Truyền hình thực tế: Đang phải khoác một chiếc áo rộng?

11:34 | 17/08/2013

888 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tài năng bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế đều phải “tự bơi”, thành công hay không vẫn còn là con đường dài. Thế nên việc đặt nhiều kỳ vọng vào các tài năng vô hình trung công chúng lại khoác thêm cho các chương trình này một chiếc áo rộng!

Có thể thấy, chưa khi nào các chương trình truyền hình thực tế lại ở trạng thái “trăm hoa đua nở” như hiện tại. Và khi đã nhiều thì những chương trình này phải liên tục “thay máu”, liên tục “chiêu trò”... nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngay chính tham vọng “chiếm sóng” trong thực đơn giải trí này đã khiến các chương trình thực tế tự khoác lên mình chiếc áo rộng. Thế nhưng, trong khi “chiếc áo rộng” tự khoác lên chưa thể cởi bỏ thì công chúng lại một lần nữa khoác thêm một chiếc áo khác khi quá kỳ vọng vào những tài năng bước ra từ các cuộc thi này.

Khả năng chiếm sóng đáng kinh ngạc của các chương trình thực tế

Thừa nhận rằng, với việc làm sao để thu hút tốt nhất sự quan tâm từ phía dư luận thì truyền hình thực tế nghiễm nhiên là bệ phóng hữu hiệu của những gương mặt thừa tham vọng làm... người của công chúng. Nhưng công chúng lại quên mất một điều rằng, bản chất của các chương trình truyền hình thực tế vẫn là giải trí, chứ không có nhiệm vụ là “đẻ” ra những ngôi sao hay tìm cho bằng được một tài năng.

Việc làm sao để thu hút được dư luận mới là điều quan trọng ở các chương trình truyền hình thực tế. Và như vậy thì, tìm được những tài năng thực thụ được coi là sự may mắn mà thôi. Cái kết của mỗi cuộc thi vẫn phải là một cái tên được xướng lên. Bởi vậy, không phải tài năng nào được đăng quang cũng thực sự thuyết phục. Còn đăng quang đã như một hiện tượng gây sốt rồi chìm vào quên lãng lại là lẽ thường.

Điển hình trong các cuộc thi công chúng từng phát “sốt” với Uyên Linh, cô nổi lên như một hiện tượng của Vietnam Idol, Đăng Quân – Bảo Ngọc của Vietnam’s Got Talent khiến khán giả đứng ngồi không yên, còn Hương Tràm của Giọng hát Việt rõ ràng là tài năng khi mới 17 tuổi đã có một giọng ca đầy nội lực...

Đăng quang của Trần Hữu Kiên nhanh chóng rơi vào quên lãng

Thế nhưng, việc quá kỳ vọng ở những gương mặt này khiến công chúng lại thêm hụt hẫng ngay phía sau cuộc thi. Bởi thực tế, so với thời kỳ đầu thì cái tên Uyên Linh đã chìm lắng một cách khó hiểu. Đăng Quân – Bảo Ngọc chỉ trở lại đôi lần trong những chương trình ca múa đơn giản. Hương Tràm với những sản phẩm đầu tay thực sự không như mong đợi. Và còn nữa những trường hợp như YaSuy của Vietnam Idol, Trần Hữu Kiên của Vietnam’s Got Talent... đều đã từng là những quán quân gây sốt thế nhưng thành quả lao động mà họ mang đến sau cuộc thi vẫn rất nhạt nhòa.

Rõ ràng, việc bước ra từ một cuộc thi hơn nữa lại ở ngôi vị cao nhất thì đương nhiên phải gặp những áp lực. Nhưng với những chương trình thực tế, nặng về giải trí, thì đâu phải sự lên ngôi nào cũng được ủng hộ của số đông, cũng đâu phải ngôi vị quán quân nào cũng có sức bật nổi trội! Hơn nữa việc tràn lan các cuộc thi tìm kiếm tài năng như vậy, thì đâu phải ai cũng trở thành ngôi sao?

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, cuối cùng thì truyền hình thực tế cũng chỉ là một sân chơi, nó không đại diện cho cái gì đó quá lớn, lại càng không phải là một cái máy để tôi luyện ngôi sao. Vậy nhưng, công chúng dường như lại quá kỳ vọng vào những ngôi vị quán quân hay chờ mong điều gì đó lâu dài từ chương trình thực tế?

Giọng hát Việt mùa 2 đang nhạt nhòa hơn so với mùa đầu

Nhạc sĩ Huy Tuấn đã đúng khi chia sẻ rằng: “Mọi người đang bắt các chương trình truyền hình thực tế gánh những vai trò quá sức. Thực ra mục đích chính của các chương trình này là giải trí, làm cho hấp dẫn khán giả, chứ nó không có nhiệm vụ tìm cho ra những thiên tài. Làm sao để các chương trình đó hấp dẫn trong khoảng 30 phút thôi. Còn việc tìm được tài năng thực sự thì nó thuộc vào sự may mắn”.

Vậy nên, cứ để những chương trình thực tế trở về với đúng bản chất của một chương trình giải trí. Cứ để những tài năng bước đi một cách tự nhiên. Việc bước ra từ mỗi cuộc thi chỉ là bục xuất phát, còn chứng thực tài năng lại là con đường dài phía trước. Thế nên, nếu có sự nhạt nhòa của một hiện tượng cũng không lấy làm lạ, đó là quy luật sau những hào quang của những chương trình thực tế. Công chúng cũng nên bớt đi những kỳ vọng, để những tài năng mới được phát hiện không quá bị áp lực trên vai. Và có lẽ, phải xác định lại rằng các chương trình truyền hình thực tế cũng chỉ là những sân chơi, giải trí mà thôi.

Huy An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps