Hà Nội:

Trường công lập chất lượng cao sẽ đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện đại?

06:42 | 10/10/2013

2,963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Nghị quyết mà HĐND thành phố Hà Nội mới ban hành, từ năm học 2013 - 2014, Hà Nội chính thức áp dụng mô hình trường công lập chất lượng cao (CLC) với những tiêu chí và cơ chế tài chính cụ thể. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, sẽ có 35 trường CLC trên địa bàn thành phố, góp phần tạo nên môi trường giáo dục chất lượng.

Nhiều sự lựa chọn

Cách đây 8 năm, Hà Nội đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao như ở nhiều cấp học. Đó là các trường Mầm non 20/10, Tiểu học Tràng An, THCS Cầu Giấy, THPT Phan Huy Chú, Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu... Trong đó có 13 trường chất lượng cao toàn phần và 5 trường chất lượng cao từng phần. Tuy nhiên, do không có chính sách tài chính cụ thể đi kèm nên mô hình này chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, chủ trương xây dựng mô hình trường chất lượng cao là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tế. Hiện nay, nhiều gia đình đã cho con đi du học với nguyện vọng được học tập trong môi trường giáo dục tốt, và cái đích của việc mở trường công chất lượng cao là đưa nền giáo dục nước nhà tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và tránh “chảy máu” ngoại tệ...

Học sinh khi vào học tại các trường công lập chất lượng cao sẽ được hưởng các dịch vụ giáo dục cao hơn hẳn so với học sinh các trường công lập khác

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tiêu chí về trường chất lượng cao và nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Theo đó, năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2,9 triệu đồng, trường THCS và THPT là 3 triệu đồng. Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học là 3,2 triệu đồng, trường THCS và THPT là 3,4 triệu đồng. Việc xây dựng các trường chất lượng cao với chất lượng không thua kém các trường có yếu tố nước ngoài với mức học phí chỉ bằng một nửa hoặc 1/3, là phù hợp và sẽ thu hút được học sinh có nhu cầu. Thực tế, tại các trường đang thí điểm mô hình chất lượng cao ở quận Cầu Giấy, Đống Đa hay huyện Từ Liêm cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường năm sau luôn cao hơn năm trước.

Trước quyết định này, dư luận lo ngại việc chọn trường công lập chuyển sang công lập chất lượng cao sẽ khiến một bộ phận học sinh không đủ điều kiện đóng góp phải ra khỏi trường và tạo bất công bằng trong giáo dục. Về vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, mô hình trường chất lượng cao của Hà Nội được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị ban đầu. Học sinh khi vào học được hưởng các dịch vụ giáo dục cao hơn hẳn so với học sinh các trường công lập (về chương trình, phương pháp, đội ngũ giáo viên, các dịch vụ…) thì đương nhiên phải đóng học phí nhiều hơn. Còn hiện nay, Hà Nội đã có 4 trường chuyên với chất lượng đào tạo tốt, mức học phí vài chục nghìn đồng/tháng/học sinh là: THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Chuyên Sơn Tây. Ngoài ra, còn có hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia với mức học phí vài chục nghìn đồng/học sinh/ tháng, đáp ứng nhu cầu của mọi học sinh ở các điều kiện khác nhau.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội), Hà Nội sẽ chỉ triển khai trường chất lượng ở nơi đã có đủ trường công lập. Các nguyên tắc đảm bảo trường chất lượng cao thể hiện trong các quy định về tiêu chí trường chất lượng cao của UBND thành phố và đảm bảo quyền lợi của học sinh đang học tại trường. Nếu học sinh nào tại vùng đó không đủ điều kiện về kinh tế theo học tại trường chất lượng cao thì địa phương phải đảm bảo cho học sinh học tại các trường khác trong khu vực để đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Cơ chế kiểm định chất lượng

Theo Sở GD&ĐT, để được công nhận là trường chất lượng cao thì cần có sự thẩm định chặt chẽ của cơ quan quản lý, việc thẩm định trường chất lượng cao sẽ tuân theo quy trình nghiêm ngặt và có mời chuyên gia Bộ GD&ĐT cùng tham gia. Các trường chất lượng cao bảo đảm đủ 5 tiêu chí: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục, do UBND thành phố quy định. Tùy theo từng cấp học mà các yêu cầu trong tiêu chí có sự điều chỉnh song đều phải đảm bảo các điều kiện dạy, học tốt và tạo ra môi trường giáo dục tốt và đây cũng là điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm chất lượng “đầu ra” của “sản phẩm” chất lượng cao. Tuy nhiên, không phải cứ được “đóng dấu” chất lượng cao rồi thì các trường mặc nhiên áp mức phí cao mà thu. Việc kiểm tra sẽ thực hiện theo phương pháp thường xuyên và đột xuất. Trường chất lượng cao sẽ được đánh giá lại theo chu kỳ 4-5 năm/lần (tùy theo cấp học) để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho học sinh.

Hiện, một số trường đang thí điểm mô hình trường chất lượng cao vẫn giữ mức thu phí cũ. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho biết, trường mới được chọn làm thí điểm là trường chất lượng cao nên vẫn giữ mức thu theo lộ trình đề án từ những năm trước, năm ngoái mức thu là 2,2 triệu đồng/tháng, năm học 2013 - 2014 sẽ thu 2,4 triệu/tháng. Việc thu như vậy, trường vẫn đảm bảo được chi tiêu và vì chưa được công nhận là trường chất lượng cao nên trường không thu theo mức trần. Bà Nhiếp cho biết: “Cuối năm học trước trường đã thông báo cho phụ huynh, nếu mức lương của Nhà nước tăng thì học phí của trường cũng sẽ tăng để đảm bảo việc chi tiêu của nhà trường nhưng mức tăng cũng sẽ không cao”.

Về vấn đề trường công lập chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc mở ra mô hình trường chất lượng cao là để cho những người dân có điều kiện tự nguyện tham gia. Điều này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh vì trên một địa bàn, học sinh vẫn được đảm bảo yêu cầu phổ cập giáo dục của từng cấp. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có Thông tư hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cho trường công lập chất lượng cao như về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục...

Đồng thời, Thứ trưởng cũng nêu rõ: “Bộ GD&ĐT chỉ quy định trường công lập chất lượng cao chứ không thể có lớp chất lượng cao trong trường. Nếu trường nào phân chia lớp ra như vậy là sai quy định và khi sai thì phải bị xử lý và phòng giáo dục quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để cho các trường phân chia như trên.

Người học có quyền lựa chọn trường học chất lượng tốt nhất cho con em, ngành Giáo dục không thể bắt ép phụ huynh phải cho con học trường này hay bỏ trường kia. Sự lựa chọn là do phụ huynh. Tiêu chí để đánh giá trường công lập chất lượng cao là do phụ huynh thỏa thuận với nhà trường. Điều này có nghĩa là nhà trường thu tiền của phụ huynh như thế nào thì phải đảm bất lượng giáo dục xứng đáng với đồng tiền phụ huynh bỏ ra”.

Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND do HĐND thành phố Hà Nội ban hành ngày 17/7/2013 quy định, việc theo học tại các cơ sở giáo dục công lập CLC theo nguyên tắc tự nguyện. Học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC được thu tương xứng với tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy được kiểm định. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí cơ sở giáo dục công lập CLC. Cơ sở giáo dục công lập CLC tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch, chịu sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh và xã hội, đảm bảo tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí do người học đóng góp và nguồn tài chính được đầu tư, sử dụng.

Khánh An