Trước các vụ kiện chống bán phá giá: Doanh nghiệp thép gặp khó

17:00 | 15/06/2018

281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, sản phẩm thép Việt Nam liên tiếp đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá (CBPG). Thực tế này buộc doanh nghiệp (DN) thép trong nước phải có giải pháp ứng phó. 
truoc cac vu kien chong ban pha gia doanh nghiep thep gap kho
Đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, tăng trưởng ngành thép năm 2018 đạt 20 - 22%, trong đó, thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngành thép chịu nhiều áp lực do tình hình bảo hộ thương mại. Tính đến nay, thép là ngành phải đối mặt nhiều nhất với các vụ kiện CBPG, chống trợ cấp từ các nước nhập khẩu và hiện bị áp thuế CBPG từ các quốc gia khác ngoài Mỹ như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... đã khiến xuất khẩu thép của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.Tính đến nay, tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á. Năm 2017, xuất khẩu của ngành thép đạt 5,5 triệu tấn, tăng 28,5%; kim ngạch đạt 3,6 tỷ USD, tăng 45,4% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch VSA - cho hay, bảo hộ thương mại đang gây nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu thép. Trong khi đó, thị trường trong nước lại hứa hẹn nhiều triển vọng vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Do đó, để đảm bảo tăng trưởng trong tiêu thụ thép, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các DN trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin đối với DN.

Về phía VSA sẽ thực hiện tuyên truyền, tổ chức các hội thảo để phổ biến các kiến thức hội nhập cho DN. VSA cũng khuyến nghị các DN khi xuất khẩu phải nghiên cứu, bố trí thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo cớ cho các nước nhập khẩu tiến hành khởi xướng điều tra.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB - ông Nguyễn Trí Cường - nhận định, dù những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang tăng cao nhưng hoạt động xuất khẩu thép Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng liên tục trong các tháng đầu năm. Với thị trường Mỹ - dù chiếm tỷ trọng khá đáng kể trong xuất khẩu thép Việt Nam, song thuế quan do Hoa Kỳ áp đặt được xem không ảnh hưởng quá lớn đến ngành thép bởi DN đã có nhiều thị trường thay thế tiềm năng (EU, Đài Loan, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á).

"Một lựa chọn thay thế khác chính là thị trường nội địa, khi nguồn cầu trong nước được dự báo duy trì mức tăng trưởng 20%/năm trong thời gian tới nhờ các "xúc tác" từ sự tăng trưởng phân khúc nhà ở giá rẻ của thị trường bất động sản và dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong nước" - ông Cường cho hay.

Cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ DN trong nước

baocongthuong.vn