoa Sen triển khai chương trình Service Learning, đưa giáo viên và sinh viên về các vùng khó khăn để triển khai các dự án nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán thực tế tại địa phương. Thông qua đó giáo viên và sinh viên vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình vừa giúp được địa phương giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế xã hội. Xa hơn nữa, mô hình này giúp GV, SV các trường ĐH có cơ hội tiếp cận, hiểu hơn về tình hình thực tế của đất nước từ đó thúc đẩy những ý tưởng mới, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ cộng đồng, xã hội. Hơn nữa, người trẻ ở nông thôn cũng có điều kiện tiếp xúc với trí thức trẻ sẽ có tác động tích cực trong việc hướng nghiệp, ý thức và động lực trong việc học hành.

PV: Nhân mùa xuân mới, anh có tâm tình gì với trí thức trẻ trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng?

TS Nguyễn Trùng Lập: Với thế mạnh là tri thức và nhiệt huyết của mình trí thức trẻ nên cố gắng hết sức để đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bằng cách thích hợp nhất. Tất nhiên, trước hết là đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, để đất nước cường thịnh, mỗi chúng ta nên đặt lợi ích tập thể, xã hội lên trên hết, có như thế thì xã hội mới phát triển được. Khi đó, đảm bảo cuộc sống cá nhân và gia đình là giảm gánh nặng cho xã hội, cá nhân và gia đình phát triển sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển.

Thay vì nói nhiều, chúng ta nên làm nhiều. Thay vì kêu ca, chờ đợi những chính sách vĩ mô chúng ta nên thay đổi chính mình bằng những việc cụ thể, thiết thực để phát triển, từ đó tạo sức lan tỏa ra cộng đồng, xã hội.

PV: Đối với chuyên ngành đang nghiên cứu và giảng dạy thì theo anh, tương lai ngành này ở Việt Nam sẽ phát triển đến mức nào?

TS Nguyễn Trùng Lập: Tôi đang tham gia giảng dạy chuyên ngành mạng máy tính và an toàn thông tin. Theo tôi hướng ngành này sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong tương lai gần khi mà Internet trở thành một hạ tầng chung cho tất cả ứng dụng và an toàn thông tin trở thành một vấn đề then chốt không những trong phát triển kinh tế mà còn liên quan đến an ninh quốc phòng của quốc gia. Mạng máy tính và an toàn thông tin hiện nay đã liên quan và tác động trực tiếp đến đời sống của mỗi cá nhân, hoạt động của mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế, an ninh của quốc gia, và nó không thể thiếu trong thời đại thông tin số. Do đó yêu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ tăng mạnh.

PV: Xin cảm ơn anh!

Thiên Thanh (tổng hợp)