Trung tâm giao dịch vàng quốc gia - giải pháp minh bạch cho thị trường vàng?
Hiện nay, việc niêm yết vàng của các doanh nghiệp đang bị thả nổi hoàn toàn, không có cơ chế và công cụ giám sát cung cầu thị trường nên việc niêm yết còn mang tính chủ quan của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, dẫn đến tình trạng tự do “thổi giá” hoặc “ghìm giá”, gây thiệt hại cho người dân.
Hơn nữa, việc thông tin thiếu minh bạch về cung cầu hằng ngày trên thị trường đã làm gia tăng yếu tố tâm lý và sự nhạy cảm trong hoạt động mua bán vàng của người dân, là nguyên nhân tạo ra các “cơn sốt” vàng ảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bình ổn của thị trường.
Chính vì vậy, tạo lập một thị trường chính thức duy nhất thông qua việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia và biến nó thành công cụ để cơ quan Nhà nước có thể thực hiện hiệu quả công tác giám sát, điều tiết thị trường vàng và huy động nguồn lực vàng trong dân là một giải pháp và cũng là một yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường vàng trong tương lai.
Thị trường vàng nước ta thường xuyên có nhiều bất ổn do thiếu cơ chế giám sát
Trước năm 2009, có khoảng 30 sàn giao dịch vàng trên toàn quốc được thành lập bởi các ngân hàng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh vàng với doanh số khoảng 66 ngàn tỷ đồng/ngày.
Tuy nhiên, các sàn giao dịch này tồn tại nhỏ lẻ, độc lập với nhau, không tạo được một mặt bằng thị trường thống nhất. Do đó, giá vàng trên sàn cũng dễ bị thao túng và hoàn toàn cô lập với giá vàng trong nước và thế giới, không đảm bảo khách quan và minh bạch.
Bên cạnh đó, do không có một quy chế giao dịch thống nhất giữa các sàn, mỗi sàn tự đề ra quy chế giao dịch riêng, chủ sàn tự ý thay đổi các điều khoản, điều kiện giao dịch, gây rủi ro cho các nhà đầu tư.
Với những hạn chế trên, việc chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng trong nước theo Thông báo số 36/TB – VPCP ngày 30/12/2009 là một hành động cần thiết và kịp thời.
Tuy nhiên, ở nước ta, hiện nay vẫn xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư cá nhân kinh doanh vàng thông qua các hình thức biến tướng như: ra mắt sản phẩm đầu tư vàng vật chất, thành lập các công ty liên doanh mở sàn giao dịch vàng ở Campuchia, phổ biến nhất là hình thức kinh doanh vàng tài khoản tại nước ngoài trái phép qua các phần mềm giao dịch sử dụng mạng internet, dẫn đến tình trạng chuyển vốn trái phép ra nước ngoài, vi phạm nghiêm trọng các quy định về kinh doanh ngoại hối.
Bên cạnh đó, thị trường vàng còn tồn tại nhiều bất ổn như: công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động kinh doanh còn yếu kém, chưa đồng bộ, chưa có hệ thống kiểm định chất lượng vàng lưu hành trên thị trường, sự gắn kết không chặt chẽ của thị trường vàng với hệ thống tài chính quốc gia.
Theo ông Hoàng Huy Hà, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia là giải pháp mang tính tổng thể cho thị trường vàng Việt Nam. Sở giao dịch sẽ tập trung được các giao dịch vàng vào một “mặt bằng”, chuẩn hóa và đồng bộ tất cả hoạt động liên quan đến kinh doanh vàng (giao dịch, thanh toán, lưu trữ, giao nhận, kiểm định… ), nhằm tăng cường tính minh bạch và thông suốt cho thị trường vàng.
Bên cạnh đó, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng sẽ góp phần giảm tình trạng lũng đoạn thị trường, thao túng giá, góp phần tạo trật tự khách quan và công bằng cho thị trường vàng. Khi mua vàng tại Sở, người dân có thể lựa chọn hình thức nhận vàng vật chất hoặc vàng ghi sổ, do đó góp phần giảm bớt nhu cầu nhập khẩu vàng.
Trên cơ sở tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế phù hợp với khả năng vận dụng vào thị trường Việt Nam như mô hình các Sở giao dịch vàng: COMEX (Mỹ), TOCOM (Nhật Bản), MCX (Ấn Độ), DGCX (Dubai), SGE (Trung Quốc), ông Hoàng Huy Hà - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, Sở giao dịch vàng quốc gia có thể được thành lập dưới hình thức là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc Công ty Cổ phần trong đó Nhà nước nằm cổ phần chủ yếu.
Đây là một đơn vị kinh doanh độc lập, chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là công cụ để Nhà nước thực hiện giám sát và điều tiết thị trường vàng nói riêng và thị trường tài chính, tiền tệ nói chung.
Theo các chuyên gia, việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ tạo một mặt bằng thị trường, tạo sân chơi chung cho các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo thị trường được vận hành một cách an toàn, minh bạch và có kiểm soát. Bên cạnh đó, việc này sẽ làm giảm các tiêu cực trên thị trường và góp phần tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025