Truyền thống đón Tết Nguyên đán của một số nước châu Á

07:36 | 30/01/2022

377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch) là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân nhiều nước châu Á.
Người dân châu Á tất bật chuẩn bị đón năm mớiNgười dân châu Á tất bật chuẩn bị đón năm mới
Người Châu Á đón Tết năm nay rất khác...Người Châu Á đón Tết năm nay rất khác...

Trung Quốc

Tết Nguyên đán được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc. Đây là kỳ nghỉ lễ dài nhất tại nước này. Bắt đầu từ ngày 8/12 âm lịch, dân Trung Quốc trên khắp thế giới đổ về quê ăn Tết cùng gia đình. Thời gian nghỉ lễ thường kéo dài đến hết ngày 15/1 âm lịch.

Truyền thống đón Tết Nguyên đán của một số nước châu Á
Đèn lồng được treo tại nhiều địa điểm ở Trung Quốc vào dịp năm mới

Sắc đỏ từ đồ trang trí cho đến những bao lì xì ngập tràn ở Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn một năm mới an lành, may mắn.

Vào thời khắc giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ sum họp, ăn bữa cơm để chào năm mới. Theo quan niệm của người Trung Quốc, bữa cơm giao thừa mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện được sự hạnh phúc của mỗi gia đình.

Ngày đầu năm mới, những người lớn tuổi ở Trung Quốc tặng phong bì đỏ cho trẻ em hoặc những người chưa lập gia đình. Biểu diễn múa lân, đốt pháo sáng là những hoạt động phổ biến ở Trung Quốc vào dịp đầu năm mới.

Hàn Quốc

Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc còn được gọi là Seollal. Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.

Trong dịp nghỉ Tết, hầu hết doanh nghiệp Hàn Quốc đều đóng cửa. Người dân nghỉ làm để trở về thăm quê hương, sum vầy bên gia đình.

Người dân Hàn Quốc thường mặc hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên và ăn các món ăn truyền thống vào dịp năm mới. Tham gia các trò chơi dân gian cũng là một hoạt động phổ biến để chào mừng năm mới ơ Hàn Quốc.

Singapore

Vào những ngày Tết, tại Singapore, người dân địa phương thường tổ chức lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật là Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao, Lễ hội đường phố Chingay, cùng nhiều hoạt động khác.

Truyền thống đón Tết Nguyên đán của một số nước châu Á
Lễ hội mùa xuân vào dịp năm mới tại Singapore

Các lễ hội này kéo dài từ ngày 1/1 âm lịch đến 15/1 âm lịch.

Vào dịp lễ Tết, người Singapore thường ăn bánh tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cũng sẽ dành tặng nhau những bao lì xì màu đỏ để cầu chúc may mắn.

Triều Tiên

Tết Nguyên đán ở Triều Tiên còn được gọi là Seol. Vào ngày đầu năm mới, người dân Triều Tiên thường đến nhà họ hàng, thầy cô, bạn bè, đến đặt hoa ở tượng đài cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và chụp ảnh ở đó.

Người dân Triều Tiên có thói quen ăn loại bánh mang tên songpyeon - bánh gạo nặn hình trăng lưỡi liềm vào dịp năm mới. Loại bánh này mang ý nghĩa "trăng khuyết rồi lại tròn" như cuộc đời thăng trầm, luôn đổi thay, xoay vần.

Vào đêm 30 Tết, các thành viên trong gia đình ở Triều Tiên cùng nhau quét dọn nhà cửa, treo câu đối, tranh Tết, làm cơm Tết và quây quần bên nhau để chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao của đất và trời.

Trong ngày đầu năm mới, người dân Triều Tiên thực hiện nghi lễ đặc biệt để tưởng nhớ tổ tiên. Sau nghi lễ chúc phúc năm mới, trẻ con ùa ra đường chơi cùng nhau, trong khi người lớn sẽ chơi bài hoặc các trò chơi truyền thống.

Truyền thống đón Tết Nguyên đán của một số nước châu Á
Người Triều Tiên thường tới tượng đài Cố chủ tịch Kim Nhật Thành nhân dịp đầu năm

Mông Cổ

Tết Nguyên đán ở Mông Cổ hay còn gọi là Ngày Tsagaan Sar, là một trong hai dịp lễ lớn nhất tại quốc gia này. Đây không chỉ là ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy, củng cố mối quan hệ.

Chuẩn bị cho Ngày Tsagaan Sar, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, mặc quần áo mới. Món ăn truyền thống trong ngày này là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông...

Vào thời khắc giao thừa, nam giới Mông Cổ thường thực hiện nghi lễ quan trọng là lên một ngọn đồi/núi gần nhà để cầu nguyện. Sau đó chọn một hướng đi hợp theo tử vi để xuất hành. Việc xuất hành đầu năm này được cho là sẽ mang lại may mắn đến với mọi người.

Trong 3 ngày đầu năm mới, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục truyền thống. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.

Các nước khác

Theo ước tính, có khoảng gần 2 tỷ người trên thế giới đón Tết Nguyên đán. Nhiều người trong số họ là người gốc Hoa sinh sống tại các quốc gia khác nhau.

Ngoài những nước kể tên, một số quốc gia như Bhutan, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia... cũng đón Tết Nguyên đán giống Việt Nam.

Theo baochinhphu.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan